13816/12/2022, 12:00 19/12/2022, 22:07
1099 · Công Đức Của Người Thầy Lưu Lại Vạn Đời

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 16/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1099

“CÔNG ĐỨC CỦA NGƯỜI THẦY LƯU LẠI VẠN ĐỜI”

Khổng Lão Phu Tử chỉ dạy học năm năm nhưng người đời sau xưng tôn Ngài là “vạn thế sư biểu”, người Thầy của muôn đời. Cách đây gần 3000 năm, Thích Ca Mâu Ni dạy học trong 49 năm, đến nay người đời vẫn tôn kính, ngưỡng mộ, làm theo Ngài. Công đức của một bậc Thầy chân chính lưu lại đến vạn đời sau. Chúng ta là học trò của Khổng Lão Phu Tử, của Thích Ca Mâu Ni Phật chúng ta phải học theo tấm gương của các Ngài, chúng ta phải làm giáo dục với tâm tri ân, báo ân. Chúng ta làm theo tấm gương của các Ngài thì chúng ta cũng được vạn đời sau ghi nhớ.

Hòa Thượng nói: “Người làm giáo dục không thể không cẩn trọng! Chúng ta đừng vì chút danh vọng, tiền tài trước mắt mà quên đi trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của người Thầy”. Người ngày nay bị cám dỗ bởi vật chất nên quên đi trách nhiệm thiêng liêng của mình. Hàng ngày, họ không được huân tập giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử, của Thích Ca Mâu Ni Phật nên họ không thấm nhuần những tư tưởng của các Ngài. Nếu một ngày chúng ta không đọc sách Thánh Hiền thì mặt mũi chúng ta trông đã khác.

Người có trí tuệ thì họ sẽ nhận ra rằng chúng ta dạy người cũng là chúng ta đang dạy chính mình. Trong suốt 1200 đề tài vừa qua, tôi đã nói cho mình nghe. Chính chúng ta nói cho chúng ta nghe thì chúng ta sẽ nhớ rất sâu sắc. Chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta đều được nhắc nhở.

Khi chúng ta dạy học, học trò cũng chính là Thầy của chúng ta. Học trò đưa ra những bài toán khó giải để chúng ta tăng thêm năng lực. Ngày trước, khi tôi dạy lớp gia giáo ở thành phố Vũng Tàu, ban đầu lớp có 70 học trò rất nhiệt huyết, sau gần một năm chỉ còn 6 học trò. Từ nhà tôi đi đến nơi dạy là khoảng 160km nhưng có những hôm học trò nghỉ hết mà không thông báo với tôi. Họ rất xem thường việc học, rất xem thường mối nhân duyên với Thầy. Sau này, khi họ có thành tựu cũng có một vài người đến tri ân tôi. Học trò cho chúng ta những bài học nan giải giúp chúng ta có thêm năng lực chuyên môn.

Hòa Thượng nói: “Cả thế gian và xuất thế gian, một vị Lão sư tốt thì công đức của họ không ai sánh được!”. Hòa Thượng luôn nhắc đến Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam với tâm rất cung kính, Ngài đã hơn 90 tuổi nhưng Ngài vẫn nói: “Thầy của tôi nói như vậy!”, “Thầy của tôi dạy như vậy!”. Hòa Thượng nhắc đến Thầy của mình với tâm cung kính như một đứa trẻ nhắc đến Thầy Cô giáo. Hòa Thượng nói: “Sở dĩ tôi có chút thành tựu vì tôi nghe lời và thật làm”. Nếu không có những vị Thầy như Giáo sư Phương Đông Mỹ, Chương Gia Đại Sư, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thì chúng ta không thể có một người Thầy khả kính như Hòa Thượng. Công đức của một vị Thầy là: “Vạn cổ lưu phương”. Lưu lại cả vạn đời.

Hòa Thượng nói: “Người làm Thầy Cô và người Thầy thuốc giống như nhau, họ phải chịu trách nhiệm nhân quả vô cùng to lớn”. Trong giai đoạn dịch bệnh hiện tại, nếu những người làm trong ngành Y có quyết định sai lầm, không có sự quyết đoán thì sẽ dẫn đến rất hậu quả rất nghiêm trọng. Công đức của người Thầy giáo tốt sẽ được tiếp nối qua vạn đời. Giáo dục của Khổng Lão Phu Tử đã trở thành chuẩn mực vượt qua thời gian, không gian không ai có thể thay thế. Một ngàn năm trước mọi người tuân theo, hiện tại chúng ta vâng làm và một ngàn năm sau người đời vẫn kính trọng, ngưỡng mộ các Ngài.

Một số người rất tùy tiện, vô trách nhiệm, họ dạy học trò tu một pháp còn họ thì tu pháp khác. Chúng ta may mắn gặp được pháp Hòa Thượng, Ngài cả một đời tu hành viên mãn, nói và làm tương ưng. Hòa Thượng nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Những điều trái với tự tánh thuần tịnh, thuần thiện của chúng ta thì đó là tà. Tự tánh của chúng ta là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Nhiều người vẫn không phân biệt được tà chánh, thiện ác, tốt xấu nên Hòa Thượng đã nói một cách thẳng thắn: “Phật pháp chân chánh không nhắc đến tiền!”.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Chúng sanh nghe những lời nói thẳng thì họ cảm thấy như có người mắng chửi họ. Họ thích nghe những lời tán thán sáo rỗng. Có người rất vui khi được nói là đã chứng ngộ, họ nói với Hòa Thượng: “Một vị Thượng sư nổi tiếng nói con đã chứng ngộ rồi vậy thì Hòa Thượng ấn chứng giúp con!”. Hòa Thượng nói: “Anh chưa chứng ngộ gì cả! Vì nếu anh là người đã chứng ngộ thì anh sẽ biết tôi là người chưa chứng ngộ. Tôi vẫn chỉ là một phàm phu. Người chưa chứng ngộ thì sẽ không ấn chứng được cho người đã chứng ngộ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook