122Thứ Sáu, 09/12/2022, 11:39
1093 · Mỗi Niệm Đều Phải Nghĩ Tạo Phúc Cho Xã Hội

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, Ngày 09/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1093

“MỖI NIỆM ĐỀU PHẢI NGHĨ TẠO PHÚC CHO XÃ HỘI”

Chư Phật Bồ Tát mỗi niệm đều nghĩ tạo phúc cho xã hội. Chúng sanh niệm niệm vì mình mà lo nghĩ. Hiện tại, trong xã hội chỉ một số ít người mở được tâm rộng lớn nhưng cũng đã rất nhiều chúng sanh đã có lợi ích. Nếu 1/3 người trong xã hội phát tâm rộng lớn thì rất nhiều chúng sanh sẽ có được lợi ích. Hôm trước, chúng ta có dịp về thăm quê Bác, Bác đã mở tâm rộng lớn vì lợi ích quốc gia dân tộc. Bác đã thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Rất nhiều quốc gia, dân tộc khác cũng ngưỡng mộ, hướng về Bác để học tập. Chúng ta mở tâm rộng lớn nghĩ về việc tạo phúc cho chúng sanh, cho xã hội thì chúng ta sẽ mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người.

Chúng ta khởi niệm “tự tư tự lợi” thì chỉ chúng ta có thể có tiền tài, vật chất trong vài năm ngắn ngủi. Chúng ta khởi ý niệm “tự tư tự lợi” thì chẳng những chúng ta không lợi mình mà còn tổn mình, hại người. Hôm nay, chúng ta về tổ chức Lễ vía Phật A Di Đà tại tổ đình Phúc Hậu, các đồng tu đã phát tâm tổ chức buổi Lễ rất trang trọng, buổi Lễ sẽ mang lợi lợi ích cho nhiều chúng sanh. Chỉ cần chúng ta có một niệm lợi tha thì rất nhiều người có lợi ích. Ý niệm “tự tư tự lợi” có thể giúp chúng ta có thêm một khoản tiền lớn nhưng không khiến chúng ta có niềm an vui, hạnh phúc.

Phật Bồ Tát, Thánh Hiền nhân dạy chúng ta mở tâm rộng lớn để tạo phúc cho xã hội, cho chúng sanh. Chúng ta chuyển ý niệm “tự tư tự lợi” thành ý niệm lợi ích cho tha nhân thì chúng ta liền sẽ tự tại, an vui. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngu muội nên họ khởi ý niệm “tự tư tự lợi”. Ý niệm “tự tư tự lợi” chẳng những không có lợi mà còn có hại cho chính mình!”. Người thế gian không biết rằng lợi người chính là lợi mình. Ý niệm lợi mình thì chẳng những không lợi mình mà còn hại người, hại mình. Hòa Thượng nói: “Người chân thật có trí tuệ là người khởi được ý niệm lợi người. Lợi người chính là chân thật lợi mình!”.

Chúng ta quán sát sẽ nhận thấy, ngày nào chúng ta khởi ý niệm lợi ích cho người thì chúng ta sẽ cảm thấy rất an vui. Ngày nào chúng ta khởi ý niệm vì mình, ý niệm lười biếng, chểnh mảng thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Chúng ta chọn ý niệm phấn đấu, nỗ lực thì tinh thần chúng ta luôn sảng khoái, tràn đầy năng lượng. Chúng ta khởi ý niệm lười biếng, chểnh mảng, “lánh nặng tìm nhẹ” thì chính chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi, phiền não.

Trong một số buổi giảng, tôi rất mệt, mắt tôi mờ thậm chí tôi không nhìn thấy mọi người, khi đó tôi chỉ khởi lên ý niệm học xong buổi này thì tôi đi cũng được. Khi tôi làm việc, nếu cơ thể chuyển biến khác thường, tôi cũng khởi ý niệm làm xong việc đã hứa với chúng sanh rồi thì có thể đi. Những năm trước, tôi bệnh rất nặng, có những lần tôi phải nằm trên xe, tôi cố gắng để có thể thở. Khi đến nơi, mọi người đã mời tôi lên nói nhưng tôi vẫn chưa dậy được. Khi đó, tôi khởi ý niệm xin Phật cho con nói 15 phút, khi vào lạy Phật xong thì tôi lại tỉnh táo, tôi nói liên tục trong khoảng 1.5 giờ. Nếu chúng ta không nỗ lực thì chúng ta không có cách nào thay đổi được chính mình. Chúng ta chỉ cần thay đổi ý niệm, từ ý niệm “tự tư tự lợi” thành ý niệm lợi ích cho tha nhân. Chúng ta cảm thấy mệt, cơ thể khác thường thì chúng ta càng phải nỗ lực.

Chúng ta phải quên đi chính mình, nghĩ đến việc tạo phúc cho xã hội, cho chúng sanh. Chúng ta quên đi “cái ta”, không còn “cái ta” thì bệnh không còn chỗ để nương vào. Tất cả chỉ từ một niệm. Chúng ta niệm “tự tư tự lợi” thì chúng ta thuận theo tập khí, phiền não, theo vận mạng của chính mình. Chúng ta không thuận theo tập khí, phiền não, vận mạng thì chúng ta sẽ vượt ra khỏi vận mạng. Người chân thật tu hành là người biết dụng tâm. Một ngày chúng ta niệm Phật, lạy Phật nhiều giờ thì đó chỉ là hình tướng bên ngoài.

Chúng ta chuyển đổi tập khí, phiền não, vận mệnh chỉ cần bằng cách chuyển đổi ý niệm. Buổi sáng, nếu chúng ta thuận theo tập khí, phiền não thì chúng ta không thể dậy học được. Nếu chúng ta khởi ý niệm bằng mọi giá chúng ta phải dạy học thì chúng ta đã thắng được nghiệp lực. Sáng nay, tôi vừa từ xứ lạnh về xứ nóng, đầu tôi vẫn cảm thấy lâng lâng, tôi bị sổ mũi rất nặng. Cơ thể không tương thức với thời tiết đó là việc của cơ thể còn việc tôi cần làm thì tôi vẫn làm. Nếu chúng ta cho phép mình nghỉ thì chúng ta sẽ sẽ nghỉ nhiều ngày tiếp theo. Tất cả chỉ bắt đầu từ chuyển đổi ý niệm. Ngay hiện tại, chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn. Hôm nay, chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn. Ngày mai không bao giờ đến, ngày mai vẫn là hôm nay.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook