116Thứ Năm, 01/12/2022, 11:34
1085 · Nhà Phật Gọi Là Giáo Hóa Không Gọi Là Giáo Học

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 01/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1085

“NHÀ PHẬT GỌI LÀ GIÁO HÓA KHÔNG GỌI LÀ GIÁO HỌC”

Giáo hóa” là chúng ta có sự hàm dưỡng từ bên trong. Khi chúng ta chân thật tiếp nhận, chân thật thấu hiểu thì chúng ta chân thật có sự nội hóa, sự thay đổi từ bên trong. Người xưa nói: “Thân người khó được. Phật pháp khó nghe”. Chúng ta có được thân người nhưng chúng ta chỉ nghe mà không thật làm, không thật sự nội hóa thì chúng ta lại uổng một kiếp nhân sinh.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì chúng ta phải chân thật có sự nội hóa. Chúng ta được giáo hóa, chúng ta chân thật hiểu tường tận thì chúng ta liền sẽ có sự thay đổi”. Giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền là chân lý đã được không gian, thời gian minh chứng. Chúng ta chân thật làm theo giáo huấn của các Ngài thì chúng ta sẽ chân thật có kết quả. Người chân thật hiểu thì họ liền sẽ có sự thay đổi giống như một phản ứng hóa học. Phản ứng hóa học tự động diễn ra khi một số chất tương tác với nhau trong những điều kiện nhất định. Chuyển hóa là chúng ta có thể chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành Thánh. Nếu chúng ta chưa có sự chuyển hóa thì chúng ta chỉ nghe mà không thật làm.

Hòa Thượng nói: “Người xưa thường nói, chúng ta học tập, nghe Kinh, nghe pháp sẽ giúp khí chất biến hóa”. Chúng ta chân thật học tập thì chúng ta sẽ có sự thay đổi từ trong nội tâm. Chúng ta có sự thay đổi thì chúng ta sẽ từng bước chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh. Giáo huấn của Phật Bồ Tát giúp chúng ta hoàn thiện và dần đạt đến chân, thiện, mỹ. Chúng ta học tập lâu năm mà chúng ta không có sự thay đổi do chúng ta không có sự nội hóa, không có sự thay đổi từ bên trong. Chúng ta không có sự nội hóa thì chúng ta sẽ mãi phiền não, khổ đau. Chúng ta là phàm phu nên chắc chắn chúng ta có phiền não nhưng chúng ta biết hóa giải thì phiền não sẽ chóng qua. Người không biết chuyển hóa thì họ sẽ làm cho phiền não, khổ đau ngày càng thêm lớn.

Hòa Thượng nói: “Giáo” là từ nơi sự tướng. “Hóa” là kết quả thực tế có được. Trong tu hành, điều quan trọng là chúng ta phải có kết quả thực tế. Nếu nội tâm chúng ta thay đổi ít thì chúng ta tiến bộ chậm. Nếu nội tâm chúng ta thay đổi lớn thì chúng ta là người thấu suốt, tường tận”. Chúng ta tu hành mà tập khí, phiền não nhẹ dần thì đó là chúng ta đã có thành tích. Thành quả của người học Phật, không phụ thuộc thời gian tu hành dài hay ngắn, một ngày chúng ta niệm Phật ít hay nhiều mà là chúng ta đã chuyển hóa được bao nhiêu phần trăm tập khí, phiền não. Chúng ta tu hành thời gian dài mà tập khí phiền não vẫn còn nguyên thì chúng ta giống như người xưa nói: “Đau mồm, rát họng, chỉ uổng công”. Trong Phật pháp: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”. Không ai có thể tu hành thay cho ai. Ai tu người đó có kết quả. Chúng ta chỉ có thể làm ra biểu pháp cho người khác còn chúng ta không thể nhường năng lực tu hành cho người khác.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta tập khí rất sâu dày, chúng ta đã tu học nhiều chục năm nhưng vẫn không có một chút thay đổi nào”. Ngày trước, khi tôi dịch đĩa Hòa Thượng giảng giải “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Hòa Thượng nói: “Suốt 36 năm giảng Kinh, nói pháp, không ngày nào không niệm Phật, tụng Kinh, thế mà phiền não trong tôi vẫn giấy khởi”. Câu nói của Hòa Thượng như lời khai thị giúp tôi phản tỉnh. Tôi tưởng rằng mình đã có một chút công phu vì tôi dành rất nhiều thời gian dịch đĩa Hòa Thượng, niệm Phật, phóng sanh. Hòa Thượng không sử dụng Internet, mạng xã hội, Ngài tuyệt giao với các phương tiện viễn thông mà phiền não trong Ngài vẫn dấy khởi. Chúng ta ngày ngày tiếp cận với thế giới muôn màu nên phiền não trong chúng ta luôn dấy khởi trùng trùng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải biết rằng nghiệp chướng của chúng ta rất sâu nặng”. Nghiệp chướng của chúng ta không dễ gì chuyển đổi trong thời gian ngắn. Những người đại căn, đại chí “một nghe ngàn ngộ” thì họ sẽ có sự chuyển đổi nhanh chúng. Chúng ta “ngàn nghe một ngộ” thì chúng ta sẽ cần nhiều thời gian. Chúng ta cần thời gian của kiếp này và nhiều kiếp sau để có thể khai ngộ. Có người có thể viên thành Phật đạo nhanh nhưng cũng có người phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook