110Thứ Ba, 22/11/2022, 11:28
1076 · Cả Ngày Khởi Vọng Tưởng, Kết Quả Của Vọng Tưởng Gọi Là Nghiệp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 22/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1076

“CẢ NGÀY KHỞI VỌNG TƯỞNG, KẾT QUẢ CỦA VỌNG TƯỞNG GỌI LÀ NGHIỆP”

Hàng ngày, chúng ta chìm đắm trong vọng tưởng. Kết quả của vọng tưởng là nghiệp. Nghiệp sẽ chi phối, dẫn dắt hành động tạo tác của chúng ta. Phần nhiều nghiệp chúng ta tạo ra là nghiệp ác do vậy đời sống của chúng ta luôn gặp chướng ngại. Chúng ta cho rằng, chúng ta chuyên tâm tu hành, chúng ta không tạo nghiệp nhưng hàng ngày, tâm chúng ta vẫn khởi vọng tưởng triền miên. Khi chúng ta niệm Phật, lạy Phật, tụng Kinh thì trong tâm chúng ta vẫn đang vọng tưởng.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian bị nghiệp lực chi phối vì vậy họ muốn làm việc tốt cũng không dễ”. Khi chúng ta muốn làm một việc tốt thì tâm chúng ta sẽ suy nghĩ, đắn đo sợ tốn kém, sợ mất thời gian, sợ vất vả. Chúng ta cần thêm duyên tốt tác động để chúng ta có thể mạnh mẽ làm. Nếu có một vài duyên xấu tác động vào thì chúng ta sẽ không còn muốn làm việc tốt đó. Ngày nay duyên xấu chiếm đến hơn 90%. Nhiều người khởi ý niệm làm việc tốt nhưng ý niệm đó dần tan biến

Hòa Thượng nói: “Việc tốt lắm giày vò”. Chúng ta muốn làm việc tốt cũng không dễ dàng. Nghiệp lực làm cho chúng ta đắn đo khi làm việc tốt. Nghiệp “tự tư tự lợi”, tham lam, bỏn xẻn đã có sẵn trong chúng ta. Những nghiệp lực này làm cho niềm tin của chúng ta với Phật bị cản trở. Chúng ta gieo hạt ngô thì chúng ta có bắp ngô. Chúng ta gieo hạt cải thì chúng ta có rau cải. Chúng ta trồng cây gì thì cây đó sẽ phát triển. Cây phát triển nhanh hay chậm thì do điều kiện dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời, nước, độ ẩm.

Cách đây vài năm, tôi trồng rau cải, hoa cả màu vàng rực rỡ rất đẹp. Khi hạt cải rụng xuống đất, sau nhiều năm vùi trong đất, hạt cải vẫn có thể phát triển. Việc tốt của chúng ta luôn bị chướng ngại hoặc diễn ra chậm hơn vì chúng ta luôn tính toán, đắn do. Chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào nhân quả. Chúng ta gieo nhân tốt thì nhất định chúng ta sẽ có quả tốt. Chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh thì phước báu sẽ rất lớn.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta cho đi một cách dễ dàng, nhanh chóng thì phước báu sẽ đến một cách dễ dàng. Chúng ta cho đi một cách khó khăn thì phước báu cũng sẽ đến một cách khó khăn”. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã tạo ra vô số ác nghiệp. Chúng ta đã “tham, sân, si, mạn”, “tự tư tự lợi” nhiều đời nhiều kiếp. Trong tất cả các nghiệp thì nghiệp của tham dẫn đầu. Chủng tử nghiệp đã cắm sâu từ nhiều đời nhiều kiếp.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta hy vọng mọi việc đều thuận ý, vừa lòng nhưng chúng ta không làm cho người khác thuận ý, vừa lòng. Chúng ta hy vọng mọi người đều hợp tác, giúp đỡ, quan tâm đến chúng ta nhưng chúng ta có làm như vậy với mọi người không? Chúng ta được người khác quan tâm, hỗ trợ đó là quả. Còn nhân đó là chúng ta phải hợp tác, giúp đỡ quan tâm đến mọi người. Nhân quả rất rõ ràng!”.

Hòa Thượng nói: “Tập khí của chúng sanh là chỉ quan tâm đến một vài người mà chúng ta ưa thích. Người chúng ta không ưa thích có đến 9 người, còn người chúng ta ưa thích chỉ có 1. Vậy thì việc không như ý, không vừa lòng chúng ta sẽ gặp đến 9 việc, việc chúng ta ưa thích chúng ta chỉ gặp 1”. Trong cuộc sống, những việc chúng ta thuận ý, vừa lòng rất ít. Những việc cản trở, chướng ngại chúng ta thì rất nhiều.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát dụng tâm không giống như chúng ta. Chúng ta dụng tâm phân biệt chấp trước. Phật Bồ Tát dụng tâm chân thành, bình đẳng, thanh tịnh, đại từ bi quan tâm đến tất cả chúng sanh”. Tất cả chúng sanh khi nhìn thấy Phật Bồ Tát đều cúi đầu cung kính. Những người không phải học trò của Phật thì khi đứng trước Phật họ cũng không dám có hành vi bất kính. Phật đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh. Chúng ta có nhiều việc không như ý vì chúng ta đã gieo nhân. Chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật bằng tâm phân biệt. Người chúng ta ưa thích thì chúng ta quan tâm nhiều hơn. Tâm của Phật Bồ Tát rộng đến tận hư không, khắp pháp giới nên nhân các Ngài tạo ra cũng lớn như vậy. Chúng ta tạo ra nhân quá nhỏ, nhỏ đến mức không thể dung chứa thứ gì.

Trên trang web “Nhidonghocphat.com” có hai câu: “Từ bi trùm pháp giới. Thiện ý khắp nhân gian”. Nếu chúng ta có tâm lượng không hạn chế thì sức chứa của tâm sẽ là không hạn chế. Chúng ta phát tâm rộng lớn thì việc làm của chúng ta sẽ không gặp chướng ngại. Tâm chúng ta nhỏ hẹp, hạn chế. Loài Ngạ quỷ, đầu của họ rất to, bụng to như cái trống nhưng cổ chỉ nhỏ bằng cây kim. Ngạ quỷ muốn ăn nên họ cố gắng nhấc đầu lên, khi đó cổ liền bị gẫy. Đây là do nghiệp tham lam, bỏn xẻn của họ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook