91Thứ Hai, 21/11/2022, 20:12
1074 · Nghe Lời Và Có Lòng Nhẫn Nại Là Người Có Phước

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 20/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1074

“NGHE LỜI VÀ CÓ LÒNG NHẪN NẠI LÀ NGƯỜI CÓ PHƯỚC”

Người có phước đức là người biết nghe lời và làm theo. Ngài Đế Nhàn có một người học trò làm hương đăng, ông là người thật thà, chất phác. Mùa hè đến mọi người bảo ông mang nến ra phơi nên ông làm theo lời họ. Trời nóng nên nến bị chảy hếtTối hôm đó đại chúng không có nến để thắp. Hoà Thượng Đế Nhàn biết ông là người chân thật nên bảo ông về một ngôi chùa nhỏ, hàng ngày chăm chỉ niệm Phật. Ông nghe lời và thật làm theo lời dặn bảo của Hòa Thượng Đế Nhàn. Ba năm sau từ không biết chữ mà ông trở thành Đại pháp sư, biết giảng Kinh, nói pháp. Trong “Kinh A Di Đà” cũng có nhắc tới Ngài Châu Lợi Bàn Đặc, Ngài là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài Châu Lợi Bàn Đặc là người thật thà, không có trí tuệ nhưng Ngài nghe lời, thật làm nên Ngài cũng đã có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta thiếu thiện căn hoặc phước đức cũng không có vấn đề gì. Nếu chúng ta không có cả thiện căn và phước đức vậy thì Phật Bồ Tát cũng không thể cứu chúng ta!”. Người có thiện căn là người “y giáo phụng hành”. Người có phước đức là người làm theo, có lòng nhẫn nại. Phật Bồ Tát có vô lượng vô biên phương tiện dẫn độ chúng sanh nhưng nếu người không có thiện căn, phước đức thì các Ngài cũng không thể cứu.

Một số người cho rằng, ngày nay học thuật của người thế gian là hữu dụng hơn trí tuệ của Cổ Thánh Tiên Hiền, Phật Bồ Tát. Họ không tin vào giáo dục của người xưa. Hôm qua, tôi có đón tiếp một vài người, họ nói rằng con họ đang được học mô hình giáo dục hiện đại rất tốt. Mỗi tháng tiền học phí lên đến 1 hoặc 2 tấn gạo. Họ đến chỗ tôi khoảng hơn 1 tiếng, nhưng con của họ gồm 4 đứa nhỏ đã làm đĩa trái cây, bánh kẹo bị đảo lộn không thể ăn được nữa. Đó là kết quả của việc cho trẻ học siêu trí tuệ, siêu năng lực. Giáo dục của người xưa là giáo dục trí tuệ. Giáo dục từ trí tuệ lưu xuất ra. Giáo dục của người xưa giúp con người chuẩn mực từ ý niệm đến hành vi. Giáo dục của người xưa cũng nhấn mạnh, người trước phải làm ra sự chuẩn mực để người sau noi theo.

Hòa Thượng nói: “Thiện căn, phước đức đều không có thì Phật Bồ Tát cũng không thể cứu. Vị Hòa Thượng phơi đèn sáp và Châu Lợi Bàn Đặc đều không có trí tuệ nhưng họ có phước vì họ nghe lời và làm theo”. Tâm họ có định nên họ không bao chao, xao động. Nhiều người không tin tưởng giáo huấn của Thánh Hiền, Phật Bồ Tát nên họ muốn tìm phương pháp giáo dục hiện đại. Họ là người không có thiện căn, phước đức. Những kiến thức của nền giáo dục hiện đại được lưu xuất ra từ phiền não, vọng tưởng. Giáo dục của người xưa do trí tuệ, thiền định lưu xuất ra.

Một số người cho rằng mô hình giáo dục đắt tiền thì sẽ tốt cho con của họ. Nhưng những đứa trẻ được đào tạo ra từ những mô hình giáo dục hiện đại này rất đáng lo. Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân. Khi tôi còn nhỏ, Ba tôi mua vịt về để tôi chăn. Năm đầu tiên thu nhập từ việc nuôi vịt cũng giúp cuộc sống gia đình tôi tốt hơn. Năm thứ hai, vịt bị bệnh nên chết gần hết. Trước đây, tôi không được học trường tốt nhưng hiện tại, một tháng chúng tôi cũng thu hoạch được 1.5 tấn rau sạch để mang tặng mọi người.

Hòa Thượng nói: “Người có thiện căn, phước đức là người biết nghe lời, có lòng nhẫn nại. Chúng ta dạy họ điều gì họ sẽ làm như thế đó, họ tuyệt đối không thêm hay bớt. Tâm của họ định nên trí tuệ sẽ dần khai mở”. Nhiều học trò thấy lời dạy của Thầy khó thực hiện nên họ bỏ bớt, họ dùng vọng tưởng của mình thêm vào lời của Thầy. Nếu họ làm như vậy thì ở nhà, họ là nghịch tử, ở trường, họ là phản đồ. Họ sẽ không thể có thành tựu. Một số người học tiếng Hán một thời gian thì tâm họ sáng hơn. Người xưa nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Tâm định thì trí tuệ dần khai mở, khi trí tuệ khai mở thì chúng ta sẽ làm được mọi việc.

Hòa Thượng nói: “Người nghe lời, có lòng nhẫn nại thì sẽ một nghe ngàn ngộ. Người không nghe lời, không có tâm nhẫn nại thì ngàn nghe cũng chưa có một ngộ”. Người không thật nghe, không chú tâm thì không thể ngộ. Hòa Thượng Đế Nhàn có một người học trò là thợ vá nồi. Hoà Thượng Đế Nhàn khuyên ông về một ngôi chùa nhỏ niệm Phật, mệt thì nghỉ, đói thì ăn. Ba năm sau ông đứng vãng sanh suốt ba ngày để chờ Hoà Thượng Đế Nhàn đến. Họ không biết chữ nhưng họ đã thành công trác tuyệt. Hoà Thượng Đế Nhàn khen ngợi người thợ vá nồi: “Phương thượng trụ trì, pháp sư giảng Kinh, nói pháp cũng không bằng ông!”. Chúng ta thà là thượng chí hoặc hạ ngu còn hơn là người có mỗi thứ biết một chút.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook