132Thứ Sáu, 11/11/2022, 13:14
1065 · Chúng Ta Có Cần Trải Qua Đời Sống Giàu Sang Hay Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 11/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1065

“CHÚNG TA CÓ CẦN TRẢI QUA ĐỜI SỐNG GIÀU SANG HAY KHÔNG?”

Người thế gian xem trọng tiền tài, vật chất nhưng tiền tài, vật chất không giúp chúng ta đoạn phiền não, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tiền tài, vật chất không giúp chúng ta giải quyết những vấn đề như con cái phản nghịch, vợ chồng bất hoà. Người thế gian chìm đắm trong những thứ giả tạo. Họ càng có nhiều tiền thì họ càng cô đơn, càng đau khổ. Ngày trước, các vị Vua là người “nhất hô bá ứng” nhưng họ thường xưng là “quả nhân”. Chữ “quả” nghĩa là đơn độc. “Quả phụ” là người cô đơn, không có chồng. Người có nội tâm hoan hỷ thì bề ngoài của họ rất đơn giản. Người càng có nội tâm trống rỗng thì họ càng tô điểm, càng chú ý đến diện mạo bên ngoài. Người xưa nói: “Người nghèo hay người giàu đều có nỗi khổ riêng”. Người có địa vị cao như Vua, Tổng thống cũng có nỗi khổ riêng.

Hòa Thượng nói: “Người nghèo ít nỗi khổ hơn người giàu. Người nghèo chỉ cần có cơm ăn, áo mặc. Người giàu sang, có địa vị phải lo lắng để gìn giữ sự giàu sang, địa vị đó”. Người càng giàu thì tâm được mất của họ càng lớn. Họ phải nghĩ cách để cạnh tranh với người khác. Người chân thật học Phật pháp sẽ nhận ra điều này rất rõ ràng. Một số người học Phật pháp nhưng vẫn chìm đắm trong hưởng thụ “ngũ dục lục trần”. Một số người oán trách vì họ cho rằng họ cúng Phật nhiều nhưng họ không nhận được sự đãi ngộ đặc biệt.

Suốt cuộc đời này, chúng ta chỉ đi làm đẹp cho cái nhìn của người khác. Thái độ của chúng ta hoàn toàn khác khi chúng ta nhìn thấy hai người, một người ăn mặc rách rưới, đi xe đạp và một người đi siêu xe, mặc đồ hiệu. Khi một người ăn mày ăn mặc rách rưới đến gần một cửa hàng bán đồ ăn sang trọng thì người bảo vệ đuổi anh ta đi. Sau đó, người ăn mày thay bộ quần áo lịch sự, đi xe sang trọng đến thì người bảo vệ lại có thái độ cung kính. Người thế gian thường chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài. Phật pháp nhắc nhở mọi người phải chú ý đến thực chất. Thực chất chính là nội tâm. Nội tâm chúng ta phải có sự tu dưỡng. Hình thức bên ngoài chỉ là giả tạm, không thật. Trên “Kinh Kim Cang” đã nói: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả những thứ có hình tướng cũng giống như giấc mộng, như sấm chớp, như bọt nước.

Trong lịch sử, rất nhiều người vô cùng nổi danh nhưng họ đều cũng đã mất. Tất cả chỉ còn lại một mảng không. Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng chúng ta vẫn lấy giả làm thật nên chúng ta vẫn bị gạt, bị lừa. Nếu chúng ta không được học thì chúng ta cũng chìm đắm trong “tham, sân, si, mạn”, trong hưởng thụ “ngũ dục lục trần”. Người giàu sang, có địa vị mà họ ngạo mạn thì đó là tăng thượng mạn. Người không có tiền, không có địa vị mà vẫn ngạo mạn thì đó là ti thượng mạn. Người được tiếp nhận giáo huấn của Phật thì sẽ chân thật có được hạnh phúc vì họ biết điều tiết thân tâm, họ có cái nhìn đồng cảm với chúng sanh. Người thế gian thì phần lớn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là bất thiện.

Tôi rất cảm xúc với đề tài hôm trước chúng ta học, đề tài đó có tên: “Sống lâu thì nhiều khổ, đoản mạng thì sớm vào ác đạo”. Thường ngày, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta đều đang tạo nghiệp bất thiện. Chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. “Danh vọng lợi dưỡng” không phải là thứ gì quá cao xa, chỉ cần người khác tặng cho hay bãi chức danh của chúng ta thì chúng ta đã động tâm. Chúng ta có trạng thái không vui vì chúng ta đang bị chi phối bởi những tập khí, phiền não.

Hàng ngày, chúng ta vẫn đang chìm đắm trong sợ được mất, sợ lời lỗ, hơn thua. Có nhà thơ đã từng viết: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn!”. Nếu chúng ta buông xả thì chúng ta sẽ tự tại. Chúng ta buông xả trên tâm chứ không buông xả trên sự. Trên sự chúng ta vẫn làm đến mức tốt nhất để làm biểu pháp cho chúng sanh. Chúng ta làm nhưng chúng ta không dính mắc trong nội tâm. Chúng ta làm xong thì chúng ta muốn được mọi người ghi nhận, muốn lưu danh thiên cổ. Người thế gian nói: “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Chúng ta là người tu hành, chúng ta làm không phải để được lưu lại danh tiếng. Trong “Kinh Kim Cang”, Phật dạy: “Bố thí không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy vật cho. Đây là bố thí tam luân không tịch. Chúng ta muốn được lưu danh thì đó là chúng ta đang bị những thứ vô hình trói chặt.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook