10402/11/2022, 13:06 07/11/2022, 17:51
1056 · Tâm Bệnh Lớn Nhất Của Người Tu Hành Là Không Biết Chính Mình

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 02/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1056

“TÂM BỆNH LỚN NHẤT CỦA NGƯỜI TU HÀNH LÀ KHÔNG BIẾT CHÍNH MÌNH”

Chúng ta thường không nhận ra lỗi lầm của mình ngay cả khi đã có người đã nhắc nhở chúng ta. Người tự biết lỗi lầm của chính mình là người tự giác. Chúng ta luôn cho rằng cách biết, cách thấy, cách làm của mình là đúng. Hòa Thượng nói: “Bậc Thánh Hiền thì biết mình luôn có lỗi lầm, bậc Hiền Nhân thì biết được chính mình có rất nhiềm tâm bệnh còn phàm phu thì luôn cho rằng mình không có lỗi lầm!”. Tâm bệnh lớn nhất của chúng ta là cả một thân lỗi lầm mà chúng ta không nhận ra mình có lỗi lầm. Đề tài hôm qua chúng ta học là: “Sống lâu thì nhiều khổ, đoản mạng thì sớm vào ác đạo”. Trong vô hình chung, ngày ngày chúng ta đang tạo nghiệp. Nếu chúng ta có tuổi thọ thì chúng ta sẽ càng tạo thêm nhiều tội nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu không thấy mình có bệnh vì họ không có tiêu chuẩn để soi chiếu. Chúng ta mang những tiêu chuẩn mà Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã đặt ra để soi rọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì chúng ta sẽ biết chúng ta làm đúng hay sai”. Hòa Thượng khuyên chúng ta lập biểu đồ, một bên là thập thiện, một bên là thập ác. Nếu kim trên biểu đồ hướng về thập thiện thì chúng ta đang làm đúng. Kim của biểu đồ hướng về thập ác thì chúng ta đang làm sai. Trong đối nhân xử thế, chúng ta dùng 113 điều của “Đệ Tử Quy” để soi chiếu.

Phàm phu làm theo vọng tưởng, tập khí nên họ làm sai mà không biết rằng mình đã làm sai. Nếu chúng ta không nhận ra sai phạm, lỗi lầm thì chúng ta không có cơ hội thay đổi, tự làm mới. Chúng ta không nhận ra lỗi lầm thì khi lỗi lầm trở thành “thâm căn cố đế” hay khi chúng ta đã già thì chúng ta không có cơ hội thay đổi. Người bước vào tuổi lão niên thì tất cả tập khí trở thành thói quen không có cách gì thay đổi!

Hòa Thượng nói: “Người không biết lỗi lầm của chính mình thì họ không còn thuốc để cứu. Phật Bồ Tát cũng không thể giúp họ!”. Có những người tự cho rằng họ đã thấu hiểu mọi việc, họ không cần nghe ai. Họ ngăn cản người trong gia đình nghe người khác, họ cho rằng chỉ cần nghe họ là đủ. Những người này là người: “Cuồng vọng tự đại”. Tập khí, phiền não, dục vọng của họ còn nguyên. Có người nói những điều huyền bí, cao siêu nhưng đời sống của họ thì chìm đắm trong phiền não.

Tiêu chuẩn của nhà Phật để chúng ta dùng để soi chiếu đó là: Thân thì không sát, đạo, dâm. Ý thì không tham, sân, si. Miệng thì không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt và không nói lời hung ác. Nếu chúng ta dùng những tiêu chuẩn này thì chúng ta sẽ nhận biết mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng, tường tận. Có những người dạy người khác bố thí, dạy người khác “thanh tâm hỏa dục” nhưng bản thân họ thì làm ngược lại. Chúng ta không lấy chuẩn mực của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát làm chuẩn mực cho chính mình nên chúng ta bị lừa mà chúng ta không biết. Nhà Phật gọi chúng ta là: “Kẻ đáng thương!”.

Hòa Thượng nói: “Người biết mình có bệnh thì dễ cứu. Bệnh lớn nhất của phàm phu chúng ta là bên ngoài thì chúng ta bị ngoại duyên nhiễu loạn, bên trong nội tâm chúng ta thì không ngừng vọng động. Chúng ta nhận ra được bệnh để chúng ta cải đổi thì đó là chúng ta đang phản tỉnh, giác ngộ. Nếu chúng ta không nhận ra thì chúng ta đang mê lầm”.

Hòa Thượng nói: “Phương pháp tốt nhất để đối trị tâm mê hoặc, vọng động chính là chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta không niệm Phật thì chắc chắn chúng ta sẽ niệm ăn, niệm ngủ, niệm “tự tư tự lợi”, niệm “danh vọng lợi dưỡng”, niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Chúng ta niệm Phật thì tâm chúng ta không rảnh để niệm thứ khác.

  Hôm qua, thời gian tôi đề khởi được câu Phật hiệu không nhiều vì phần lớn thời gian tôi dùng làm việc lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Nếu khởi tâm động niệm, việc làm của chúng ta vì chúng sanh thì đó cũng là chúng ta niệm Phật”. Ngài Lý Mộc Nguyên bận rộn từ sớm đến tối, ông không có thời gian ăn, ngủ, ông dành phần lớn thời gian để làm việc lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Người hàng ngày bận rộn vì chúng sanh thì họ chỉ cần khởi được một vài câu Phật hiệu thì tâm họ cũng đã tương ưng với tâm Phật. Tâm vì chúng sanh chính là tâm Phật”. Chúng ta dùng vọng tâm chứ không dùng chân tâm để niệm Phật vậy thì chúng ta niệm Phật không thể tương ưng được với Phật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook