128Chủ Nhật, 30/10/2022, 12:51
1053 · Cuồng Vọng Tự Đại, Cống Cao Ngã Mạn, Hay Thích Khoe Khoang

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ Nhật ngày 30/10/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1053

CUỒNG VỌNG TỰ ĐẠI, CỐNG CAO NGÃ MẠN, HAY THÍCH KHOE KHOANG

Cuồng vọng tự đại, cống cao ngã mạn, hay thích khoe khoang, đây là đại căn đại bệnh mà tất cả chúng sanh chúng ta gần như ai cũng có. Chúng ta không cống cao ngã mạn thì lại thích khoe khoang, không thích khoe khoang thì lại cuồng vọng tự đại. Cuồng vọng tự đại là tự cho rằng mình tài năng, giỏi hơn tất cả mọi người, không cần nghe ai hết, chỉ cần nghe theo họ. Khi yêu ma quỷ quái dựa vào thân họ thì họ cho rằng họ nói đúng, họ làm đúng, thậm chí họ không tin Phật, không tin Bồ Tát. Nếu rơi vào tình huống này thì hết cứu. Mọi người thử nghĩ xem: Thế gian này người như vậy nhiều hay ít? Người bị như vậy rất nhiều! Đấy là oan gia trái chủ họ đến khống chế hoàn toàn.

Hôm trước tôi đã nói với mọi người: Nếu chúng ta tu hành, đến lúc lâm chung đầu óc tỉnh táo, tai nghe rõ ràng, thần trí định tĩnh, nghe được tiếng niệm Phật một cách rõ ràng để ra đi thì đây là đại phước báu. Nếu chúng ta tu hành 5 năm, 10 năm, 20 năm mà mơ mơ hồ hồ ra đi thì coi như xong. Hòa Thượng Tuyên Hóa nói: “Mơ mơ hồ hồ mà đi thì nhất định sẽ về thế giới mơ mơ hồ hồ. Minh minh bạch bạch mà ra đi thì nhất định sẽ về thế giới minh minh bạch bạch”. Người minh minh bạch bạch, rõ ràng tường tận mà ra đi thì nhất định sẽ về thế giới minh minh bạch bạch. Chúng ta phải hiểu rõ ràng đối với việc này. Chúng ta phải tập, phải rèn luyện hàng ngày để có sự minh bạch rõ ràng. Khi ngủ thì chúng ta đã mơ mơ hồ hồ rồi, nếu lúc thức mà cũng mơ mơ hồ hồ thì khi lâm chung cũng sẽ mơ mơ hồ hồ. Vì vậy khi đã thức thì chúng ta phải hoàn toàn tỉnh táo. Nếu không được nhắc thì mỗi chúng ta đều lơ là, không xem trọng việc này. Chúng ta phải minh tường đối với tất cả mọi việc làm hàng ngày, nấu ăn thì phải ra nấu ăn, quét nhà thì phải ra quét nhà, giặt đồ thì phải ra giặt đồ. Có những người lau nhà xong thì bỏ thùng nước, giẻ lau và cây lau nhà ở đó. Việc này nhiều người mắc phải, trước đây tôi cũng bị như vậy, nhưng bây giờ thì không. Chúng ta làm việc thì phải làm một cách triệt để.

Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta rõ ràng tường tận đối với tất cả mọi sự mọi việc thì chắc chắn khi lâm chung chúng ta cũng rất rõ ràng, mọi dự báo cũng rất rõ ràng, không có chuyện khi chết mà chúng ta không được dự báo. Vì chúng ta mơ hồ cho nên chúng ta không nhận ra sự dự báo. Nếu đã nhận được dự báo thì chúng ta sẽ buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, không phải cuống cuồng.

Bình thường chúng ta không có sự chuẩn bị, không tiếp nhận được sự dự báo cho nên khi gặp những cảnh hiện ra, chúng ta mới biết rằng cái chết sắp đến. Thật ra thế gian có nhiều người không tu nhưng họ rõ ràng tường tận nhận biết cái chết đã đến đâu trên cơ thể của họ, đầu tiên là chết ở bàn chân, rồi chết đến đầu gối, rồi chết tới bụng và lên tới ngực. Họ rõ ràng tường tận như vậy mà chúng ta lại không rõ ràng tường tận được bởi vì hàng ngày chúng ta mơ mơ hồ hồ đối với mọi thứ. Đừng nói rằng chúng ta hàng ngày mơ hồ thì khi niệm Phật có thể rõ ràng. Không thể có việc này! Chúng ta mơ hồ đối với mọi việc thì khi niệm Phật chúng ta cũng mơ hồ. Chúng ta tường tận đối với mọi việc thì khi chết chúng ta mới có thể tường tận.

Cho nên chúng ta cần phải xem lại: Hàng ngày chúng ta có có rõ ràng tường tận đối với mọi việc không? Chúng ta có mơ mơ hồ hồ hay không? Đối với mọi việc, chúng ta phải hết sức định tĩnh thì khi niệm Phật chúng ta mới có thể định tĩnh, khi lâm chung chúng ta cũng sẽ định tĩnh. Một cái cây trước khi chết thì lá sẽ vàng, lá rụng dần, rồi cây héo dần. Đó là dự báo trước. Con người cũng như vậy, có những dự báo trước.

Có nhiều cách giúp chúng ta định tĩnh, lạy Phật nhiều cũng giúp chúng ta định tĩnh nhưng lạy Phật nhiều không phải là lạy nhanh mà phải lạy chậm. Tụng Kinh cũng vậy, không được tụng nhanh mà phải đọc chậm rãi, tường tận. Vậy thì tự khắc tâm chúng ta sẽ định tĩnh, mọi việc sẽ tường tận.

Ngày xưa, khi bắt đầu học Phật, tôi trì chú Chuẩn Đề rất nhanh, ào một cái là xong hết. Không ngờ chính việc đó làm cho tâm mình bị khẩn trương, nóng vội chứ không định tĩnh lại được. Ngày xưa, tôi là người nóng vội, bộp chộp. Trong 15 năm qua, từ khi tôi mở đài với tiếng niệm Phật rất chậm, tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi niệm Phật rất chậm, “Nam... Mô... A... Di... Đà... Phật...”. Giờ đây, hàng ngày tôi lạy Phật cũng rất chậm, lạy Phật 1 lạy khoảng gần 1 phút. Tôi đã từng làm video quay lúc tôi lạy Phật. Nếu hàng ngày chúng ta niệm Phật một cách khẩn trương thì tâm của chúng ta cũng ở trạng thái khẩn trương. Có người niệm Phật truy đỉnh, niệm rất nhanh. Niệm nhanh thì dễ nhưng niệm chậm không dễ. Chúng ta đã chậm được thì có thể nhanh được. Người tôi không cao, chân không dài nhưng đi bộ rất nhanh, nhiều người đi bộ cùng tôi thì phải chạy đuổi theo mới kịp. Tôi chưa có được mấy chục năm kinh nghiệm nhưng đã có mười mấy năm kinh nghiệm rồi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook