113Thứ Năm, 27/10/2022, 09:32
1049 · Dùng Lễ Kính Để Đối Trị Ngạo Mạn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 26/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1049

“DÙNG LỄ KÍNH ĐỂ ĐỐI TRỊ NGẠO MẠN”

Tâm ngạo mạn của chúng ta rất lớn, chúng ta có một chút thành tựu thì tâm ngạo mạn của chúng ta liền khởi lên. Chúng ta bị tâm cống cao ngã mạn chướng ngại sự tu hành. Chúng ta luôn cảm thấy không ai bằng mình nên chúng không muốn học hỏi người khác. Khi nào chúng ta nhận ra chúng ta phải chân thật học tập, phải nghe theo lời người trước thì chúng ta không còn có thời gian nữa. Có người nói với tôi, trước đây họ không nghe lời dạy, không kính trọng tôi. Việc đó họ không nói nhưng tôi cũng biết vì tâm cảm tâm. Đó chính là tâm ngạo mạn. Nhà Phật nói, ngạo mạn cũng giống như tòa núi cao không ai có thể vượt qua. Chúng ta tu hành rất khó tiến đạo vì tâm ngạo mạn của chúng ta rất lớn.

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói về việc Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã đi tham vấn 53 thiện tri thức ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngài đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Chúng ta làm trong lĩnh vực này nhưng chúng ta có thể sẽ chưa biết về lĩnh vực khác. Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn độ chúng sanh mà cơm chúng ta còn không biết nấu vậy thì chúng ta độ ai!”. Ngài nhắc nhở chúng ta phải nên biết tất cả các phương diện trong đời sống thậm chí chúng ta còn phải làm tốt hơn họ. Trong mọi phương diện chúng ta phải là người dẫn đạo. Điều này không khó. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Trong tự tánh của chúng ta đã có đầy đủ tất cả nhưng vì tâm chúng ta ngạo mạn, chúng ta không hạ mình để học hỏi. Ngài Thiện Tài Đồng Tử tham vấn nhiều người nhưng ban đầu Ngài học pháp môn niệm Phật với Bồ Tát Văn Thù, đến sau cùng Ngài vẫn theo pháp môn niệm Phật. Ngọn núi cao cản trở sự học tập, sự tu hành của chúng ta chính là cống cao, ngã mạn.

Chúng ta thường thấy không ai giỏi bằng mình nên chúng ta gặp chướng ngại. Bệnh này rất nghiêm trọng. Nhà Phật nói: “Ngã mạn cao sơn”. Núi cao của ngã mạn rất khó vượt qua. Người có một chút thành tựu thì họ liền cống cao ngã mạn. Có người ban đầu họ cũng nghe lời nhưng sau đó không còn nghe lời nữa. Đạo tâm của họ đã bị thối chuyển. Chúng ta tu hành, chúng ta cần có đồng tham đạo hữu để họ thường nhắc nhở chúng ta. Chúng ta lắng nghe một cách chân thành thì họ sẽ chia sẻ với chúng ta một cách chân thành. Chúng ta chưa chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn, quả vị thấp nhất trong nhà Phật, người chứng quả vị Tu Đà Hoàn cũng đã triệt tiêu ngã, họ không còn thấy mình, người nào thấy mình chứng quả Tu Đà Hoàn thì người đó chưa chứng quả. Chúng ta chưa chứng quả nên chúng ta rất dễ thối tâm, thoái chuyển. Chúng ta không vượt qua được ngọn núi cao ngã mạn.

Chúng ta học hết 1200 đề tài này, chúng ta sẽ học tiếp cuốn “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”. Đó là những lời tinh hoa mà Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cần phải được nhắc nhở đến phút sau cùng! Nhiều người “Tự dĩ vi thị”. Họ tự cho mình là người đúng, người biết. Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật, Khổng Lão Phu Tử vẫn còn bị chỉ trích, bị mắng huống chi chúng ta!”. Chúng ta còn được lắng nghe sự khuyên can của người thì đó là chúng ta còn có phước báu. Nếu không ai dám khuyên can chúng ta nữa thì chúng ta sẽ gặp đại hoạ.

Nhiều năm trước, tôi nhận thấy nếu tôi không làm mới mình thì tôi sẽ chỉ nói theo vọng tưởng. Tôi đã quyết định học tập các chuyên đề mà Hòa Thượng giảng một cách nghiêm túc. Tôi tự học gần 400 đề tài, sau đó tôi mới mở Zoom. Ngày nào tôi cũng lên lễ Phật, cầu gia hộ rồi sau đó tôi tự học. Tôi nói để chính mình và những chúng sanh tầng không gian khác được nghe. Chúng ta nói theo vọng tưởng, theo cách thấy, cách biết, cách làm của chúng ta thì đó là đại họa. Chúng ta làm sai thì chúng ta sẽ dẫn người khác làm sai theo mình. Có những người làm sai đã vĩnh viễn không thể quay đầu thậm chí họ còn quay lại báng Phật, báng Pháp, báng Tăng.

Hòa Thượng nói: “Phật đem tất cả phiền não quy nạp thành ba cái lớn là tham, sân, si. Đây gọi là ba độc. Phật cũng đặc biệt mang ngạo mạn nêu ra vì chúng ta chỉ cần cống cao, ngã mạn thì chúng ta học tập bất cứ phương diện nào cũng sẽ không có thành tựu”. Chúng ta thường có tâm ngạo mạn, đố kỵ với người. Chúng ta thấy người khác làm tốt hơn mình thì chúng ta phải học tập, phải bắt chước nhưng chúng ta thường ngạo mạn, chúng ta muốn làm theo cách riêng của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook