213Chủ Nhật, 16/10/2022, 17:02
1039 · Chân Thật Quay Đầu, Chân Thật Sám Hối Mới Tiêu Trừ Được Nghiệp Chướng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 16/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1039

“CHÂN THẬT QUAY ĐẦU, CHÂN THẬT SÁM HỐI MỚI TIÊU TRỪ ĐƯỢC NGHIỆP CHƯỚNG”

Chúng ta tu hành nhiều năm, chúng ta sẽ cảm nhận được nghiệp chướng của chúng ta rất đáng sợ. Chúng ta tưởng rằng mình đã hàng phục được tập khí, phiền não nhưng những tập khí, phiền não này vẫn đang ẩn nấp trong chúng ta. Khi gặp duyên thì tập khí, phiền não liền sẽ dấy khởi. Chúng ta tu hành nhiều năm nhưng nếu chúng ta không nhận rõ nghiệp chướng là gì, làm cách nào để hàng phục nghiệp chướng thì chúng ta cũng không thể tiêu trừ được nghiệp chướng.

Khi Hòa Thượng giảng giải Kinh “Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Ngài nói một câu khiến tôi bừng tỉnh: “Suốt 36 năm tu hành, không một ngày nào tôi không niệm Phật, tụng Kinh, giảng pháp thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi!”. Chúng ta không có thời gian tu hành miên mật như Hòa Thượng nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Chúng ta không được để mình có duyên để tiếp cận tài, sắc, danh, thực, thùy. Các bậc tu hành nhiều năm rất cẩn trọng. Các Ngài nhận thấy những nơi có thể làm các Ngài động tâm thì các Ngài sẽ tránh đến những nơi đó. Tổ Sư Đại Đức tu hành có công phu nhưng các Ngài vẫn tìm những chốn tịch tình.

Hiện tại, tôi cũng không muốn đến những đám đông. Những người thích đến đám đông thì tâm họ bao chao, xao động. Người có tâm an tĩnh thì họ không muốn xuất hiện ở đám đông, họ chỉ đến để làm việc lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng đến giảng Kinh, thuyết pháp xong thì Ngài lui về. Ngài từ chối tất cả sự đãi ngộ. Ngài muốn bảo hộ tâm thanh tịnh của chính mình. Ngài nhận rõ thế nào là nghiệp chướng.

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta cầu Phật để tiêu trừ nghiệp chướng nhưng chúng ta làm như vậy thì nghiệp chướng của chúng ta vẫn còn nguyên. Khi gặp cơ hội thì nghiệp chướng của chúng ta sẽ phát khởi. Nghiệp chướng của chúng ta đang ngày càng thêm lớn”. Trước đây, chúng ta mới phát tâm tu hành, chúng ta chưa có sức ảnh hưởng thì chúng ta tu hành rất tinh tấn. Khi chúng ta có một chút danh, một chút lợi thì chúng ta dính mắc vào đó vậy thì nghiệp chướng của chúng ta ngày ngày tăng trưởng. Người xưa nói: “Càng cao danh vọng thì càng dài gian nan”. Chúng ta càng có danh vọng, tiếng tăm thì tội nghiệp của chúng ta tạo ra càng nhiều.

Hòa Thượng nói: “Nghiệp chướng của chúng ta ngày ngày thêm lớn vì chúng ta không buông bỏ tham, sân, si”. Tập khí, phiền não của chúng ta được tóm gọn trong 16 chữ: “Tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Những tập khí, phiền não này có thể tóm gọn lại trong ba chữ là “Tham, sân, si”. Ba chữ “tham, sân, si” tóm gọn lại chỉ trong một chữ “Tham”. Tham làm chủ, điều khiển mọi hành động, tạo tác. Chúng ta có thể không tham tiền, tham lợi nhưng chúng ta tham danh. Chúng ta làm việc gì chúng ta cũng muốn việc đó phải thật tốt. Đó cũng là chúng ta đang bị “Tham” thúc đẩy. Chúng ta chỉ cần tận tâm, tận lực làm vì chúng sanh là được.

Chúng ta luôn trong trạng thái “Xúc cảnh sinh tình”. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh thì tập khí của chúng ta liền trỗi dậy. Nghiệp chướng của chúng ta ngày càng lớn vì chúng ta không nhận rõ được tác nhân chính đang ẩn mình trong chúng ta. Đó chính là tập khí “Tham”. Tập khí “Tham” có muôn hình, vạn trạng, ẩn nấp trong mọi khởi tâm động niệm của chúng ta. Chúng ta bị tập khí “Tham” thúc đẩy tạo tác hành động vậy thì chúng ta đã tạo nghiệp. Chúng ta tạo nhân Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì chúng ta sẽ bị đọa vào tam ác đạo.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng, trước tiên chúng ta phải biết nghiệp chướng là gì!”. “Nghiệp” chính là tạo tác. Tạo tác của tâm, tạo tác của thân. Chúng ta ngồi niệm Phật nhưng chúng ta vẫn đang niệm buồn vui, thương ghét, giận hờn đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta vọng tưởng thì đó là chúng ta đang tạo nghiệp. “Chướng” là chướng ngại. Khi thân, tâm của chúng ta tạo tác nghiệp thì chúng ta sẽ gặp phải chướng ngại. Chướng ngại lớn nhất đối với chúng ta đó là chúng ta không thể vãng sanh.

Tổ Sư Đại Đức tâm đã thanh tịnh rồi nhưng các Ngài vẫn tìm nơi tịch tĩnh. Tâm chúng ta chưa thanh tịnh nhưng chúng ta lại tìm những nơi ồn ào vậy thì nghiệp chướng của chúng ta không thể không dấy khởi. Chúng ta khởi ý niệm thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu thì những ý niệm này sẽ chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không thể đạt được mục đich đó là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta “từ bi xuất phương tiện” nhưng phương tiện này lại chướng ngại mục tiêu của chúng ta. Tổ Sư Đại Đức nói: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Chúng ta làm việc tốt, việc lợi ích chúng sanh nhưng chúng ta cảm thấy vui, cảm thấy ưa thích thì chúng ta đã bị chướng ngại.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook