129Thứ Hai, 03/10/2022, 14:21
1025 · Lập Nguyện Là Quyết Định Sự Thành Tựu Của Chúng Ta

 

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 02/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1025

 “LẬP NGUYỆN LÀ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH TỰU CỦA CHÚNG TA”

Chúng ta lập nguyện lớn thì chúng ta có thành tựu lớn. Chúng ta lập nguyện nhỏ thì chúng ta có thành tựu nhỏ. Chúng ta không lập nguyện thì chúng ta không có thành tựu. Tâm của nhiều người giống như bèo lục bình trôi theo nước. Họ sống không có mục tiêu, không có định hướng. Bà Triệu Lương Ngọc mẹ Thầy Chung Mao Sâm đã lập nguyện và thực hiện được nguyện của mình. Bà đã nói: “Ta không phải là Tiến sĩ nhưng ta sẽ là Mẹ của Tiến sĩ!”. Ngài Chung Mao Sâm trước đây là một vị Tiến sĩ. Hiện tại, Ngài đang là một vị Pháp sư tu hành rất tinh tấn, Ngài đã phát nguyện nhập thất 10 năm.

Chúng ta phải lập nguyện để chúng ta có nguyện lực, có động lực thúc đẩy. Nếu chúng ta không lập nguyện thì chúng ta sẽ bị tập khí, phiền não chi phối. Trong mỗi vai trò, cương vị trong xã hội chúng ta cũng phải lập nguyện làm được biểu pháp cho mọi người. Chúng ta làm cô giáo, làm nhân viên, làm người quét rác thì chúng ta cũng làm công việc của mình một cách nghiêm túc. Hòa Thượng có nhắc đến một công ty tên là Đệ Nhất, trong công ty đó khi người giám đốc và nhân viên vệ sinh gặp nhau thì đều cung kính cúi chào. Trong xã hội, công việc của mỗi người đều có những vai trò nhất định và tác động qua lại với nhau. Người công nhân không làm tròn trách nhiệm thì môi trường sẽ không thể sạch sẽ. Người giám đốc không làm tròn bổn phận thì đời sống người công nhân sẽ gặp khó khăn.

Nhiều người học Phật để cầu được bảo hộ bình an, tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh sống lâu, thăng quan phát tài. Rất ít người học Phật phát nguyện tiếp nối huệ mạng, mang giáo huấn của Phật phát dương quang đại hay học Phật để làm Phật. Chúng ta học Phật, chúng ta phát nguyện trở thành Phật thì chúng ta sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thiện mình.

Hòa Thượng kể rằng trước khi Ngài chính thức học Phật, Ngài đã đọc bộ “Pháp Bảo Đàn Kinh”, trong đó có nhắc đến câu chuyện khi Lục Tổ đến núi Hoàng Mai, Kỳ Châu gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi: “Ông đến đây làm gì?”. Khi đó, Lục Tổ chỉ là người tiều phu từ phương xa đến nhưng Ngài đã nói một cách rất xác quyết: “Con đến đây để làm Phật!”. Chúng ta có chí nguyện cao cả thì chúng ta sẽ có thành tựu cao cả. Nếu chúng ta không có sự xác quyết, chúng ta không lập nguyện thành Thánh, thành Hiền, thành Phật thì chúng ta không thể làm được. Chúng ta lập nguyện thì chúng ta có nguyện lực, động lực để chúng ta dũng mãnh, tinh tấn hơn. Ở thế gian, chúng ta làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Ở trên đường đạo, chúng ta nhất tâm niệm một câu “A Di Đà Phật”, một hướng Tây Phương Cực Lạc để đi. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình nếu chúng ta không vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta sẽ đọa lạc!

Trong “Kinh Sám Hối” nói một câu làm tôi rất xúc động: “Hôm nay con phát tâm không vì phước báu trời người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng không, con phát tâm là vì Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác”. Ngày nay, chúng ta phải xác quyết vãng sanh Cực Lạc, nơi đó có Phật, có Thánh Chúng nên chúng ta sẽ tiến tu không còn đọa lạc.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải có nguyện, chúng ta có nguyện lớn thì thành tựu lớn. Chúng ta không có nguyện thì không thể thành tựu. Người học Phật không có thành tựu, nguyên nhân chính là do không có nguyện”. Nhiều người học Phật chỉ mong cầu cơm, gạo, áo, tiền. Thánh Hiền xem “danh vọng lợi dưỡng” như rác rưởi. Người xưa kể rằng, có một người nghe nói đến danh lợi nên họ liền ra sông lấy nước rửa tai. Một người định cho trâu uống nước ở khúc sông đó thấy vậy thì liền dắt trâu đi nơi khác vì sợ con trâu uống nước có mùi danh lợi. Ngài Nhan Hồi ăn cơm bằng rá trúc, uống nước bằng phễu tre nhưng đời sống của Ngài vô cùng an vui, tự tại.

Hòa Thượng nói: “Nguyên nhân chính khiến người học Phật không có thành tựu là do họ không có nguyện. Nhiều người học Phật, bái Phật, cung kính Phật để cầu khỏe mạnh, bình an, thăng quan, phát tài. Chúng ta không có nguyện trở thành Phật thì chúng ta không thể làm được Phật!”. Rất ít người học Phật để tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng dương giáo huấn của Phật hay học Phật để thành Phật. Khi Nghe Lục Tổ nói một cách xác quyết như vậy, Hòa Thượng đã rất cảm động, từ đó Ngài phát nguyện đem Phật pháp hoằng dương, chính là phát nguyện thành Phật. Hòa Thượng có thiện căn, phước đức sâu dày nên ngay từ đầu Ngài đã được tiếp xúc với chánh pháp. Người xưa đã dạy: “Tiên nhập vi chủ”. Điều gì chúng ta được tiếp nhận đầu tiên thì điều đó sẽ làm chủ khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác của chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook