/ 51
75

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 50)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang tám mươi chín, Kinh văn hàng thứ hai:

CHÚC LỤY NHÂN THIÊN PHẨM ĐỆ THẬP TAM

PHẨM THỨ MƯỜI BA: DẶN DÒ CỨU ĐỘ NHƠN THIÊN

Đây là phẩm cuối cùng của bản Kinh, cũng là lời di chúc cuối cùng của đức Thế Tôn, lời lẽ vô cùng khẩn thiết. Chúng ta đọc tụng phải hiểu cho thật kỹ càng. Mời xem Kinh văn:

“NHĨ THỜI THẾ TÔN CỬ KIM SẮC TÝ, HỰU MA ĐỊA TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT ĐẢNH”

(Lúc đó đức Thế-Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đảnh Ngài Địa Tạng đại Bồ Tát)

“Nhĩ thời” là sau khi nói xong phần Thấy Nghe Được Lợi Ích rồi. Sau cùng đức Thế Tôn muốn giao phó sứ mệnh độ hóa chúng sanh này cho Bồ Tát Địa Tạng. Cho nên chỗ này là “Cử tý ma đảnh” (Giơ cánh tay xoa đảnh), một mặt biểu thị sự an ủi, mặt khác là đại biểu cho sứ mệnh trọng đại phải giao phó cho Bồ Tát. Dưới đây đức Phật nói, đây là ở trang chín mươi của Kinh văn.

“NHI TÁC THỊ NGÔN: ‘ĐỊA TẠNG! ĐỊA TẠNG!’”

(Mà bảo rằng: “Địa Tạng! Địa Tạng!”)

Đức Thế Tôn gọi liên tục tên của Bồ Tát Địa Tạng đến hai lần. Đây là biểu thị tình thương sâu đậm, giao phó trách nhiệm nặng nề. Ở chỗ này chúng ta có thể nhìn thấy tâm từ bi khẩn thiết và lời nói thành khẩn của Thế Tôn.

“NHỮ CHI THẦN LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ”

(Thần lực của ông không thể nghĩ bàn)

Câu này là tán thán thân của Bồ Tát Địa Tạng, Ngài có thể hóa vô lượng vô biên thân, rộng độ tất cả chúng sanh khổ nạn trong hư không pháp giới, đây là do thần lực biến hiện, không thể nghĩ bàn.

“NHỮ CHI TỪ BI BẤT KHẢ TƯ NGHỊ”

(Đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn)

Đây là khen ngợi nghị lực của Ngài. Tâm từ bi của Ngài vĩnh viễn không thối chuyển, đây là điều vô cùng hiếm có. Chúng ta thử xem người phàm phu trong lục đạo, tuy có lòng từ bi, nhưng nếu như gặp phải nghịch duyên, cũng có người ở trong cảnh thuận họ bị thoái chuyển. Không thể sánh bằng Bồ Tát Địa Tạng, tâm nguyện ban vui cứu khổ của Ngài vĩnh viễn không suy thoái, điều này là không thể nghĩ bàn.

“NHỮ CHI TRÍ HUỆ BẤT KHẢ TƯ NGHỊ”

(Trí tuệ của ông không thể nghĩ bàn)

“Trí tuệ” sâu rộng, biện tài vô ngại. Bồ Tát hiện thân cũng không có khác gì so với Bồ Tát Quán Âm, tùy loại hiện thân, tùy cơ thuyết pháp. Chúng ta biết Bồ Tát Quán Âm không có thân tướng nhất định. Chúng ta xem thấy ở trong sách hội họa của người xưa vẽ “Quán Thế Âm Bồ Tát biến tướng đồ” có đến hơn năm trăm loại thân tướng khác nhau. Chứng tỏ ba mươi hai ứng thân, đó là ba mươi hai loại lớn. Trong mỗi loại lại hiện vô lượng vô biên thân tướng. Bồ Tát Địa Tạng cũng như vậy, cũng vì chúng ta thị hiện đủ dạng, phàm phu chúng ta có gặp mà không nhận ra. Đây là trí tuệ sâu rộng, biện tài vô ngại không thể nghĩ bàn. Dưới đây là biện tài:

“NHỮ CHI BIỆN TÀI BẤT KHẢ TƯ NGHỊ”

(Biện tài của ông không thể nghĩ bàn)

“Biện tài” là nói về khẩu nghiệp. Bạn thấy thân, ngữ, ý và trí tuệ đều là không thể nghĩ bàn. Đây là chính Thế Tôn tán thán Bồ Tát Địa Tạng ở trong pháp hội. Không chỉ như vậy, sau đó lại nói:

“CHÁNH SỬ THẬP PHƯƠNG CHƯ PHẬT TÁN THÁN TUYÊN THUYẾT NHỮ CHI BẤT TƯ NGHỊ SỰ, THIÊN VẠN KIẾP TRUNG BẤT NĂNG ĐẮC TẬN”.

(Dầu cho các Đức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của ông trong nghìn muôn kiếp cũng chẳng hết đặng).

Khen ngợi như vậy là đến cực điểm rồi. Không chỉ một mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi Ngài là không thể nghĩ bàn, mà tất cả chư Phật Như Lai ở mười phương đồng thanh tán thán trí tuệ, đức năng, thân, ngữ, ý, từ bi giáo hóa của Ngài. “Thiên vạn kiếp trung” (Trong nghìn muôn kiếp), đây là nói thời gian dài. “Thập phương chư Phật” (Chư Phật mười phương) là nói số người nhiều. Tán thán ông trong thời gian dài như vậy cũng không thể tán thán hết. Đoạn Kinh văn này chúng ta nhất định không được lơ là. Và thực tế biểu hiện đó là tánh đức trong tự tánh chúng ta, một phần hiếu kính trong tánh đức. Đức hạnh này là không thể nghĩ bàn, dù chư Phật Như Lai tán thán cũng không thể tán thán hết được. Bồ Tát tánh đức khai mở, hiển lộ rồi. Mỗi người chúng ta cũng có đức năng giống như Bồ Tát vậy, nhưng rất đáng tiếc đức năng này chưa có khai mở hiển lộ ra được. Làm sao khai mở hiển lộ đây? Dựa theo phương pháp trong bộ Kinh điển này dạy mà tu học là có thể khai mở tánh đức. Cho nên danh hiệu của Bồ Tát, chủ đề của Kinh điển, đều có hai chữ “Địa Tạng”. Địa đại biểu cho tâm địa. Tạng dụ cho kho báu. Tâm địa của chúng ta, chân tâm lý địa, trí tuệ, thần lực, từ bi, biện tài đều không thể nghĩ bàn. Vô lượng đức năng, ở đây chỉ nêu ra bốn năng lực, trên thực tế cái nào cũng không thể nghĩ bàn. Đó chính là một số nhà tôn giáo hiện đại tán thán thượng đế, tán thán thần. Trong lời tán thán ca tụng gọi là toàn tri toàn năng, không có gì không biết, không có gì không thể. Năng lực này nói thực ra là tánh đức trong tự tánh chúng ta. Ngày nay chúng ta hiểu rõ rồi, biết mình có đức năng này, thì cần phải giác ngộ, cần phải cố gắng nỗ lực khôi phục lại trí tuệ, đức năng của mình, không những độ chính mình, mà còn có thể độ tất cả chúng sanh. Từ đó cho thấy, ở đây Thế Tôn giao phó ủy thác cho Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta thử nghĩ xem nó có quan hệ với chúng ta hay không? Nếu như bạn hiểu rõ, nhận ra được ý nghĩa này, sẽ thấy có quan hệ rất lớn với chúng ta, chúng ta nương nhờ cái duyên của Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng ở đâu? Những gì trong bộ Kinh này nói chính là Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta có thể tin, có thể hiểu, có thể hành chính là phân thân của Bồ Tát Địa Tạng. Không những chăm chỉ nỗ lực nâng cao cảnh giới của mình, đó chính là một trong vô tận phân thân của Bồ Tát Địa Tạng, vậy mới là thật sự tu học pháp môn này. Xem tiếp đoạn Kinh văn này dưới đây:

/ 51