/ 51
177

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN (tập 3)

 

“NHƯ THỊ NGÃ VĂN: NHẤT THỜI PHẬT TẠI ĐAO LỢI THIÊN, VỊ MẪU THUYẾT PHÁP”.

 

Ở đoạn này chúng ta nói đến “nhất thời”. “Nhất thời” về ý nghĩa vẫn cần phải bổ sung thêm một chút. Có hai cách nói về thời gian ở trong Phật pháp. Cách nói thứ nhất là Sát-na-tế. Phật nói Sát-na-tế tức là thực thời, nghĩa là chân thật, cũng chính là nói chân tướng của thời gian. Một danh từ khác gọi là Tam-ma-da. Ý nghĩa của Tam-ma-da là trường thời, chính là tướng tương tục mà chúng ta thường hay nói. Các vị xem “Kinh Kim Cang” đã nói “như lộ diệc như điện”. “Như lộ”, “lộ” là hạt sương, chúng ta hiểu thời gian của hạt sương cũng rất ngắn ngủi, hạt sương rơi xuống vào buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời mọc thì nó liền bốc hơi. Dùng sự việc này để tỷ dụ cho trường thời, để tỷ dụ tướng tương tục; Dùng ánh chớp để ví cho thời gian chân thật. Thời gian chân thật thì trong “Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Định” nói là Sát-na-tế, đây mới là chân chật.

 

Chúng ta rất khó thể hội được quan niệm Sát-na-tế. Hiện nay khoa học phát triển, dùng dụng cụ khoa học để quan sát, chúng ta có thể thể hội được một chút. Hơn nữa, thực tại mà nói, Sát-na-tế chính là hầu hết trên Kinh thường nói sanh diệt đồng thời, bởi vì thời gian sanh diệt của nó quá ngắn, tuyệt đối không phải là lục căn của chúng ta có thể cảm nhận ra được. Lục căn của chúng ta có thể cảm nhận được, nói một cách khác, phải cần thời gian tương đối dài. Vừa kích thích thì lập tức liền có phản ứng, tuy rằng nói là lập tức nhưng vẫn là thời gian rất dài. Nếu như nói sanh diệt của Sát-na-tế thì chúng ta có thể là hoàn toàn không cảm nhận được. Không những là phàm phu lục đạo chúng ta, mà người cõi thiên thông minh hơn chúng ta rất nhiều, cảm nhận nhanh nhạy hơn rất nhiều, nhưng họ cũng không cảm nhận ra được, thậm chí đến Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát. Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, Bát Địa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy được A Lại Da. A Lại Da chính là Sát-na-tế, phải đến Bát Địa thì định công mới đủ sâu, thì mới có thể cảm nhận được Sát-na sanh diệt. Phật thường ở trên Kinh dùng “bất sanh bất diệt” để hình dung Sát-na sanh diệt. Nếu như không có sanh diệt, vậy thì nói “bất sanh bất diệt” là phí lời rồi, không có ý nghĩa gì cả. Nói “bất sanh bất diệt” đích thực là có sanh có diệt, nhưng vừa sanh ra thì liền diệt mất, dường như là sanh diệt đồng thời, cho nên gọi là bất sanh bất diệt. Những lời này nói ra thì có ý nghĩa. “Sanh diệt đồng thời”, thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Thời gian ngắn ngủi này, nói lời thành thật thì khoa học kỹ thuật hiện tại tuyệt đối không thể đo lường được. Nếu khoa học kỹ thuật có thể đo lường được thì thời gian nhất định là rất dài.

 

Đây là “nhất thời” mà trên Kinh Phật đã nói. Câu nói này hoàn toàn là lời nói thật, chúng ta phải có thể tỉ mỉ mà thể hội, bạn hiểu được nhất thời thì bạn sẽ hiểu hết thảy pháp bất sanh bất diệt, bạn sẽ xa lìa được sự lo sợ đối với việc sanh tử, bạn hiểu được “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tướng của hư vọng là bất sanh bất diệt, đây mới là chân tướng. Chúng ta nhìn không thấy, Bồ Tát từ Bát Địa trở lên thì mới nhìn thấy được.

 

“Nhất thời” ở chỗ này nếu như áp dụng trên thực tướng thì chính là lúc cơ duyên Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh đã thành thục, đây gọi là nhất thời. Cách nói này của chúng ta cũng vô cùng viên mãn. Hết thảy Kinh đều dùng dòng chữ này, nghĩa là nhân duyên Phật thuyết bộ Kinh này đã thành thục rồi.

 

Nhân duyên lần này của chúng ta vô cùng thù thắng, nơi giảng Kinh cũng rất hiếm có. Phật ở tại trời Đao Lợi, không phải là ở một nơi nào khác, mà Phật ở tại Đao Lợi thiên. “Phật” là chủ thành tựu, là người chủ giảng ở trong pháp hội lần này, là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chữ “tại” này vô cùng hay, đặc biệt là từ trên sự tướng mà nói. Nói “tại” đây cũng đều là nói lời chân thật.

 

Người thế gian chúng ta đã có quan niệm nhận thức sai lầm, có một quan niệm sai lầm, sai cả một đời mà tự mình không thể nhận ra được. Chúng tôi lấy một ví dụ hết sức đơn giản để nói, buổi sáng thức dậy rửa mặt, mặt có cần rửa hay không? Các vị nói xem mặt có cần rửa không? Rửa mặt là sai rồi, mà phải là rửa đi những bụi bẩn trên gương mặt, đó không phải là rửa mặt. Giặt đồ, quần áo có cần phải giặt hay không? Cũng chỉ là giặt đi những bụi bẩn bám trên quần áo. Các vị tỉ mỉ mà suy nghĩ xem, chúng ta đã có biết bao nhiêu quan niệm sai lầm rồi. Lúc học ở trên lớp lên lau bảng, bảng có cần lau hay không? Đó là lau đi những bụi phấn ở trên bảng mà thôi, làm gì có lau bảng chứ, bảng mà lau đi thì bảng cũng phải không còn nữa, vậy thì mới gọi là lau bảng chứ. Vậy thì bạn hiểu được trong cuộc sống thường ngày, các vị tỉ mỉ mà suy nghĩ, đã có biết bao nhiêu quan niệm sai lầm, đã sai một cách quá mức rồi. Mọi người đều sai, nên cho rằng đúng. Phật nói lời thành thật cho chúng ta nghe, nhưng chúng ta thì cảm thấy nó là lạ làm sao.

/ 51