/ 51
100

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 24)

Mời mở bản Kinh ra, Khoa Chú quyển trung trang 56.

“PHỤC THỨ PHỔ QUẢNG! NHƯỢC VỊ LAI THẾ TRUNG, DIÊM PHÙ ĐỀ NỘI SÁT LỢI, BÀ LA MÔN, TRƯỞNG GIẢ, CƯ SĨ, NHẤT THIẾT NHÂN ĐẲNG, CẬP DỊ TÁNH CHỦNG TỘC HỮU TÂN SẢN GIẢ, HOẶC NAM HOẶC NỮ, THẤT NHẬT CHI TRUNG TẢO DỮ ĐỘC TỤNG THỬ BẤT TƯ NGHỊ KINH ĐIỂN, CÁNH VI NIỆM BỒ-TÁT DANH KHẢ MÃN VẠN BIẾN. THỊ TÂN SANH TỬ, HOẶC NAM HOẶC NỮ TÚC HỮU ƯƠNG BÁO, TIỆN ĐẮC GIẢI THOÁT, AN LẠC DỊ DƯỠNG, THỌ MẠNG TĂNG TRƯỞNG. NHƯỢC THỊ THỪA PHƯỚC SANH GIẢ, CHUYỂN TĂNG AN LẠC CẬP DỮ THỌ MẠNG”

(Lại vầy nữa, này Phổ Quảng Bồ-tát! Về trong thuở sau này, nơi cõi Diêm Phù Đề, trong hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, tất cả các hạng người, và những dân tộc dòng họ khác, như có người nào mới sinh đẻ hoặc con trai, hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà tụng niệm Kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ-tát đủ một muôn biến. Được vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây ra tội vạ chi cũng đặng thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn).

Đây là dạy lúc sinh sản cần phải tu phước như thế nào. Thuốc men chữa trị, vệ sinh, sự việc này thời hiện nay phát triển, và tình trạng chuyển biến tốt hơn quá nhiều so với trước đây. Vào thời xưa, đặc biệt là ở những vùng nông thôn còn lạc hậu, thì việc sinh sản là việc lớn có liên quan đến tính mạng. Cho nên đức Phật ở chỗ này đặc biệt nêu ra, dạy cho chúng ta tu học như thế nào, làm thế nào có thể bảo vệ mẹ con được bình an.

Đức Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết, quan hệ giữa người trong gia đình này vô cùng mật thiết, chắc chắn có nhân duyên sâu dày, chứ không phải tụ hợp ngẫu nhiên. Nhân duyên vô cùng phức tạp, đức Phật đem nhân duyên phức tạp này quy nạp phân ra thành bốn loại lớn. Đây là trong Kinh thường nói: Báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ, cho nên nó mới hội tập thành người trong một gia đình. Cha con, anh chị em tóm lại không thể rời khỏi mối quan hệ này. Do nhân duyên nhiều đời vậy mới trở thành người một nhà. Trong ngạn ngữ thường nói: “Không phải oan gia thì chẳng ở với nhau”, lời nói này rất có đạo lý. Nhưng sau khi giác ngộ rồi, thì người trong gia đình bạn trở thành quyến thuộc trong Pháp, như vậy rất tốt, vô cùng thù thắng. Không giác ngộ thì người trong gia đình này tụ lại là để báo ân oán qua lại với nhau, như thế thật sự là khổ không thể tả. Rốt cuộc báo ơn thì ít mà báo oán thì nhiều, trả nợ thì ít mà đòi nợ thì nhiều. Cho nên cả đời người thế gian, việc bất như ý thường chiếm đa số. Đây là sự thật mà đích thân chúng ta đã từng trải qua và chính mắt trông thấy. Cho nên con cái sinh ra, nhất định phải biết nhân duyên đời trước của nó.

Quả báo là bình đẳng, bất kể là phú quý hay bần tiện. Trong Kinh nêu ra “Sát Lợi”, đây là dòng dõi vua chúa trước đây ở Ấn Độ. “Bà La Môn”, đây là những nhà tôn giáo có địa vị rất cao ở trong xã hội. “Trưởng Giả, Cư Sĩ” đều là người có phước báo. Phía dưới nói: “Nhất thiết nhân đẳng cập dị tánh chủng tộc” (Tất cả các hạng người, và những dân tộc dòng họ khác), phạm vi bao gồm là rất rộng, bốn giai cấp ở Ấn Độ thảy đều bao gồm ở trong đó. Chúng ta thường gọi là giàu nghèo sang hèn, bất kể loại thân phận nào, bất kể thuộc địa vị nào cũng chắc chắn không thể tránh khỏi việc sinh sản. Vả lại nỗi đau khổ mà sinh sản phải chịu là bình đẳng. Gia đình giàu sang thì chăm sóc chu đáo hơn một chút, còn gia đình nghèo hèn chăm sóc kém hơn một chút. Nói tóm lại nỗi khổ này là không thể tránh khỏi. Đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp:

“Thất nhật chi trung, tảo dữ độc tụng thử bất tư nghị Kinh điển” (Nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà tụng niệm Kinh điển không thể nghĩ bàn này). Đây là sớm tụng niệm. Tốt nhất nếu như người trong gia đình có tín ngưỡng đối với Phật pháp, có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Đà, cần phải đọc tụng vào lúc nào vậy? Là đọc tụng lúc mang thai. Mỗi ngày đọc một bộ "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện", hoặc giả niệm một nghìn danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, cần dùng tâm chân thành cung kính mà tụng niệm, thì sẽ được phước báo rất lớn. Cho dù đứa con được mang thai này là đến để báo oán, là oan gia trái chủ đến, bạn có thể chăm sóc nó được như vậy, thì oán kết này sẽ được hóa giải. Bạn có ơn đối với nó, nó sẽ không báo oán, nó đến cảm ơn. Chuyển biến phải bắt đầu từ lúc ban đầu. Chỗ này nói là mức thấp nhất phải trước khi sinh bảy ngày, đương nhiên bạn làm được càng sớm càng tốt. Cho nên chúng ta hiểu rõ đạo lý này, biết phương pháp này thì tốt nhất là nên đọc trong lúc mang thai, dựa theo phương pháp này mà tu hành. Người làm mẹ tâm bình khí hòa, chân thành cung kính, thanh tịnh bình đẳng, khởi tâm động niệm quyết định ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện nay dùng lý luận khoa học để nói thì mọi người sẽ dễ hiểu hơn. Đây cũng là thuộc về hiện tượng của sóng. Trong Phật pháp nói, giống như tất cả vạn pháp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều phát ra ánh sáng vậy. Không những trên thân người phát ra ánh sáng, mà vạn vật đều như vậy. Thực ra thế giới Cực lạc ánh sáng chiếu khắp. Thế gian chúng ta lẽ nào không phát ánh sáng hay sao? Nếu như toàn bộ tất cả người và vật của thế gian chúng ta không có ánh sáng chiếu khắp giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì nói Nhất Chân Pháp Giới sẽ không thông được. Đâu có chuyện nơi này có ánh sáng đặc biệt lớn còn nơi kia không có ánh sáng, thế làm sao có thể nói thông được chứ? Nhất định phải biết Nhất Chân Pháp Giới bao gồm cả pháp giới này của chúng ta ở trong đó. Không phải nói sau khi lìa khỏi pháp giới này của chúng ta mới có Nhất Chân Pháp Giới khác, không có đạo lý này! Trong Kinh nói là sự việc gì? Nơi đó ánh sáng chiếu khắp, mọi người đều có thể đích thân cảm nhận được. Nơi này của chúng ta ánh sáng cũng chiếu khắp, nhưng chúng ta không có cảm nhận được, đạo lý là như vậy, chứ không phải ánh sáng không chiếu.

/ 51