/ 51
219

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 22)

Mời xem Kinh văn:

“NHƯ THỊ CHI NHÂN, HIỀN KIẾP THIÊN PHẬT DIỆT ĐỘ, CƠ HỦY CHI BÁO, THƯỢNG TẠI A TỲ ĐỊA NGỤC THỌ CỰC TRỌNG TỘI”

(Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn Đức Phật trong Hiền Kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu khổ rất nặng)

Vấn đề này chúng ta nhất định phải biết thật rõ ràng, thật minh bạch. Tại sao việc kết tội đối với sự việc này lại nặng như vậy? Và trong xã hội hiện nay người tạo loại nghiệp này chúng ta thường xuyên có thể nghe thấy, có khi cũng có thể nhìn thấy, mọi người đều rất coi nhẹ sự việc này, cho rằng đây là mê tín, và những việc mê tín này cần phải nên trừ bỏ, đâu biết rằng sẽ bị quả báo nghiêm trọng như vậy? Phỉ báng Tam Bảo, bất kể là bạn cố ý hay vô ý, đều bị tội nặng. Trong tất cả nghiệp ác không có nghiệp nào nặng hơn nghiệp này. Nguyên nhân của nó đúng như lời Phật nói trong Kinh, Tam Bảo là con mắt của trời người, Tam Bảo là nhân duyên được độ của chúng sanh. Bạn đoạn dứt mất cơ hội được độ của tất cả chúng sanh, nên tội này rất nặng. Bạn giết hại một người, giết hại mạng sống của con người, trong Kinh nói 49 ngày họ lại đi đầu thai rồi. Cho nên tội giết mạng sống thì nhỏ, còn đoạn dứt huệ mạng của chúng sanh là lớn nhất. Họ có được thân người, nếu như phước báo nhân gian của họ vẫn chưa có hưởng hết, vẫn còn phước thừa nhân thiên, bạn giết hại họ, họ nhanh chóng được lại thân người, vì phước báo của họ chưa có hưởng xong, nên họ phải tiếp tục đến hưởng phước. Người phước báo lớn, thì nhanh chóng sẽ có được thân người, mấy ngày sau họ lại đến đầu thai rồi. Người phước báo kém một chút, cũng không quá 49 ngày như trong Kinh nói, họ liền lại quay về nhân gian. Đây là chứng tỏ tội giết mạng sống không nặng. Nhưng cơ hội gặp được Phật pháp này là rất khó. Trong kệ khai Kinh nói: “Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp”. Lời nói này là thật, không phải giả. Bạn được thân người, bạn chưa chắc có thể có cơ hội nghe được Phật pháp. Huống chi việc được thân người là rất khó khăn. Thời gian Phật xuất hiện ở thế gian không dài, thời gian không có Phật pháp quá dài, quá dài, bạn sao có thể sinh vào đúng khoảng thời gian Phật ra đời. Phật ở trong Kinh nói với chúng ta, một người tu hành thành Phật, phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ-kiếp, thời gian này quá dài quá dài rồi. Tại sao phải cần thời gian dài như vậy? Chính là trong quá trình tu học, thời gian bạn có cơ duyên gặp được Phật pháp ít, thời gian không có cơ duyên nhiều. Không có cơ duyên bạn sẽ bị thối chuyển, bạn lại bị đọa lạc. Gặp được Phật pháp, vậy là trở lại tiếp tục làm tiếp, nên không liên tục. Thời gian tu ngắn, thời gian bị gián đoạn dài, cho nên mới cần ba đại A-tăng-kỳ-kiếp, cần thời gian dài như vậy. Nếu như tu hành liên tục không gián đoạn thì đâu cần thời gian dài như vậy? Là không cần thiết. Tam Bảo là cơ duyên để chúng sanh nghe pháp, tu học được độ. Người sáng tạo ra cơ duyên công đức vô lượng vô biên. Sáng tạo ra cơ duyên là để lợi ích chúng sanh, chứ không phải để lợi ích cho mình. Nói thực ra vì chúng sanh thì bản thân mới thật sự được lợi ích lớn, còn vì mình thì được lợi ích rất nhỏ rất nhỏ.

Nơi đây xây dựng niệm Phật đường, những đồng tu, Pháp sư dẫn chúng trong niệm Phật đường này, tối hôm qua tôi nói với họ, niệm Phật đường này có phải là của khu vực này hay không? Không phải. Niệm Phật đường này là niệm Phật đường Tịnh Tông của toàn thế giới. Đồng tu trên trái đất này của chúng ta phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh đều có thể đến niệm Phật đường này để niệm Phật, để tham quan học tập, cho nên nó là niệm Phật đường của toàn thế giới. Tâm lượng của bạn cần mở rộng, tầm nhìn của bạn phải dài lâu, sau đó mới biết được sứ mệnh rất nặng nề, nhất định phải làm tốt sự việc này. Làm thế nào mới có thể làm được thiện mỹ đến cùng tột? Tôi nhắc nhở mọi người hằng ngày phải cải tiến, không được làm theo ý của mình, mỗi ngày phải điều chỉnh lẫn nhau, mỗi ngày phải thỉnh giáo mọi người, bởi vì mình rất khó phát hiện khuyết điểm của mình. Phải dùng tâm chân thành thỉnh giáo người khác, đồng tu đến niệm Phật đường có chỗ nào cảm thấy không thuận tiện, xin họ nói ra, chúng ta lập tức cải thiện. Mỗi ngày đều phải thỉnh giáo, cải tiến mỗi ngày. Một ngày không cải tiến thì một ngày không có tiến bộ. Bạn muốn hỏi đến khi nào mới có thể cải tiến được viên mãn nhất? Mọi người đều thành Phật. Mọi người chưa thành Phật, vẫn còn ở quả vị Bồ-tát đẳng giác thì vẫn phải cầu cải tiến, vẫn phải cầu người khác phê bình, vẫn phải xin người chỉ giáo, sự việc này mới có thể làm đến thiện mỹ tột cùng được. Cố chấp thành kiến của mình, không tiếp nhận sự phê bình của người khác thì đạo tràng này sao có thể tiến bộ được, sao có thể đúng như pháp được? Nếu như muốn hỏi tinh thần của niệm Phật đường Cư Sĩ Lâm Singapore ở chỗ nào? Tinh thần của nó là sẵn lòng, vui vẻ tiếp nhận phê bình, mạnh dạn sửa chữa lỗi lầm. Điều này rất tuyệt vời! Bất kỳ người nào đến nơi này niệm Phật đều có thể đưa ra ý kiến của họ. Điều hiếm có nhất của thường trụ nơi đây là có thể tiếp nhận ý kiến, nghiêm túc sửa đổi. Đây là tinh thần Bồ-tát, tinh thần của người giác ngộ. Người không giác ngộ không thể làm được, người giác ngộ chân chánh làm được. Chúng ta là vì phục vụ chúng sanh, vì phục vụ tất cả người niệm Phật, nhất định tạo điều kiện cho họ ở nơi này niệm Phật thật thoải mái, niệm thật tự tại, niệm thật hoan hỷ, niệm được thọ dụng thật sự. Thọ dụng là được tâm thanh tịnh, được niệm Phật tam muội, thành tựu công đức chân thật. Đạo tràng này nếu bạn khen ngợi, lễ kính, cúng dường sẽ được vô lượng phước. Nếu như bạn phỉ báng, chướng ngại, thì lỗi lầm đó giống như trong Kinh nói là thọ tội cực nặng ở địa ngục A Tỳ. Cho nên lý và sự đều phải hiểu rõ ràng, đều phải sáng tỏ, không được phê bình tùy tiện, không nên tùy ý khinh mạn mà tổn phước của mình. Pháp sư Thanh Liên trong Chú Giải cũng nói rất hay, vừa mở đầu chú giải Ngài nói: “Nóng nảy, ương bướng thành tánh, so đo, khinh bạc thường tình”. Đây chính là nói một loại tập khí khinh mạn, khinh mạn người khác, nói thực ra vẫn là có cống cao ngã mạn, loại tập khí tự cho mình là đúng, đối với tất cả các pháp thế gian không mong cầu hiểu sâu, dựa theo cái nhìn thô thiển của mình. “Không biết sự sâu rộng đích thực của đạo Phật, dùng lời thiển cận khinh bạc của thế gian, muốn khởi tâm đố kỵ, phỉ báng gốc đạo”. Hạng người này sẽ gặp quả báo như vậy. Sau cùng Ngài trích dẫn mấy câu nói trong “Kinh Hưng Khởi Hạnh”: “Người phỉ báng pháp mang tội nghiệp cực nặng, đọa ba đường ác, khó có thể thoát ra”. Trong tất cả tội không có tội nào nặng hơn tội này. Quý vị thử nghĩ xem, trong “Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền” nói với chúng ta: “Trong hết thảy cúng dường thì cúng dường pháp là quý nhất”. Công đức lớn nhất là cúng dường pháp, thế thì tội phỉ báng pháp đương nhiên là cực nặng rồi. Đây là đạo lý nhất định. Đây là đạo tràng chánh pháp, cúng dường rất ít cũng được phước lớn, đạo lý và sự thật này chúng ta phải biết.

/ 51