/ 51
119

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 18)

PHẨM THỨ SÁU

NHƯ LAI TÁN THÁN

“NHĨ THỜI THẾ TÔN, CỬ THÂN PHÓNG ĐẠI QUANG MINH BIẾN CHIẾU BÁCH THIÊN VẠN ỨC HẰNG HÀ SA ĐẲNG CHƯ PHẬT THẾ GIỚI, XUẤT ĐẠI ÂM THANH PHỔ CÁO CHƯ PHẬT THẾ GIỚI: NHẤT THIẾT BỒ-TÁT MA-HA-TÁT, CẬP THIÊN, LONG, QUỶ, THẦN, NHÂN, PHI NHÂN ĐẲNG, THÍNH NGÔ KIM NHẬT XƯNG DƯƠNG TÁN THÁN ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT MA-HA-TÁT Ư THẬP PHƯƠNG THẾ GIỚI, HIỆN ĐẠI BẤT KHẢ TU NGHỊ UY THẦN TỪ BI CHI LỰC, CỨU HỘ NHẤT THIẾT TỘI KHỔ CHI SỰ”.

(Lúc đó khắp thân của Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức hằng hà sa cõi nước của chư Phật; trong ánh sáng đó vang ra tiếng lớn bảo khắp các cõi nước chư Phật rằng: ‘Tất cả hàng đại Bồ-tát và Trời, Rồng, Quỉ, Thần v.v… lóng nghe hôm nay Ta khen ngợi rao bày những sự của Ngài Địa Tạng Bồ-tát ở trong mười phương thế giới, hiện ra sức từ bi oai thần không thể nghĩ bàn, để cứu tất cả tội khổ chúng sanh. Sau khi Ta diệt độ, thời hàng Bồ-tát Đại Sĩ các ông, cùng Trời, Rồng, Quỉ, Thần v.v… nên dùng nhiều phương chước để gìn giữ Kinh này làm cho tất cả mọi loài chúng sanh đều khỏi tất cả sự khổ, mà chứng cảnh vui Niết Bàn’).

Đến chỗ này là một đoạn. Kinh văn phía trước, giới thiệu cho chúng ta Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng là vị giáo chủ có thể giáo hóa, chúng ta hiện nay gọi là vị thầy dẫn đường. Đây là vị thầy dẫn đường có năng lực, có trí tuệ dẫn dắt chúng ta thoát khỏi khổ nạn. Cũng nói rõ đối tượng mà Bồ-tát giáo hóa độ thoát, vô cùng hiếm có là Ngài có thể độ chúng sanh địa ngục, điểm này chúng ta phải đặc biệt thể hội cho thật kỹ. Tất cả chúng sanh cõi có căn tánh tệ nhất, tạo tác nghiệp ác sâu nhất, nặng nhất đó chính là chúng sanh địa ngục. Chúng sanh địa ngục Ngài còn có năng lực để độ thoát, thì những cõi khác không cần phải nói nữa, những cõi khác đều là dễ độ cả. Cõi khó độ nhất Ngài còn có thể độ được. Từ đó cho thấy, vị Bồ-tát này quả thật không thể nghĩ bàn. Từ Kinh văn phía trước chúng ta có thể thể hội được, Ngài thật sự có năng lực phổ độ tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, không có khác gì so với trí tuệ, đức năng trên quả địa Như-lai. Cho nên sau khi giới thiệu xong, thì Thế Tôn ở chỗ này đặc biệt khen ngợi về Ngài. Dụng ý của khen ngợi rất sâu rất rộng, mục đích chính là yêu cầu chư đại Bồ-tát trong mười phương thế giới phải ủng hộ Bồ-tát Địa Tạng, hết lòng hết sức trợ giúp Bồ-tát Địa Tạng độ thoát những chúng sanh khổ nạn này. Ý nghĩa này chính là nói, nhất định phải tuyên dương Kinh điển này, khen ngợi công đức của Bồ-tát phổ độ tất cả chúng sanh, mục đích là ở chỗ này.

Kinh văn vừa mở đầu là: “Lúc đó khắp thân của Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức Hằng hà sa cõi nước của chư Phật”. Đây là chứng tỏ Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn, soi khắp tận hư không khắp pháp giới, không để sót một nơi nào, bất kỳ nơi nào ánh sáng Phật cũng đã từng chiếu đến. Loại cảnh giới này là hoàn toàn tương đồng với cảnh giới trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói. “Cử thân” là đặc biệt chú trọng cái thân này. Thân là sắc tướng. Ánh sáng là được phóng ra từ cái thân này. Ánh sáng này là ánh sáng của tâm tánh, ánh sáng Bát nhã vốn đầy đủ của tự tánh. Phần trước đã từng nhắc qua với quý vị, loại sóng ánh sáng này vô cùng đặc thù. Bởi vì làn sóng của nó là bình đẳng, trong một sát-na liền tỏa khắp hư không pháp giới. Không phải giống như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, sao mà mắt thường chúng ta nhìn thấy. Ánh sáng này tốc độ lan truyền của nó rất chậm. Chúng ta nghe thấy nhà khoa học nói cho chúng ta biết, rất nhiều ngôi sao ánh sáng của nó truyền đến trái đất chúng ta phải mất rất nhiều năm, hoặc mấy trăm năm, mấy ngàn năm, mấy vạn năm ánh sáng, cần thời gian dài như vậy mới có thể truyền đến được. Phật phóng ra ánh sáng, đây vừa phóng thì đồng thời truyền đến tận hư không khắp pháp giới, cho nên hoàn toàn khác với những loại ánh sáng này.

“Cử thân” tức là mỗi bộ phận trên thân thể này đều phóng quang. Tiêu biểu như Đại Viên Mãn Quang Minh Vân như phần trước nói, đây là ánh sáng viên mãn. Ở trong ánh sáng viên mãn đã hàm nhiếp vô lượng pháp môn mà Bồ-tát đã tu trong nhân địa, công đức viên mãn mà ở trên quả địa chư Phật Như-lai chứng đều hiển thị không sót ở trong tướng ánh sáng này, cho nên đây là cảnh giới bất khả tư nghì. Hiển thị thân Phật trùm khắp pháp giới, hiển thị ba thân một thể; pháp thân, báo thân, ứng hóa thân, một tức là ba, ba tức là một. Không những hiển thị ba thân là một, đồng thời cũng hiển thị ra y chánh không hai. Y báo là hoàn cảnh sống, chánh báo là cái thân thể này. Y tức là báo, báo tức là y, y chánh không hai. Nếu như chúng sanh có duyên gặp được ánh sáng Phật. Sao gọi là có duyên? Những người nào có duyên? Những người nào không có duyên? Người có duyên tức là bản thân không có chướng ngại, bạn liền nhìn thấy ánh sáng này. Người không có duyên là do bản thân có nghiệp chướng chứ không phải ánh sáng Phật không chiếu. Quý vị đồng tu phải biết, ánh sáng Phật chiếu khắp. Tại sao chúng ta không nhìn thấy? Nguyên nhân của không nhìn thấy chính là do mình có nghiệp chướng.

/ 51