/ 51
99

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 51

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.

 

Mời mở kinh, Khoa Chú quyển hạ, trang 96, xem kinh văn hàng thứ nhất: 

  Lâm đọa thú trung hoặc chí môn thủ, thị chư chúng sanh nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ-tát danh, nhất cú nhất kệ Đại thừa kinh điển, thị chư chúng sanh nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt, ư thị nhân sở hiện vô biên thân vi toái địa ngục, khiển linh sanh thiên thọ thắng diệu lạc.

  Đoạn này là nói thời kỳ mạt pháp đại chúng trời người tạo tác tội nghiệp sẽ đọa vào trong ác đạo. Thời tiết nhân duyên tốt nhất để Bồ-tát cứu vớt chúng sanh là lúc họ còn chưa bị đọa lạc, cũng chính là nói lúc lâm chung hơi thở của họ vẫn chưa dứt, đầu óc còn tỉnh táo, lúc này cứu vớt là thích hợp nhất. Chúng ta xem thấy trong kinh Vãng Sanh người tạo tác tội nghiệp cực nặng lúc lâm chung sám hối đều có thể vãng sanh. Có nhiều người nghe thấy cách nói này thì trong tâm cảm thấy bất bình, bởi vì có người cả đời cũng không làm việc gì sai trái, họ niệm Phật cả đời đến lúc lâm chung còn không thể vãng sanh, còn người tạo tội nghiệp đầy mình lúc lâm chung chỉ niệm vài câu Phật hiệu liền có thể vãng sanh, như vậy hình như rất không công bằng. Đây là kiến giải của phàm phu, trên thực tế thì họ không hiểu đạo lý này, tại sao lại như vậy? Cảnh giới là từng sát-na đang biến đổi theo tâm, nói thật ra phàm phu chúng ta tâm ý qua loa nên không quán sát ra được, người có công phu định lực rất sâu họ nhìn thấy rất rõ ràng, cảnh giới trước mắt bao gồm thân tướng của chính chúng ta đều là biến hóa trong từng sát-na. Hơn nữa sự biến hóa này rất lớn, biến hóa rất lớn là đang chuyển theo tâm, trong tâm sanh ra biến hóa lớn, thân tướng và hoàn cảnh sinh hoạt cũng sanh ra biến hóa rất lớn.

Chúng ta không cảm nhận được là do khởi tâm động niệm của chúng ta biến hóa quá nhỏ nên không sinh ra sự biến hóa nào quá lớn, cho nên biến hóa trên cảnh giới cũng là ở mức độ nhỏ, chúng ra rất khó mà cảm nhận được. Lúc lâm chung chính họ biết được cả đời tạo tội nghiệp sâu nặng, lúc này hồi tâm chuyển ý, nhất tâm niệm Phật thì biến hóa sẽ vô cùng lớn! Chuyển cảnh giới cũng chuyển biến với mức độ lớn, đạo lý ở chỗ này. Người tạo tội nghiệp có thể chuyển, tại sao chúng ta không thể chuyển? Có thể chuyển giống nhau, họ là chịu chuyển còn chúng ta không chịu chuyển, vậy thì không còn cách gì. Trong đây nhất định không có nói là công bằng hay không công bằng, không có ý này, đây đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của phàm phu chứ không phải chân tướng sự thật. Cho nên hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này thì chuyển phàm thành thánh chỉ là trong khoảng một niệm, chuyển địa ngục thành thế giới Cực Lạc cũng ở trong khoảng một niệm, vấn đề là một niệm này của bạn có thật sự triệt để quay đầu hay không? Mấu chốt là ở chỗ này. Cho nên, lời của đại sư Thiện Đạo nói không sai, “hết thảy phải làm từ trong tâm chân thật”, tâm bạn chân thật thì chuyển biến sẽ rất nhanh, chuyển biến sẽ rất mau chóng. Nếu bạn luôn không dùng chân tâm thì sẽ rất khó, Phật, Bồ-tát cũng không giúp được gì. 

Chỗ này nói “lâm đọa thú trung”, “thú” là ác thú; “hoặc chí môn thủ”, đến cửa của ác đạo nhưng chưa có vào, vào rồi thì rất phiền phức, sẽ không dễ chuyển, lúc chưa bước vào là cơ hội tốt nhất. “Các chúng sanh này nếu có thể niệm được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ-tát”, hoặc là một câu, một kệ kinh điển Đại thừa”, “niệm” lúc này phải nhớ lời nói trong đoạn trước là “chí tâm xưng niệm” thì mới có hiệu quả, mới chuyển cảnh giới được. Nếu như không phải là chí tâm xưng niệm thì sẽ không dễ. Tâm người lúc lâm chung đích thực khẩn thiết hơn tâm người lúc bình thường, đây là giây phút cấp bách, tâm đó của họ đã chuyển, tâm ấy chân thành nên sẽ chuyển biến dễ dàng, chuyển biến cũng nhanh chóng. Câu này là nói thiện căn phước đức của chúng sanh này, họ có thể niệm đây là họ có thiện căn, có phước đức, giống như những gì đã nói ở đoạn trước là phải chí tâm xưng niệm, hoặc là nhất tâm xưng niệm, “nhất tâm” là thiện căn, “xưng niệm” là phước đức.

Câu tiếp theo là lời đức Phật dặn dò Bồ-tát: “Ông hãy dùng thần lực, phương tiện mà cứu vớt”, đây là nhân duyên. Ba điều kiện là thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì họ có thể tránh họa được phước. “Ở chỗ của người đó hiện thân vô biên”, đây là Bồ-tát hiện thân đến thuyết pháp, khuyên nhủ họ, họ được Bồ-tát khuyên dạy nên một niệm quay đầu, cảnh giới địa ngục liền biến mất. Rời khỏi địa ngục họ liền có thể sanh tới cõi lành, nếu như có thể niệm Phật thì nhất định vãng sanh Tịnh độ. Mọi người hãy xem trong kinh văn, đây là “làm cho họ được sanh thiên”, chữ này đáng lẽ là chữ khiển, “khiển linh sanh thiên”. Những chuyện này ở trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có ghi chép, Trương Thiện Hòa đời Đường là một thí dụ rất hay. Lúc Trương Thiện Hòa lâm chung tướng địa ngục hiện tiền, ông rất may mắn gặp được một vị xuất gia, đúng lúc ông đang kêu cứu mạng thì vị xuất gia này bước vào xem ông bị gì, biết được tình hình như vậy nên đã đốt một cây nhang rồi đưa cho ông, bảo ông khẩn trương niệm A-di-đà-Phật cầu sanh Tịnh độ; ông niệm chưa được mấy câu thì ông nói không thấy người đầu trâu nữa, ông vốn làm nghề giết trâu, làm đồ tể. Ông nhìn thấy rất nhiều người đầu trâu đến đòi mạng ông, đây là tướng địa ngục hiện tiền; ông niệm được vài câu thì người đầu trâu không còn thấy nữa, sau đó thấy A-di-đà-Phật đến tiếp dẫn ông, từ đây mới biết ý niệm đó của ông chân thành, cầu cứu mạng! Chúng ta phải hiểu đạo lý này thì tâm nghi hoặc mới có thể đoạn trừ. Lại xem tiếp đoạn kinh văn sau, phần kệ tụng:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51