/ 51
81

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 49

 Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.

 

Mời mở kinh, Khoa Chú quyển hạ, trang 82, hàng thứ 2 từ dưới đếm lên:

Dục tu Vô Thượng Bồ-đề giả, Nãi chí xuất ly tam giới khổ, Thị nhân ký phát đại bi tâm, Tiên đương chiêm lễ Đại sĩ tượng, Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu, Vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.

Đoạn này là “Tụng thành độ sanh”. “Người muốn tu Vô Thượng Bồ-đề”, đây là Bồ-tát phát tâm, vô thượng Bồ-đề chính là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, “thoát khỏi khổ tam giới”, người Tiểu thừa cũng làm được, trong Phật pháp gọi là người chân chánh giác ngộ. Khổ trong tam giới, nói thật ra là khổ không chịu nổi, người chân chánh giác ngộ nhất định sẽ muốn vĩnh viễn thoát tam giới, luân hồi. Tam giới chính là lục đạo, tam giới là chỉ cho Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Trong kinh Phật nói về Tứ thiền thì chúng ta có thể hiểu được, đỉnh trời của một đơn vị thế giới là Sơ thiền, đỉnh trời của một tiểu thiên thế giới là Nhị thiền, đỉnh trời của một trung thiên thế giới là Tam thiền, đỉnh trời của một đại thiên thế giới là Tứ thiền, cho nên bạn hiểu được việc nói về tam giới, nói về lục đạo, ý nghĩa đều tương đồng. Khu vực giáo hóa của một vị Phật gọi là một đại thiên thế giới, chư vị phải biết chỉ có một trời Tứ thiền, có một ngàn trời Tam thiền, những gì nói trong kinh giáo đại khái chúng ta phải có thể biết. “Muốn tu Vô Thượng Bồ-đề”, không những là siêu việt lục đạo, siêu việt thập pháp giới, mong cầu quả vị Phật cứu cánh viên mãn, đây là chí nguyện, tầm nhìn rộng lớn. Mong thoát khỏi tam giới thì tầm nhìn đó còn tương đối nhỏ, nhưng cũng là vô cùng khó được. Người này đã phát tâm đại bi thì làm sao mới có thể mãn nguyện của họ? “Trước nên chiêm lễ tượng Đại sĩ”, chính là trước hết phải thành tựu chính mình, ý nghĩa của “chiêm lễ” phía trước đã nói rất nhiều, ở đây không nói lại nữa, quan trọng nhất là phải y giáo tu hành.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói về hộ pháp, hộ trì chánh pháp, y theo tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm mà nói thì hiện nay người hộ pháp hiếm có. Pháp là gì? Pháp là “giáo, lý, hạnh, quả”, bốn loại pháp này đều phải hộ trì viên mãn thì mới gọi là hộ pháp thật sự, đây mới là tiêu chuẩn mà Phật nói. Khi chúng ta nói “hộ trì đạo tràng, hộ trì vị pháp sư nào”, vậy thì không được, cái này so sánh với tiêu chuẩn của Phật thì đó không phải là hộ pháp. Cho nên, những gì Phật nói trong kinh nhất định phải có lý giải tương đối rồi sau đó mới biết được làm thế nào như pháp. Phật dạy chúng ta về “giáo”, giáo có bốn loại: giáo, lý, hạnh, quả, chúng ta làm sao tu? “Tín, giải, hành, chứng”, chúng ta phải tin giáo, phải tin lời Phật dạy, lý phải giải, hạnh phải tu, quả phải chứng, cho nên chúng ta phải làm được tín, giải, hành, chứng. Hai câu cuối cùng “hết thảy các nguyện mau thành tựu, nghiệp chướng vĩnh viễn không thể cản”, hai câu này là nói sau khi mình thành tựu, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Chư Phật Như Lai thị hiện trong các cõi chúng sanh, thường cũng thị hiện có nghiệp chướng. Chư vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa của các ngài, là nghi thức giáo học chứ không phải thật. Để người phàm phu như chúng ta hết sức cảnh giác đến sự đáng sợ của nhân quả. Thánh nhân thế gian, Khổng Lão Phu Tử, trong Truyện Ký chúng ta đọc thấy “Khổng tử hết lương thực ở đất Trần”, ngài cũng phải chịu đói. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng bị quả báo ba tháng ăn lúa dành cho ngựa, gặp phải năm mất mùa, bưng bát đi khất thực nhưng không có người cúng dường. Việc này hiển thị điều gì? Hiển thị nhân quả, mặc dù đã thành Phật, thành thánh cũng không có cách thì thay đổi nhân quả. 

Hồi xưa đại sư Bách Trượng nói rất hay: “Người đại tu hành không mê nhân quả”, không phải không có nhân quả. Không mê là như thế nào? Đối với nhân quả rất rõ ràng, rất sáng tỏ, cho nên khi thọ báo rất cam tâm tình nguyện, biết được những gì hiện nay mình chịu là do nhân gì đã tạo trong đời quá khứ, hiện thời phải chịu quả báo này, họ rõ ràng sáng tỏ. Không giống với người thế gian, người thế gian khi gặp quả báo khổ nạn họ không biết, không biết là do nguyên nhân gì, cứ cho rằng do người khác tạo ra cho họ, oán trời trách người, lúc thọ báo vẫn tạo tội nghiệp, nhân quả tuần hoàn cứ như vậy, càng ngày càng tệ, càng ngày càng đi xuống; người hiểu rõ [nhân quả] thì khi thọ nhận quả báo sẽ không đọa lạc, họ có thể dần dần nâng cao cảnh giới, đây là không giống nhau. Họ thật sự hiểu được “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định trước”. Dù gặp người phá hoại chúng ta, tổn hại chúng ta, tất cả đều là vì đời trước mình đã gây tổn hại họ, ngày nay họ tới tổn hại chúng ta, đây là báo ứng. Mình hiểu rõ, mình nhận chịu, rất vui vẻ tiếp nhận, một chút oán trách cũng không có, vậy oán kết này liền hóa giải, lần sau gặp lại sẽ không có chuyện gì. Đây mới là phương pháp giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không thể dùng tâm trả thù để giải quyết vấn đề, chư vị phải biết trả thù không thể nào giải quyết. Nếu trả thù, bạn giết họ, bạn diệt hết dòng tộc của họ, đời sau họ sẽ diệt hết dòng tộc của bạn, là sự việc như vậy, nhân quả tuần hoàn, càng diễn ra càng tàn khốc. Hay nói cách khác, càng đọa lạc càng sâu, đây đâu phải cách giải quyết vấn đề!

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51