/ 51
103

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 30

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không Thời gian:

Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

 

Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 110, kinh văn phía trước có nêu một thí dụ, thí dụ rất đơn giản, tương đối dễ hiểu, kinh văn phía sau là pháp hợp, hợp lại với đoạn thí dụ này để nói. Mời xem kinh văn, hàng thứ nhất:

Thị cố Địa Tạng Bồ-tát cụ đại từ bi cứu bạt tội khổ chúng sanh, sanh nhân thiên trung linh thọ diệu lạc, thị chư tội chúng tri nghiệp đạo khổ, thoát đắc xuất ly vĩnh bất tái lịch.

Đoạn văn này, rất đáng để chúng ta cảnh tỉnh. Bồ-tát ở trong tam ác đạo khuyên dạy hết thảy chúng sanh, giúp họ giác ngộ, giúp họ sám hối, giúp họ quay đầu. Phàm là ở trong ác đạo có thể khởi lên một niệm sám hối chân thật đề lập tức được thoát khỏi ác đạo, chúng ta thấy những việc này [được ghi chép] trong kinh điển rất nhiều. Có rất nhiều đồng tu sau khi xem xong nhưng không thể khởi lòng tin, cứ cho rằng cả đời đã tạo rất nhiều tội nghiệp, đọa vào ác đạo thì rất khó thoát ra, trong kinh này cũng nói đọa vào ác đạo rất khó thoát ra. Tại sao một niệm chân thành sám hối thì họ thoát ra dễ dàng như vậy? Nói thật ra chính là chúng sanh tạo ác nghiệp, một chút ý niệm chân thành sám hối đó thật không dễ gì sanh khởi, đạo lý ở chỗ này. Họ có thể khởi lên một ý niệm, họ thật sám hối, không phải là giả, thật sự quay đầu. Ngạn ngữ thời xưa ở Trung Quốc nói “lãng tử quay đầu vàng không đổi”, một khi họ quay đầu thì là người tốt trong người tốt, vô cùng hiếm có! Vấn đề là họ ở trong ác đạo. Trong cõi người chúng ta có mấy người khởi được ý niệm thật lòng quay đầu? Đầu óc con người tỉnh táo hơn đầu óc của chúng sanh trong tam ác đạo rất nhiều. Chúng ta cũng có thể nói theo cách này, trong thập pháp giới càng lên cao thì đầu óc càng tỉnh táo không mê; càng đi xuống thì càng mê hoặc, càng không tỉnh táo, ở cõi địa ngục thì mê đến tột cùng. Trong hoàn cảnh ấy, họ muốn khởi một ý niệm thanh tịnh, một ý niệm sám hối thì bạn phải biết đây là việc hiếm có khó được biết bao nhiêu. Thế nên Phật mới nói ác đạo rất khó thoát ra, đạo lý ở chỗ này. Cùng một đạo lý, tại sao chúng ta đọa lạc trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều không thoát khỏi lục đạo luân hồi, nguyên nhân là gì? [Từ đây] bạn mới biết một niệm chân tâm sám hối ấy khó phát khởi vô cùng, đạo lý là như vậy.

Phàm thánh thật sự chỉ cách nhau ở một niệm, một niệm giác thì siêu phàm nhập thánh, một niệm mê thì vĩnh viễn trong luân hồi, chỉ ở trong khoảng một niệm mà thôi. Phật, Bồ-tát cứu độ chúng sanh không có gì khác ngoài việc khuyên chúng sanh khởi một niệm giác, vừa khởi một niệm giác thì họ liền siêu sanh. Siêu sanh đến cảnh giới gì? Vậy thì phải xem mức độ giác ngộ của họ. Nếu như là triệt để giác ngộ, từ địa ngục liền có thể thành Phật, bạn tin hay không? Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ thì sẽ tin, 48 nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ có thể làm cho chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật, đây là điểm thù thắng của pháp môn này, công đức lợi ích của pháp môn này không thể nghĩ bàn. Nếu Phật không thể dạy cho chúng sanh trong địa ngục lập tức thành Phật thì trí tuệ, khả năng đó của Phật đáng để cho chúng ta hoài nghi, Phật còn có việc gì mà không thể làm được? Đức Phật thật sự có thể làm được, vấn đề là chúng sanh trong địa ngục có chịu hợp tác hay không? Nếu không chịu hợp tác, không chịu tin tưởng, không chịu y giáo phụng hành thì Phật cũng chẳng còn cách gì. Đây không phải là năng lực của Phật không đủ, mà là đối phương có chướng ngại, có nghiệp chướng. Mọi người hiểu rõ đạo lý này xong thì mới biết được chân tâm đáng quý. Ngày nay chúng ta sống trong xã hội, bạn đã học Phật rồi, như thế nào gọi là học Phật? Bạn là thật học Phật Hay là giả học Phật. Thật sự học Phật thì không có gì khác là dùng chân tâm, không gạt chính mình, không gạt chúng sanh, bạn là dùng chân tâm. Nếu như vẫn là gạt mình gạt người, một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không có tác dụng, đúng như cổ đức nói “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Chúng ta bước vào niệm Phật đường có mấy người đạt được nhất tâm, mấy người có thể vãng sanh phẩm vị cao, phải xem tâm của họ dùng là gì. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, bạn sanh vào phẩm nào cũng là xem bạn dùng tâm gì. Nếu như bạn dùng tâm chân thành cứu cánh viên mãn thì bạn nhất định sẽ sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thượng phẩm thượng sanh. Chư vị phải biết, Thật Báo Độ thượng phẩm thượng sanh, đến nơi đó làm làm Phật, liền thành Phật. Do đó phải xem mức độ dùng chân tâm của bạn.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51