/ 51
90

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 27

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 79, chúng ta đọc qua kinh văn một lần:

Hà huống lâm mạng chung nhân, tại sanh vị tằng hữu thiểu thiện căn, các cư bổn nghiệp tự thọ ác thú, hà nhẫn quyến thuộc cánh vi tăng nghiệp.

Lần trước giảng đến chỗ này, mời xem thí dụ tiếp theo:

Thí như hữu nhân tùng viễn địa lai tuyệt lương tam nhật, sở phụ đảm vật cường quá bá cân, hốt ngộ lân nhân cánh phụ thiểu vật, dĩ thị chi cố chuyển phục khốn trọng.

Đây là thí dụ, ý nghĩa thí dụ rất rõ ràng, thí như có một người từ nơi rất xa đến đây. Thời xưa giao thông không phát triển, đi xa đa phần đều là đi bộ, đường đi xa thì đương nhiên sẽ rất mệt mỏi, tiêu hao thể lực. Nếu như ba ngày không ăn cơm thì nỗi khổ này của họ chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Hơn nữa, người này không phải chỉ đi bộ mà còn gánh vác đồ đạc, đồ đạc này nặng một trăm cân, gánh đồ rất nặng, ba ngày không ăn cơm mà phải đi quãng đường dài, như vậy rất mệt mỏi. Đây là thí dụ người sắp chết nói ở trên, lúc còn sống không làm được việc gì tốt, sau khi chết đương nhiên sẽ y theo hạnh nghiệp của họ mà phải nhận lấy quả báo. “Bỗng gặp người quen gửi thêm một ít đồ nữa”, đây là thí dụ cho người nhà thân quyến không hiểu chuyện mà còn sát sanh cúng tế làm tăng thêm tội nghiệp cho họ, tiền đồ của người mất đương nhiên càng khốn khổ hơn. Thí dụ này rất dễ hiểu. Chúng ta xem tiếp kinh văn trang 80:

Thế Tôn, ngã quán Diêm-phù chúng sanh, đản năng ư chư Phật giáo trung, nãi chí thiện sự nhất mao nhất trích, nhất sa nhất trần, như thị lợi ích tất giai tự đắc.

Đây là lời của Địa Tạng Bồ-tát nói với Thế Tôn, thật ra nói với Thế Tôn chính là Thế Tôn chứng minh cho ngài, lời ngài nói câu nào cũng là chân thật, dụng ý của lời nói thật ra là vì chúng ta. “Diêm-phù chúng sanh” chính là những người như chúng ta đây. “Đản năng ư chư Phật giáo trung”, hai chữ Phật giáo là mấu chốt quan trọng, ngày nay nhắc đến Phật giáo có phải là ý nghĩa của Phật giáo trong sự tưởng tượng của chúng ta hay không? Không phải. Đây là hết thảy những lời giáo huấn của chư Phật, Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta có hiểu hay không? Chúng ta có làm được hay không? Thật sự hiểu rõ rồi, chịu đi làm, cho dù làm một chút việc thiện nhỏ, “nhất mao, nhất trích, nhất sa, nhất trần”, đây là nói rất ít, hình dung cho việc tu thiện ít. “Mao” là lông tơ, lông tơ trên thân chúng ta, đây là vật nhỏ nhất trong chánh báo của chúng ta, “trần sa” là hạt bụi, hạt cát, vật nhỏ nhất trong y báo của chúng ta, cả hai đều hình dung việc thiện nhỏ. Bạn sẽ có được toàn bộ lợi ích của việc thiện nhỏ này, huống hồ là việc thiện lớn. Những gì dạy trong Phật pháp, dù nhỏ cũng xứng tánh. Đã xứng tánh thì nói thật ra việc thiện không có lớn nhỏ, việc thiện lớn khắp hư không pháp giới, việc thiện nhỏ cũng khắp hư không pháp giới, thậm chí khi bạn khởi một niệm thiện, một ý niệm làm lợi ích chúng sanh thì quả báo cũng sẽ không thể nghĩ bàn. Những lời nói này của Địa Tạng Bồ-tát, người sơ học đích thực rất khó tiếp nhận, có phải là Phật, Bồ-tát dùng những lời này để khuyến khích chúng ta, chưa chắc đã là thật. Chúng sanh tiếp xúc Phật pháp, đặc biệt là người sơ học, có thể nói những nghi hoặc này vô cùng phổ biến, hoàn toàn dùng tâm phàm phu của chúng ta để đo lường cảnh giới của Phật, Bồ-tát, đây là hết sức sai lầm.

Phàm phu chúng ta dùng vọng tâm, chư Phật, Bồ-tát là dùng chân tâm, vọng tâm vĩnh viễn không duyên đến cảnh giới chân thật. Kinh luận của Pháp tướng tông nói rất nhiều về công năng của ý thức thứ sáu, là thức mạnh nhất trong tám thức, đối ngoại nó có thể duyên đến hư không pháp giới, đối nội nó có thể duyên đến a-lại-da thức, tiếc rằng nó không có cách gì duyên đến tự tánh. Chư vị phải biết Nhất Chân pháp giới là tự tánh, nó có thể duyên hư không pháp giới, có thể duyên thập pháp giới, nhưng không có cách gì để duyên Nhất Chân pháp giới, không có cách gì duyên tự tánh. Do đó, kiến giải và trí tuệ của phàm phu làm sao có thể biết cảnh giới của Phật, Bồ-tát? Dựa vào vọng tưởng của mình để tưởng tượng cảnh giới Phật, Bồ-tát là hoàn toàn sai lầm, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Trí tuệ chân thật là gì? Khi “hai chướng” đã bị phá thì trí tuệ chân thật mới hiện ra. Chúng ta nghĩ thử xem, chúng ta có phiền não chướng, có sở tri chướng, không những có, mà còn rất nghiêm trọng thì trí tuệ ở đâu mà đến! Chính mình cảm thấy rằng rất có trí tuệ, đó chỉ là thế trí biện thông mà trong Phật pháp nói, thế trí biện thông không thể giải quyết vấn đề. Mời xem tiếp kinh văn:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51