/ 51
363

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 1

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

Chư vị đồng học!

Trong những năm qua, khi một đạo tràng mới xây dựng xong, bộ kinh đầu tiên tôi nhất định sẽ giảng là “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”. Tại sao phải giảng bộ kinh này? Xây dựng Phật pháp không thể xa lìa cơ sở vật chất, chúng ta dùng cách nói hiện nay là nhất định phải có đất đai, phải có phòng ốc, phải có kiến trúc. Sau khi có cơ sở vật chất rồi thì chúng ta mới có nơi chốn để tu đạo. Nhưng tu đạo phải dựa vào những gì? Chúng ta nhất định phải biết. Tu đạo nhất định phải dựa vào tâm địa, kinh Địa Tạng chính là khóa học đầu tiên của chúng ta. Sau khi đã có cơ sở vật chất rồi, bên trong cơ sở tinh thần quan trọng nhất là tâm địa pháp môn. Thế nên bộ kinh đầu tiên chúng ta nhất định phải giảng là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh để làm nền tảng cho sự tu học Đại thừa. Nếu như không hiểu tâm địa pháp môn, không biết phải bắt đầu tu từ tâm địa thì đến sau cùng quyết định sẽ chẳng thành công. Hay nói cách khác, bất luận bạn có dụng công, có nỗ lực như thế nào, có phấn đấu mạnh mẽ, có tinh tấn thế nào đi nữa, thì bạn cũng vẫn y như cũ, không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, những gì bạn tu cũng chỉ là phước báo hữu lậu mà thôi. Đại thừa ở Trung Quốc là dùng “tứ đại Bồ Tát” làm biểu pháp, vị thứ nhất chính là Địa Tạng Bồ Tát. Từ Địa Tạng Bồ Tát lại mở rộng ra là Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Âm [tiêu biểu] cho đại từ đại bi. Địa Tạng [tiêu biểu] cho hiếu kính.

Tại sao ngày nay Phật pháp lại suy thoái đến như vậy? Tại sao người tu hành không thể thành tựu rạng rỡ như người thời xưa? Vì mọi người đã quên mất cội gốc rồi, bất hiếu, bất kính. Kiểu tu học này, lúc trước thầy Lý thường nói là giỡn chơi với Phật pháp, họ không phải tu học Phật pháp, cũng không phải hoằng dương Phật pháp, mà là giỡn chơi với Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp, không có gì làm nên đi tìm tiêu khiển giải trí, lấy Phật pháp để tiêu khiển! Đích thật là như vậy, lời thầy Lý nói không quá đáng tí nào. Chúng ta thử nghĩ xem có phải chính mình cũng đang tiêu khiển Phật pháp hay không? Cũng đang giỡn chơi với Phật pháp hay không? hay là chỉ tu một chút phước báo hữu lậu mà thôi. Mà chút phước báo này nhất định không thể hưởng ở nhân gian, đến nơi nào hưởng vậy? Hưởng ở cõi súc sanh, hưởng cõi ngạ quỷ, đến ác đạo hưởng. Tại sao không thể hưởng ở cõi người? Tư cách làm người của bạn không có. Cho nên những phước đã tu được không thể hưởng ở cõi người, chúng ta phải rõ ràng. Làm người thì phải biết “hiếu thân, tôn sư”, phước thứ nhất của Tam phước nói trong Quán Kinh là: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, được vậy thì bạn mới được thân người, những phước báo mà bạn tu được mới có thể hưởng ở cõi người, cõi trời. Nếu không làm được bốn điều này thì những phước báo bạn tu được nhất định hưởng ở ác đạo, chúng sanh trong ác đạo cũng có phước báo rất lớn. Những lý và sự này chúng ta đều hiểu rõ, nhưng chúng ta không thể chuyển đổi trở lại, nói cách khác thì đã hiểu rõ nhưng làm không được. Tại sao làm không được? Nói thật ra là vì không hiểu thấu triệt đối với những sự -lý này. Nếu thật sự thấu triệt rồi thì nhất định họ có thể sám trừ nghiệp chướng, có thể quay đầu là bờ. Thế nên khi đạo tràng mới thành lập, kinh Địa Tạng Bổn Nguyện nhất định không thể thiếu, nhất định phải giảng.

Chư vị đồng tu đến đây tham học, hôm nay chúng tôi đem khóa học này đặt làm khóa trình chủ yếu, thời gian tuy không nhiều nhưng chúng tôi nhất định sẽ giảng tường tận những điểm chính yếu. Ngoài ra, những phần cổ đức đã chú giải tường tận, Pháp sư Thánh Nhất đã giảng giải bằng ngôn ngữ thông tục, quý vị có thể dùng đó làm tham khảo. Tương lai quý vị hoằng dương Phật pháp ở trong nước và ngoài nước, mỗi khi đến một đạo tràng mới [thành lập] trước hết nên giảng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, rồi sau mới giảng kinh Vô Lượng Thọ, khuyên họ niệm Phật vãng sanh, đây là quy củ nhất định.

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú là do Pháp sư Linh Kiệt soạn vào đầu đời nhà Thanh, Ngài là người thời vua Khang Hy, đầu đời nhà Thanh, chú giải hay vô cùng. Chúng ta đọc chú giải của Ngài, phải lắng lòng thể hội, phải dùng ngôn ngữ hiện đại để diễn đạt, dùng quan niệm của người hiện nay để thuyết minh thì mọi người mới dễ dàng tiếp nhận. Chú giải này bao gồm năm phần:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51