/ 289
347

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 106

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm lẻ bảy:

 

(Sao) Tam A Nan giả.

(鈔) 三阿難者。

(Sao: “Ba vị A Nan”).

 

Đây là nói về ba vị A Nan, kinh Đại Thừa thường nói chuyện này, kinh Tiểu Thừa chẳng thừa nhận.

 

(Sao) Nhất danh Hoan Hỷ, kết Thanh Văn Tạng.

(鈔) 一名歡喜,結聲聞藏。

(Sao: Vị thứ nhất tên là Hoan Hỷ, kết tập Thanh Văn Tạng).

 

Đây là hoàn toàn nói theo hình tướng, dấu vết. Ngài A Nan là em họ của Thích Ca Mâu Ni Phật; sau khi đức Phật diệt độ, Ngài vâng theo di giáo của đức Phật, kết tập kinh điển Tiểu Thừa.

 

(Sao) Nhị danh Hỷ Hiền, kết Duyên Giác Tạng.

(鈔) 二名喜賢,結緣覺藏。

(Sao: Vị thứ hai là Hỷ Hiền, kết tập Duyên Giác Tạng).

 

Thông thường, chúng cũng quy nạp Duyên Giác vào pháp Tiểu Thừa, tức là Thanh Văn và Duyên Giác. Nếu nói tới Tam Thừa, sẽ tách ra thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Trí huệ và công phu tu hành của Duyên Giác đều cao hơn Thanh Văn. Trong kinh giáo đã nêu ra sự khác biệt lớn nhất ở chỗ: Tuy Thanh Văn đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí; Duyên Giác thì ngay cả tập khí cũng đoạn. Đấy là chỗ khác nhau nơi quả chứng giữa Thanh Văn và Duyên Giác.

 

(Sao) Tam danh Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng.

(鈔) 三名喜海,結菩薩藏。

(Sao: Vị thứ ba tên là Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng).

 

Hết thảy kinh Đại Thừa cũng do tôn giả A Nan kết tập. Do đây có thể biết, kinh điển Tam Thừa có quan hệ mật thiết với tôn giả A Nan. Đại Thừa nói rõ tôn giả A Nan cũng đã ngộ nhập Pháp Tánh, cho nên thông đạt hết thảy Đại Thừa Phật pháp vô ngại[1].

 

(Sao) Tắc A Nan dĩ đại thần lực, tùy cơ thị giáo, thị tri nhất đại thời giáo, thử A Nan bất văn giả, bỉ A Nan văn chi, hựu hà văn dữ bất văn nhi vi ngại dã.

(鈔)則阿難以大神力,隨機示教,是知一代時教,此阿難不聞者,彼阿難聞之,又何聞與不聞而為礙也。

(Sao: A Nan dùng đại thần lực, tùy theo căn cơ mà chỉ bày giáo pháp. Vì thế, biết: Đối với giáo pháp trong cả một đời đức Phật, nếu ngài A Nan này không nghe, thì ngài A Nan khác nghe, há còn trở ngại vì “nghe” hay “chẳng nghe” nữa ư?)

 

Đây là ý nghĩa vô ngại. Trong phần trước đã từng nói: “Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ”, Phật pháp mới có thể thường trụ thế gian, mới có thể thật sự lợi ích hết thảy chúng sanh. Không có chư Phật, chư Bồ Tát hộ trì, phàm phu sẽ chẳng nhận biết, chẳng biết giá trị, càng chẳng có lòng nhẫn nại, chẳng có tâm dài lâu! Do điều này, ta biết chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức trụ trì trong thế gian mấy chục năm, phát huy rạng rỡ Phật pháp đều chẳng thể nghĩ bàn. Trong các vị đệ tử và hộ pháp, cũng thường có nhiều vị tái lai. Nếu bảo là không có vị nào tái lai, chỉ có một vị Phật, Bồ Tát, hay La Hán xuất thế, chắc chắn chẳng thể nào hóa độ chúng sanh. Vì thế, cũng biết: Pháp duyên hoàn toàn cậy nhờ Tam Bảo.

Đương nhiên chuyện này là “khả ngộ, bất khả cầu” (có thể ngộ, chẳng thể cầu). Chúng sanh có phước, Phật, Bồ Tát bèn xuất thế; chúng sanh chẳng có phước, chúng ta làm cách nào cũng chẳng cầu được! Phước do đâu mà có? Phước phải do chính mình tu. Bản thân chúng ta chẳng tu phước, mong mỏi người khác tu phước, đó là sai lầm; nhất định phải là chính mình biết tu phước. Đoạn “ngã văn” đã giảng xong. Tiếp theo đây là giảng về “nhất thời”, tức là điều thứ ba trong sáu thứ thành tựu.

/ 289