/ 48
413

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 32

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Nguyện Ba La Mật. Chúng ta xem kinh văn Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, kinh văn tờ thứ năm, xem từ hàng sau cùng. Tổng cương lĩnh tu học của Bồ Tát là mười Ba La Mật, chúng ta cũng gọi là mười độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát Nhã Trí tuệ, lại thêm vào Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí. Đây là Bồ Tát Văn Thù ở thế giới Hoa Tạng cùng 41 vị pháp thân đại sĩ (41 vị này chính là Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác) cùng đồng tu học khoá mục chủ yếu. Chúng ta học được "nguyện", ở trong nguyện đặc biệt nhắc đến mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, đây đều là Bồ Tát pháp thân học. Chúng ta học đến "thỉnh Phật trụ thế, thường tuỳ Phật học". Thỉnh Phật trụ thế, bổn ý của ngài các vị phải nên biết. Hoa Nghiêm là cảnh giới của pháp thân Bồ Tát, không phải là phàm phu chúng ta. Ở phàm phu chúng ta, cái tầng thứ này có cách nói khác, cái tầng thứ này chúng ta chính là nói cạn, chúng ta phải thỉnh thiện tri thức trụ thế, chúng ta phải thỉnh Phật trụ thế, cách thỉnh thế nào vậy? Chúng ta tu học đại thừa nhiều năm đến như vậy, tuy là chưa chứng nhập cảnh giới, có thể nói cũng có nhận biết mức độ tương đối. Như thông thường mà nói, cái thế gian này không phải thật, không chỉ cái thế gian không phải là thật, sáu cõi, mười pháp giới cho đến chư Phật, pháp giới nhất chân cũng không phải là thật, ở trong cái pháp giới này nhiều chúng sanh như vậy cùng nhau xuất hiện. Đây là do nguyên nhân gì? Đây là cái đạo lý gì? Nếu như chúng ta hiểu rõ rồi, tường tận rồi, liền biết được làm thế nào thỉnh Phật trụ thế. Nguyên nhân không ngoài hai loại, một loại là nghiệp lực thọ sanh, như những phàm phu này của chúng ta đến cái cõi này, có thể không đến hay sao? Không thể không đến, vì sao vậy? Nghiệp lực lôi kéo bạn.

Trong kinh giáo Phật nói với chúng ta rất hay, bao gồm tất cả chúng sanh tạo nghiệp có thể phân làm hai loại lớn. Một loại là dẫn nghiệp, dẫn đạo bạn đến một cõi nào đó để thọ sanh. Ngoài ra một loại gọi là mãn nghiệp, mãn nghiệp là bạn đến một cõi nào đó, bạn được cái thân tướng, bạn cả đời được thọ dụng, như chúng ta không luận là thọ dụng vật chất hoặc là thọ dụng tinh thần đều khác nhau, mỗi một người không như nhau. Dẫn nghiệp của chúng ta thì giống nhau, trên địa cầu có 60 ức người, 60 ức nhân khẩu này dẫn nghiệp giống nhau, dẫn nghiệp dẫn dắt bạn đến cái thế gian này để thọ thai, để được thân người. Chúng ta đều là người, thế nhưng mạng của ta khác nhau, có giàu sang, có bần tiện, có thông minh, có ngu si, khác biệt quá lớn, cùng là người vì sao không như nhau? Mãn nghiệp không như nhau, mãn nghiệp là cái gì? Do trong đời quá khứ tu bố thí, tu tài bố thí, tu pháp bố thí, tu vô uý bố thí. Dẫn nghiệp là chúng ta trì giới, thí dụ đến nhân gian này để đầu thai cần phải có điều kiện gì? Năm giới mười thiện, cái mười thiện này là trung phẩm mười thiện. Không phải Phật giáo cùng tương thông với Phật giáo, kỳ thật, chúng ta trong những năm gần đây qua lại với rất nhiều tôn giáo, xem qua kinh điển của họ, gần như không có tôn giáo nào mà không đầy đủ năm giới, đều dạy bạn không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, giống như nhau! Có một số tôn giáo có uống rượu, thế nhưng cũng không cho phép bạn uống say. Phật chế giới tương đối nghiêm cẩn, trên thực tế nó có khai duyên, gần như là hoàn toàn giống như các tôn giáo khác. Đây gọi là dẫn nghiệp. Ngay đời này chúng ta có thể làm được rất tốt, đời sau nhất định được thân người. Được thân người thì bạn hưởng thụ trên đời sống vật chất có đầy đủ hay không thì phải xem mãn nghiệp của bạn. Mãn nghiệp chính là ba loại bố thí, có người kiếm tiền rất dễ dàng, không phí sức, tiền tài đến ào ào, có người kiếm tiền thì kiếm được rất là khổ cực, đây là nguyên nhân gì? Nghiệp nhân không như nhau. Kiếm tiền kiếm được rất thoải mái, không phí sức, không luận làm bất cứ nghề nghiệp gì, tiền tài ào ào mà đến, đó là khi bố thí hoan hỉ, sau khi bố thí không có hối tiếc, liền được cái phước báo này. Buôn bán như nhau cũng kiếm được tiền nhưng kiếm được rất khổ, kiếm được rất mệt, đó là gì vậy? Khi bố thí rất là miễn cưỡng, hoặc là sau khi bố thí lại hối hận, chính là cái nguyên nhân này. Có nhân ắt có quả, thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác quả.

Chúng ta cũng xem thấy con người thế gian này rất là đáng thương, mọi người nói đến việc này liền sẽ nghĩ ngay đến Phi Châu nghèo khổ lạc hậu, mỗi năm không biết là có đến bao nhiêu người chết đói, bạn thấy viễn cảnh đó thật là thê thảm, đó cũng là con người, tại vì sao có thể rơi vào cảnh tượng như vậy? Tuy là có dẫn nghiệp nhưng không có tu ba loại bố thí. Tài bố thí được tiền tài, pháp bố thí được thông minh trí tuệ, vô uý bố thí được khoẻ mạnh sống lâu, không hề ở nơi đây mà hạ công phu, hơn nữa còn làm rất nhiều ác nghiệp, cho nên họ cảm nhận được là ác báo. Con người đến thế gian này, vì sao mà đến? Chúng ta biết được, do nghiệp lực dẫn dắt đến đây, thọ dụng của cả đời là mãn nghiệp không như nhau. Đại phú đại quý có nhân duyên, không phải không có nguyên nhân mà đến, chịu khổ chịu nạn cũng có nguyên nhân, đây chính là Thế Tôn nói ra một câu trên kinh điển cho chúng ta nghe, đến cái thế gian này "nhân sanh thù nghiệp", đây là từ phương diện tiêu cực mà nói, bạn đến để làm cái gì? Bạn đến chính là đền trả nghiệp báo, bạn trong đời quá khứ tu thiện thì bạn đến hưởng phước, trong đời quá khứ bạn tạo ra nghiệp bất thiện thì bạn đến chịu tội, cho nên hưởng phước cũng tốt, chịu tội cũng tốt, chẳng phải là trong mạng đã định sẵn rồi hay sao? Bạn làm sao có thể trách người, làm sao có thể oán trời trách người? Cho nên xem thấy người khác giàu sang không nên đố kỵ, biết được đó là quả báo của thiện nghiệp, xem thấy người nghèo khổ cũng không nên ghét bỏ, chính mình phải cảnh giác, đó không phải là quả báo của thiện nghiệp. Xem thấy tình hình này thì phải cố gắng tu chính mình, những cảnh giới này bày ra trước mắt chúng ta lại chẳng phải là giáo dục sao! Chân thật giác ngộ rồi thì không có một pháp nào không phải là Phật pháp, vô số chúng sanh đang thị hiện để chúng ta xem, nghiệp nhân quả báo đều ở ngay trước mắt. Chúng ta giác ngộ, thấy tường tận rồi, chúng ta nâng cao cảnh giới chính mình, đồng thời cũng là tu phước. Chúng sanh khổ nạn, chúng ta tận tâm tận lực giúp đỡ họ một chút, đây là tu phước báo. Loại phước báo này nếu như nhanh, ngay đời này quả báo liền hiện tiền, cuối đời bạn sẽ có rất nhiều người chăm sóc bạn. Cái quả báo ngay đời này nhận được, nhà Phật gọi là hoa báo, hoa báo tốt thì cuối đời rất hạnh phúc. Bạn biết thiện đãi đại chúng, nhất là người cô độc quạnh hiu, chân thật có thể phát tâm chăm sóc, tận tâm tận lực mà chăm sóc, chúng ta chăm sóc người khác, chăm sóc người già cô độc, cuối đời khẳng định hưởng phước, quả báo của đời sau liền thù thắng. Ở cảnh giới phàm phu chúng ta, chúng ta biết được, Phật Bồ Tát đến cái thế gian này giáo hoá chúng sanh, vì sao mà đến? Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng, vậy chúng ta liền biết được làm thế nào để thỉnh Phật trụ thế. Dùng cái tâm của chúng ta để cảm, cái tâm thế nào vậy? Chân thật muốn học Phật, thì Phật Bồ Tát liền đến, miệng thì bảo đang học Phật nhưng trong lòng thì không có Phật, vậy thì Phật Bồ Tát sẽ không đến, không khởi được tác dụng cảm ứng tương thông. Thật làm, hơn nữa thế nào vậy? Không vì chính mình, vì chúng sanh. Ta rất muốn chính mình thành tựu, cũng rất muốn giúp mọi người đều thành tựu, cái nguyện này tốt, thế nhưng chính mình nghiệp chướng sâu nặng không có trí tuệ, ta tuy là có tâm nhưng không có năng lực giáo hoá chúng sanh, vậy ta phải làm sao? Ta cầu thiện tri thức, "Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng", đây là vào năm xưa đại sư Chương Gia dạy cho tôi, vào lúc đó tôi hai mươi mấy tuổi. Một chút cũng không giả. Chân thật phát tâm thì bạn liền gặp được thiện tri thức chân thật, bạn sẽ gặp được thiện tri thức. Thiện tri thức có thể gặp không thể cầu. Người không có cái tâm nguyện này thì họ không gặp được, ngày ngày cùng ở chung với thiện tri thức mà họ không có được lợi ích, hiện tượng này rất nhiều!

/ 48