/ 600
407

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 576

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 763, hàng thứ hai. Đây là một đoạn lớn, chúng ta bắt đầu xem từ đây:

“Muốn chứng bồ đề, nên cầu thiện hữu, đạo cầu thiện hữu như trong Kinh Viên Giác nói: Chúng sanh mạt thế, nên phát đại tâm, cầu thiện tri thức. Người muốn tu hành, nên cầu người chánh tri kiến đối với tất cả, tâm không trú tướng, không chấp trước cảnh giới Thanh văn, Duyên giác”. Chúng ta xem đến đây.

Đây là nói thời kỳ mạt pháp, chính là thời đại hiện nay của chúng ta. Chúng ta muốn học Phật, chúng ta học Phật có thể thành tựu hay không, then chốt là ở người thầy. Thiện tri thức chính là thầy giáo, trong kinh nói đến thiện tri thức và thiện hữu đều là thầy giáo. Nếu cầu được thầy giáo tốt thật sự, chắc chắn có thành tựu, nên mối quan hệ của thầy và chúng ta vô cùng mật thiết.

Điều kiện của thầy giáo, lúc chúng tôi còn trẻ, mới học Phật, thầy dạy chúng tôi. Trước tiên thầy nói với chúng tôi, thầy và trò là nhân duyên, có thể gặp không thể cầu. Chúng tôi làm học trò, muốn tìm một vị thầy giỏi không dễ. Nhưng thầy giáo muốn tìm một học sinh tốt, càng không dễ, đến đâu để tìm? Quả đúng như cổ nhân nói: Vấn đề này có thể gặp không thể cầu. Bây giờ chúng ta đã hiểu, vấn đề này có quan hệ mật thiết với thiện căn phước đức nhân duyên trong đời quá khứ. Đến thế gian này là đều có nhân duyên với cha mẹ, có nhân duyên với thầy tổ, có nhân duyên với anh em, có nhân duyên với đồng học vô cùng sâu dày, không phải ngẫu nhiên. Không có nhân duyên, vĩnh viễn không hội tụ. Chỉ cần chúng ta quan sát lãnh hội tường tận có thể phát hiện.

Chúng ta biết muốn cầu thầy giáo tốt, “muốn chứng bồ đề”, nghĩa là chúng ta muốn học Phật, muốn thành Phật. “Nên cầu thiện hữu”, muốn cầu thầy giáo tốt. “Đạo cầu thiện hữu”, phải như trong Kinh Viên Giác nói, đoạn kinh văn trong Kinh Viên Giác, hoàn toàn là nói đến thời đại của chúng ta. Chúng sanh mạt thế, chúng ta cầu thiện tri thức, muốn tu hành, muốn có kết quả tốt ngay trong đời này. Kết quả này chính là lý tưởng của chúng ta, nguyện vọng của chúng ta có thể thực hiện. Đương nhiên người thầy tốt nhất, là người thật sự khai ngộ. Trong Phật giáo đại thừa nói: Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đây là thiện tri thức bậc nhất. Đây chính là dạy chúng ta. “Người chánh tri kiến đối với tất cả”, thế nào là chánh tri kiến? Tâm không trú tướng. Chúng ta phải lưu ý, tâm không trú tướng, tâm mới thật sự thanh tịnh. Nếu tâm trú tướng, trong tâm sẽ có tướng, có tướng tâm sẽ không thanh tịnh. Câu này phải dùng Pháp Bảo Đàn Kinh để giải thích, là đại sư Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”, chính là tâm không trú tướng. Ngài Huệ Năng nói: Chân tâm là không tịch, không có gì cả. Tức là hiện chân tâm, trong chân tâm không có tướng.

Hiện nay các nhà khoa học nói rất cụ thể, tướng là gì? Tướng là hiện tượng, các nhà khoa học đem hiện tượng trong vũ trụ, quy nạp thành ba loại lớn: Hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên. Ba loại lớn này bao hàm tất cả.

Tâm có chăng? Tâm không có ba tướng này. Nên nếu tâm có tướng, tâm sẽ băng hoại. Còn tâm không có tướng, tâm đó là thật, tâm này khởi tác dụng quả thật không thể nghĩ bàn. Trong tâm đó có vô lượng trí tuệ, có vô lượng đức năng, có vô lượng tướng hảo. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, chính là chỉ điều này. Nhưng nếu trong tâm trú tướng, để những tướng lẫn lộn bên ngoài trong tâm, tâm chúng ta sẽ bị nhiễm ô, nhiễm ô này gọi là vọng tâm. Chư vị nên biết, vọng tâm và chân tâm là một, quả thật là một không phải hai. Trú tướng gọi là vọng tâm, không trú tướng gọi là chân tâm, nghĩa là trong tâm thanh tịnh, không có gì cả, đây chính là chân tâm. Có một thứ chính là vọng tâm, thứ nào? “Ta”, có cái ta là hết, có cái ta đó là nguồn cội của nhiễm ô, ta là gì? Khi chân tâm có hiện tượng dao động, hiện tượng dao động này rất nhanh, tần suất rất cao, rất nhanh. Chính là Bồ Tát Di Lặc nói: “Một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm”, chúng ta đem nó tính theo cách khác, là 320 triệu một khảy móng tay. Tần suất số lần chấn động của nó là 320 triệu, trong thời gian một khảy móng tay. Hiện nay khoa học đều dùng giây làm đơn vị, đơn vì thời gian, một giây chúng ta có thể khảy lấy lần? Tôi có thể khảy bốn lần, tôi tin có người khảy còn nhanh hơn tôi, sức mạnh hơn tôi. Nếu khảy năm lần, 5 nhân 320 triệu, chính là 1600 triệu, một giây tần suất chấn động là 1600 triệu. Chính là nói chân tâm khởi dao động, dao động này vô cùng vi tế, nhưng chúng ta không biết. Trong kinh đại thừa Đức Phật nói, trước thất địa đều không biết, cũng chính là nói định công của thất địa Bồ Tát không thể phát hiện. Đến bát địa sẽ phát hiện, định công của bát địa thâm sâu, bát địa Bồ Tát thấy được. Một giây có 1600 triệu dao động vi tế, bát địa Bồ Tát thấy được. Bát địa trở lên là cửu địa, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác. Hay nói cách khác, trong 52 địa vị của Bồ Tát, năm địa vị cao nhất đều thấy được. Không phải giả, không phải chỉ một người nhìn thấy. Đức Thế Tôn không phải nói chỉ mình ngài thấy được, rất nhiều người nhìn thấy, bát địa trở lên đều nhìn thấy, điều này không phải giả. Nó động gọi là vọng tâm, tức không gọi là chân tâm, do vọng tâm mà khởi ra cái ta. Vốn không có cái ta, nó đã khởi ra một cái ta. Vọng tâm này gọi là A lạ da, là danh từ của tiếng Phạn. A lại da nghĩa là chứa nhóm, chính là bao la vạn tượng, chính là ý này. Tuy là vọng tâm, nhưng nó bao la vạn tượng, mọi hiện tượng đều ở trong đó, đều ở trong đó sanh ra.

/ 600