/ 600
598

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 517

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 652, bắt đầu xem ở giữa hàng thứ nhất, từ câu “thất chủng tất giai bất tịnh”, bắt đầu xem từ đây.

Bảy loại ở trên là trong Thập Nghi Luận nói: Chủng tử, thọ sanh, trú xứ, thực đạm, sơ sanh, cử thể, cứu cánh, bảy loại này đều không sạch sẽ, đều là ô nhiễm nghiêm trọng.

“Cố ư tự thân dĩ cập tha thân, thật vô khả lạc chi xứ”. Tự thân và tha thân đều giống nhau, đều không tách rời bảy loại này. “Thuần khổ vô lạc, lý ưng yểm ly”, ở trước chúng ta học đến đây, cần phải ghét bỏ, phải viễn ly.

Nên ở dưới nói: “Nghi tự quyết đoán”, nghi là nên, tự mình phải có quyết đoán. “Quyết là quyết tâm, kiên quyết, đoán là đoạn trừ nhân ác, nhân ác tức bên dưới gọi là tâm cấu nhiễm”. Cấu chính là không thanh tịnh. “Trong Hội Sớ nói, tham sân si là tâm cấu nhiễm, trái với ba điều thiện”, không tham, không sân, không si gọi là ba thiện căn. Trong kinh thường gọi tham sân si là ba độc phiền não, là nguồn gốc của tất cả pháp bất thiện, chính là tham sân si.

Chư vị đồng học đều biết bản thân nghiệp chướng nặng nề, khi chưa học Phật không biết, học Phật rồi mới biết mình có nghiệp chướng. Nghiệp chướng này đa phần đều nói ác nghiệp, nghiệp bất thiện. Không chỉ trong đời này, mà nghiệp chướng tích lũy từ nhiều đời kiếp trong quá khứ, quý vị xem nó sâu nặng đến nhường nào!

Không nhận thức, không biết, vậy thì không còn cách nào khác. Khi học Phật mới biết, mới nhận thức được. Khi nhận biết rồi thì làm sao đoạn tận nó, quý vị mới đạt được thọ dụng chân thật của Phật pháp, trong kinh gọi là lợi ích chân thật, quý vị đã đạt được. Cũng đã khai mở trí tuệ chân thật, nghiệp chướng tiêu trừ liền khai trí tuệ, nếu nghiệp chướng còn trí tuệ không hiện tiền, trí tuệ là vốn có. Nên nghiệp chướng, nghiệp này làm chướng ngại trí tuệ, làm chướng ngại năng lực, cũng làm chướng ngại phước báo của quý vị, quả là phiền phức lớn! Mê hoặc điên đảo, còn không ngừng tạo ác nghiệp, quả báo tương lai nhất định ở trong tam đồ. Trong tam đồ cũng có cơ hội, đó chính là xem một niệm sau cùng, tham sân si cái nào mạnh. Nếu phiền não tham mạnh, sức mạnh rất lớn, sẽ dẫn quý vị vào đường địa ngục. Sức mạnh sân nhuế lớn mạnh, sẽ dẫn dắt quý vị vào đường địa ngục. Quý vị đầu thai vào đường nào, đều quyết định ở một niệm sau cùng, cho nên một niệm sau cùng là A Di Đà Phật, người này sẽ đến thế giới Cực Lạc. Quan hệ lớn nhất là một niệm sau cùng, bình thường niệm Phật, chính là hy vọng đừng quên niệm sau cùng, nguyên nhân chính là như vậy. Sợ bình thường không niệm, sẽ quên niệm sau cùng này, để niệm những thứ khác như ngũ dục lục trần, như vậy rất phiền phức. Ngũ dục lục trần làm dấy khởi lên tham sân si của chúng ta, lại trôi lăn trong luân hồi.

Chúng ta gặp hiện nay là thiên tai nghiêm trọng! Hai độc ở sau trong năm độc, cổ nhân thường lược bớt nó, đặc biệt là người Trung quốc, người Ấn độ không như vậy. Người Ấn độ không sợ phiền phức, người Trung quốc thích đơn giản: Tham sân si mạn nghi, chỉ nói ba điều trước là tham sân si. Năm độc. Ngạo mạn không thể không nhắc nhở, ngạo mạn không phải điều tốt đẹp gì. Khổng tử nói: “Như hữu Chu công chi tài chi mỹ”. Chu công là thánh nhân, tài hoa xuất chúng, thánh đức chiếu soi thế gian, nhà Phật nói chiếu sáng thế gian. Thánh nhân như vậy, đại thánh nhân là người suốt đời Khổng tử sùng bái nhất, khâm phục nhất. Khổng tử cũng rất muốn học theo ngài, nhưng nhân duyên không thành thục, điều này người thế gian gọi là phước báo, khổng tử không có số mạng này. Hay nói cách khác, ông không học được, nếu có duyên rất có thể học được. Ông chu du liệt quốc để tìm nhân duyên này, mười mấy năm đi phỏng vấn bên ngoài, không có vị lãnh đạo quốc gia nào chịu dùng ông. Tiếp kiến và nói chuyện với ông họ đều rất khâm phục, nhưng không ai dùng ông, đây chính là số mạng không có quan ấn, con người không thể không nhận số mạng. Số mạnh không có quan ấn, chỉ được làm tham mưu, làm cố vấn. Nghề này không có thực quyền, con người đều phải nhận chịu số mạng. Mạng của Khổng tử không có quan vận, cũng không có tài vận, nên suốt đời cuộc sống vật chất cũng rất miễn cưỡng, quả đúng là một thư sinh thanh hàn. Ông nói giả như giống cái tài cái mỹ của Chu công, người này như thế nào? Họ ngạo mạn, họ kiêu ngạo, họ tự cho mình thông minh, họ tự đại, khinh mạn người khác. Khổng tử nói, hạng người này không cần nhắc đến, là giả, không phải thật, hoàn toàn là giả. Câu này đáng để cho người đọc sách chúng ta phản tỉnh, tôi có tự đại chăng? Tôi có đố kỵ chăng? Tôi có tâm hiếu thắng chăng? Có muốn thành tựu chăng? Nếu có những ý niệm này thì không phải quân tử, nhà Nho gọi là tiểu nhân, vì sao vậy? Gọi là khuyết đức, họ không có đức, có tài không có đức. Có tài không có đức, thì những gì người này làm trong đời không phải thiện nghiệp. Họ hành thiện nhất định là có lợi cho mình, có danh có lợi. Nếu không có danh không có lợi, họ sẽ không làm. Cũng chính là nói, tiêu chuẩn của những gì họ làm là danh lợi, phù hợp với danh lợi thì tôi làm, không phù hợp thì tôi không làm, dù việc có tốt cũng không làm. Như vậy nghiệp trong đời họ tạo, sau cùng rất có thể là đọa vào ba ác đạo. Chỉ biết lợi nhỏ trước mắt, không quan tâm hậu quả về sau, đây không phải người thông minh, không phải người có trí tuệ. Người có trí tuệ không xem hiện tại, chỉ xem tương lai, một chút lợi hiện tại chẳng là gì cả, phải xem hậu quả.

/ 600