/ 600
452

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 484

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ nhất: “Diệc biểu thập ba la mật, năng thôi thập chủng phiền não, thành thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”. Ở trước chúng ta học đến Viễn hành địa của thập địa, bây giờ xem tiếp thứ tám: Bất động địa.

Lý của chân như, tức tận vô biên tế, đạt được toàn bộ thể của nó, tức chân thường tịch tịnh, không thể dao động. Trong kinh nói, một tâm chân như, là Bất động địa. Bất động địa là địa thứ tám, trong kinh điển đại thừa nói rằng: Bát địa Bồ Tát thật sự thấy được A lại da, cũng chính là tam tế tướng của A lại da. Cũng như khai thị của Bồ Tát Di Lặc: Một khảy móng có 32 ức trăm ngàn niệm. Ai có thể nhìn thấy được? Bát địa trở lên, chính là bát địa, cửu địa, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, năm địa vị này, người của năm địa vị này đều thấy được. Điều này không phải giả, không phải một người nói, chỉ cần công phu tu đến cảnh giới này đều nhìn thấy được. Tức cái gọi là bản năng, năng lực này là bản năng. Trí tuệ là vốn có, năng lực cũng vốn có. Chỉ là chúng ta mê mất tự tánh, khiến trí tuệ và đức năng đều không thể hiện tiền. Tuy trải qua thời gian tu tập rất lâu, đã buông bỏ dần những chướng ngại này, nhưng phải đến bát địa, mới gần như buông bỏ hết, sắp đoạn hết phiền não. Đây là tập khí phiền não không phải phiền não, phiền não đã buông bỏ từ lâu, sơ địa đã buông bỏ.

Từ đó cho thấy, công phu này người bình thường không có được. Lý của chân như chính là tự tánh, tận vô biên tế chính là chứng được viên mãn, đạt được toàn bộ thể của nó, có thể nói là hoàn toàn tương ứng với cảnh giới của Như Lai. Lúc này chân thường tịch tịnh không thể dao động.

Câu này là hình dung tánh thể, bản thể của tự tánh. Đại sư Huệ Năng chứng ngộ, trong câu thứ tư ngài nói rằng: “đâu ngờ tự tánh, vốn không dao động”, chính là cảnh giới này, thấy được tự tánh tịch tịnh bất động. Trong giáo lý đại thừa Đức Phật thường nói, trong chú sơ các bậc tổ sư cũng nói, cảnh giới này là thanh tịnh tịch diệt. Ở đây nói: “Không thể dao động”, còn ngài Huệ Năng nói là: “Vốn không dao động”. Đây là gì? Là tự tánh bổn định. Hay nói cách khác, chân tâm là định, vọng tâm là động. Vọng tâm là gì? Là ý niệm. Quý vị thấy, niệm trước diệt, niệm sau sanh, nên nó là động, chân tâm là bất động. Thế mới biết, tu định quan trọng biết bao. Điều này khiến chúng ta lãnh hội một cách sâu sắc, cương lĩnh chung, nguyên tắc chung của sự tu hành trong Phật Pháp, phương châm chỉ đạo chung chính là tam học giới định tuệ. Giới là gì? Giới là kỹ xảo, giúp ta đạt được định. Định cũng là kỹ xảo, không phải mục đích, mục đích là khai trí tuệ. Do đó chúng ta sẽ biết, mục tiêu cuối cùng của Phật pháp đại thừa là cầu điều gì? Trí tuệ, trí tuệ này không phải từ bên ngoài đến, nó vốn có trong tự tánh.

Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường dạy rằng: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Hay nói cách khác, tâm là năng sanh năng hiện, pháp là sở sanh sở hiện, năng và sở là một không phải hai, năng vốn là bất động. Trên hiện tướng, chúng ta có thể nhìn thấy bất động, như vậy đã nhìn thấy tánh. Tánh là gì? Tánh là bất động, làm sao có thể từ trong động, nhìn thấy bất động? Các bậc tổ đức có công phu này.

Động là tướng, là tánh. Bất động là gì? Bất động là tánh thể. Như bây giờ chúng ta xem ti vi, xem màn hình này. Tướng hiện ra trong màn hình là động, màn hình có động chăng? Bất động. Đích thực màn hình là chân thường tịch tịnh, nó không dao động, động là hình ảnh trong đó. Bất luận động như thế nào, màn hình trước sau vẫn bất động. Màn hình là chân tâm, chính là tự tánh, chính là chân như mà ở đây nói. Chúng ta có thể nhìn thấy màn hình trong hình ảnh trên đó chăng? Không thấy được, chỉ thấy được hình ảnh, hầu như màn hình đã biến mất, không còn nữa. Như vậy là sao? Đang mê.

Người công phu thành tựu, họ nhìn thấy cả màn hình và tướng hiện trên màn hình. Tánh ở đâu? Màn hình là tánh, tánh ở trong tướng, bất kỳ hiện tượng nào đều chưa từng rời màn hình. Người hoạt động trong màn hình, ngay cả tốc độ nhanh nhất như ánh chớp, như máy phóng xạ, đều không rời màn hình, nhưng màn hình trước sau bất động.

/ 600