/ 600
598

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 434

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên Tập: Minh Tâm

Thời gian: 03.06.2001

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học hội_Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 545, hàng thứ ba. Từ câu “Thử hạ minh mang trung thâu nhàn, tinh tấn niệm Phật”, bắt đầu xem từ đây.

Tu học pháp môn Tịnh tông, quan trọng nhất chính là niệm Phật, nên tam bối vãng sanh dạy chúng ta, phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm. Ở phẩm “vãng sanh chánh nhân”, trong này cũng không ngoại lệ. Nhất tâm xưng niệm quan trọng hơn bất cứ điều gì. Đoạn sau cùng trong phẩm này là nói người công việc rất bận rộn, không có thời gian niệm Phật, chỉ có tranh thủ thời gian nhưng phải tinh tấn. Câu này chú trọng sự tinh tấn.

“Tư duy thục kế, dục đắc độ thoát, tức thâm tư thục kế”. Chúng ta thường nói suy nghĩ chính chắn, tương đồng với ý nghĩa này. “Dục thoát sanh tử”, câu này thực tế là quan niệm quan trọng nhất của người tu hành. Chúng ta đích thực hy vọng liễu sanh tử xuất tam giới, đối với lục đạo luân hồi thật sự không còn tham luyến, không còn vướng mắc. Thái độ này vãng sanh rất dễ dàng, thật là vạn người tu vạn người vãng sanh. Phàm là người niệm Phật mà không thể vãng sanh, chính là vấn đề ở câu này. Họ đối với thế gian này còn lưu luyến, không đành buông bỏ. Niệm Phật dù có tốt đến đâu, thậm chí cũng phát tâm đại thừa, tu lục ba la mật, tu phổ hiền thập nguyện, sau cùng cũng đến cõi trời cõi người hưởng phước.

Công đức và phước đức cũng chỉ trong một niệm, một ý niệm xuất thế, dùng tâm này để tu tất cả đều là công đức. Không muốn xuất thế còn muốn luân hồi trong lục đạo, như vậy đều biến thành phước đức, chứ không gọi là làm công đức. Công đức và phước đức sai biệt ở chỗ này, trên sự tướng không nhìn thấy được. Giống nhau nhưng dụng tâm không giống nhau.

Người thật sự có trí tuệ mỗi niệm đều cầu sanh Tịnh độ, không còn tham luyến thế gian này nữa. Tất cả những gì chúng ta tu học đều là công đức, đều giúp chúng ta vãng sanh, nâng cao đến phẩm vị vãng sanh.

“Nguyện dục vãng sanh, xã uế cầu tịnh”, uế độ này chính là thế giới Ta Bà, chính là địa cầu của chúng ta. Cầu tịnh chính là cầu thế giới tây phương Cực Lạc. Phật A Di Đà kiến tạo quốc độ, những đạo lý này ở ngay trước mắt chúng ta, nói rất nhiều, nói rất rõ ràng. Trong kinh Phật nói, hiện nay chúng ta có lý do tin tưởng, nó tuyệt đối không phải là giả, đó là công đức tự nhiên thành tựu.

“Dĩ nhất thiết công đức hồi hướng vãng sanh”, đoạn ác tu thiện, cải tà quy chánh, đều là công đức, không có thứ nào không cầu sanh Tịnh độ. Nhất định không thể có ý niệm tự tư tự lợi, không thể có ý niệm này, nhất định không thể có ý niệm danh văn lợi dưỡng. Tôi đang muốn ở đây cầu danh lợi, như vậy là sai. Chắc chắn phải như Chư Phật Bồ Tát vậy, buông bỏ triệt để, mỗi niệm đều cầu sanh thế giới Cực Lạc. Chỉ có ở thế giới Cực Lạc mới có thể khiến chúng ta nhanh chóng thành tựu. Vì công phu tu học ở thế giới Cực Lạc không bị gián đoạn, người ở thế giới đó, thân thể không giống như thân thể chúng ta. Thân thể này của chúng ta là thân huyết nhục, rất dễ mất đi, đây là tướng phần của A lại da. Thân thể ở thế giới Cực Lạc không phải như vậy, họ đã hoàn toàn thoát khỏi A lại da, thuần chân vô vọng, là thân pháp tánh. Thế giới họ ở là cõi pháp tánh, nên họ là chân thường bất biến, đạo lý chính là ở đây.

Thân pháp tánh không cần ẩm thực, dinh dưỡng từ đâu mà có? Là công đức trong tự tánh, không cần bên ngoài, cho nên người không cần ẩm thực, không cần ngủ nghỉ. Tài sắc danh thực thùy của thế giới Ta Bà, cũng gọi là ngũ dục, ở thế giới Cực Lạc không cần dùng đến, ở đó không có. Đức Thế Tôn ở trong hội này, trong hội vô lượng thọ nói với chúng ta rất rõ ràng. Lý sự đều nói một cách viên mãn, khiến chúng ta đọc rồi, nghe rồi thâm tín không nghi, như vậy mới sanh khởi tin thật nguyện thiết. Chỉ cầu thế giới Cực Lạc, ngoài ra đều không để trong lòng.

Trước đây, khi chúng tôi còn trẻ, theo học Tịnh độ với thầy Lý ở Đài Trung. Thầy thường khuyên chúng tôi nên thay đổi tâm, đổi tâm như thế nào? Hiện tại trong tâm chúng ta vọng niệm rất nhiều, ô nhiễm rất nhiều. Tất cả đều đem nó buông bỏ, để Phật A Di Đà vào trong tâm. Trong tâm ngoài Phật A Di Đà ra thì cái gì cũng không, điều này rất tốt. Như vậy mỗi niệm đều tương ưng với Phật. Cổ đức nói: “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Thật sự tu Tịnh độ, thật sự muốn đến thế giới Cực Lạc nên làm theo cách này, như vậy là đúng. Ở thế gian này tất cả đều tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Không còn so đo tính toán, không còn phân biệt, không có ý niệm khống chế muôn sự muôn vật, không có ý niệm chiếm hữu. Như vậy việc cầu sanh Tịnh độ của chúng ta sẽ được bảo đảm. Đúng như Thiện Đạo đại sư nói: “vạn người tu vạn người đi”, không sót người nào.

/ 600