/ 600
444

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 394

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Nguyên Tâm

Giảng ngày: 4.5.2011

Địa Điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_Hong Kong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin an tọa. Mời quý vị xem "Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải" trang 489, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ hai:

“Đường Hải Đông Nguyên Hiểu sư ư Du Tâm An Lạc Đạo viết: Vô Lượng Thọ Kinh, thuyết tâm bối nhân. Thượng bối chi trung thuyết hữu ngũ câu. Nhất giả xã gia ly dục nhi tác sa môn, thử hiển phát khởi chánh nhân phương tiện. Nhị giả phát bồ đề tâm, thị minh chánh nhân”. Buổi học trước chúng ta học đến chỗ này. Chúng ta xem tiếp dưới đây:

“Tam giả chuyên tâm niệm bỉ Phật, thị minh tu quán”. “Quán” này tức là niệm, thông thường chúng ta nói là quan niệm, quan niệm của phàm phu lục đạo chúng ta đã sai. Thấy sai, niệm cũng sai, trong quan niệm đều không biết được thật tướng của các pháp, không hiểu được chân tướng của tất cả các pháp. Quan niệm sai lầm đầu tiên, là chấp trước thân này là ta, từ chỗ sai này nên sai đến cuối cùng, tất cả đều sai.

Ở trong kinh luận, đâu đâu Phật cũng dạy chúng ta, thân này không phải là ta, tu hành phải bắt đầu từ sự phá chấp. Nếu thật sự hiểu được thân này không phải là ta, cũng chính là thật sự hiểu được thân này không phải là ta, thì chúng ta sẽ không vì thân này mà tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, để chiêu cảm khổ báo trong địa ngục tam đồ, thật là oan uổng. Chúng ta không thể trách người khác, mà là trách quan niệm sai lầm của chúng ta, cho nên phải sửa đổi quan niệm này lại. Phải tin lời Phật dạy là đúng, nhất định không được hoài nghi Phật Bồ Tát, hoài nghi kinh điển, hoài nghi là chúng ta đã sai lầm rất lớn.

Nhưng chúng ta xem thử thế gian này, xem thử chúng sanh trong lục đạo, ai không chấp trước thân này là ta? Tất cả đều chấp trước như vậy. Bây giờ chúng ta đã biết hoàn toàn sai, nếu họ sửa đổi lại quan niệm này, thì họ không ở trong lục đạo, thì họ đã vượt thoát lục đạo. Sở dĩ rơi vào trong lục đạo, là do sự sai lầm này, điều này chúng ta không thể không biết, không được không biết được.

Thân là gì? thân là sở hữu của ta, ví như nói là của ta, là sở hữu của ta, không phải là ta. Như áo quần, mọi người đều biết áo quần không phải là ta, áo quần là của ta, áo quần của ta, áo quần không phải là ta. Thân này có sanh tử, quý vị phải biết, ta không có sanh tử, cái gì gọi là ta? Rất nhiều người cho rằng linh hồn là ta, linh hồn không chết, thân chết rồi, nhưng linh hồn vẫn còn.

Quý vị thử xem trong quyển sách này viết, Khởi Tát Quân Đoàn Đông Chánh Trung Quốc Chi Mê, đây là một quân đội cổ La Mã, rất hùng mạnh, có hơn 10 vạn người, tất cả đều chết ở Trung Quốc. 2 ngàn 1 trăm năm trước, linh hồn của họ bây giờ vẫn còn rất vất vưởng, đã nhập vào một phụ nữ ở Cam Túc, họ đem câu chuyện 2 ngàn 1 trăm năm trước, kể ra rất rõ ràng, rất rành mạch, họ không chết. Hiện tại bản thân họ đã biết sai rồi, thật sự sai rồi, họ chịu quá nhiều khổ nạn, làm du hồn trong quỷ đạo, tức là cô hồn dã quỷ, không có nơi nương tựa, lưu lạc khắp nơi, không có gì để ăn. Trong bộ sách này viết rất hay, cuối cùng gặp được một vị Bồ Tát đến giúp đỡ họ, chúng tôi nghĩ rằng vị Bồ Tát này chắc là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm. Bây giờ nhóm quỷ này đều học Phật, nghe nói một số người được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, họ niệm Phật, biết được pháp môn Tịnh Độ, biết được Phật A Di Đà.

Linh hồn có phải là ta chăng? Trong kinh Phật dạy rằng, linh hồn là một cái ta điên đảo mê hoặc, không thể nói nó không phải là ta, nhưng nó bị mê hoặc, nó không có trí huệ. Có trí huệ thì sẽ không mê hoặc, thì sẽ không đầu thai vào trong lục đạo, rồi làm chuyện oan oan tương báo, không làm những chuyện ngu ngốc như vậy. Trong Phật pháp nói linh tánh là ta. Linh hồn đã giác ngộ, thì không gọi là linh hồn nữa, mà gọi là linh tánh, linh tánh là ta, linh tánh bất sanh bất diệt.

Đại sư Huệ Năng minh tâm kiến tánh, tánh đó hình dạng như thế nào? Ngài trình với hòa thượng Hoằng Nhẫn rằng, thứ nhất, tánh là thanh tịnh, xưa nay không nhiễm ô, vĩnh viễn không ô nhiễm.

Hôm nay chúng ta nói nhiễm ô, ở sau kinh Phật có chữ “nhiễm ô ý”, tức là nói A lại da, Mạt na, ý thức đều có nhiễm ô, linh tánh không nhiễm ô. Linh tánh là chân tâm, là cái ta chân thật. A lại da là giả, là vọng tâm, là cái ta giả chứ không phải cái ta chân thật, cho nên quan niệm này rất quan trọng.

/ 600