/ 600
544

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 316

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 371, hàng thứ 7.

Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà. Thượng minh quốc độ thị y báo. Độ vi thân chi sở y, cố danh y báo. Phật thị năng y, cố danh chánh báo. Phật hữu tam thân. Nhất, pháp tánh thân, giản xưng pháp thân, cư thường tịch quang độ. Nhị, báo thân, cư thật báo trang nghiêm độ. Tam, ứng hoá thân, thường hiện phương tiện hữu dư cập đồng cư đẳng độ. Chúng ta xem qua đại ý giới thiệu một chút.

Trong đạo tràng các vị đồng tu không cố định, có người đến trước người đến sau, nên khi giới thiệu không sao tránh khỏi sự trùng lặp, nhưng trùng lập cũng là ưu điểm. Cổ nhân thường nói: “Đọc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến”, chúng ta không thể trùng lặp đến 1000 lần, nhưng trùng lặp vài lần thì có. Ở đây chúng ta lại gặp tam thân của Phật. Tam thân này trên thực tế chỉ một vị Phật. Thân pháp tánh, gọi tắt là pháp thân. Pháp thân không có hình tướng. Chẳng những không có hiện tượng vật chất mà hiện tượng tinh thần cũng không. Đến hiện tượng tự nhiên cũng không có.

Vì sao gọi nó là thân? Vì nó thực có, chứ chẳng phải không có. Nhưng lục căn của chúng ta không tiếp xúc được. Nó không phải là hiện tượng vật chất, thì tiền ngũ căn của chúng ta không thể tiếp xúc. Ta nhìn không thấy cũng không nghe thấy được. Nghe không được mà tay cũng không chạm đến được. Nó không phải là hiện tượng vật chất, cũng không phải là hiện tượng tinh thần. Nên đệ lục ý thức cũng không duyên tới. Thức thứ sáu, bảy, tám đều không duyên tới. Nó không phải hiện tượng tự nhiên. Tám thức đều không duyên đến nó, nhưng nó tồn tại. Nó ở tại đâu? Ở thường tịch quang. Thường tịch quang là bản thể của tự tánh. Hay nói cách khác pháp thân Phật chính là thường tịch quang, thường tịch quang tức là pháp thân Phật. Nó là tự thể của tất cả pháp. Tất cả pháp là nó sở hiện sở sanh.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói, tất cả pháp trong biến pháp giới hư không giới “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Thường tịch quang tức là tâm, là chân tâm không phải vọng tâm. A lại da là vọng tâm. Chân tâm bất sanh bất diệt vĩnh hằng bất biến. Nên tướng mà nó hiện cũng không thay đổi, cũng là bất sanh bất diệt, chắc chắn không có biến hoá. Vì sao nó hiện tướng? Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói “chúng sanh có cảm Phật liền có ứng”.

Đối với pháp thân Phật, nếu Bồ Tát trong cõi báo có cảm ngài liền hiện ở cõi báo, tức là cõi thật báo trang nghiêm. Cõi phương tiện có cảm ngài liền hiện ở cõi phương tiện. Cõi phương tiện là tứ thánh pháp giới Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, trong mười pháp giới. Chúng sanh trong cõi đồng cư có cảm ngài liền hiện ở cõi đồng cư. Ba ngàn năm trước ở thế giới này của chúng ta, Đức Thế Tôn xuất hiện tại Ấn Độ. Điều này chứng tỏ chúng sanh trên địa cầu này có cảm, địa cầu này là một bộ phận trong cõi phàm thánh đồng cư của Đức Thế Tôn. Cũng chính là nói lục đạo, lục đạo là cõi phàm thánh đồng cư.

Chúng sanh trong cõi đồng cư có cảm ngài liền ở trong cõi đồng cư hiện ứng thân, hoá thân, là ứng hoá thân. Đức Thế Tôn hiện thân bất cứ nơi nào, khi hiện thân nhất định là hiện thân đồng loại. 41 vị pháp thân đại sĩ trú trong cõi thật báo. Báo thân Phật ở trong cõi thật báo, chúng ta biết ngài hiện ra 41 thân khác nhau. Ở cùng với Sơ Trụ thì hện thân Sơ Trụ, cùng với Thập Trụ thì hiện thân Thập Trụ. Nhất định hiện ra thân đồng loại, thân đồng loại rất nhiều. Đức Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu chư vị Bồ Tát ở thế giới tây phương Cực Lạc. Vô lượng vô biên, không cách nào tính đếm được. Đức Phật ở đó giúp họ nâng cao cảnh giới, thông thường chúng ta nói là gia trì họ. Ở cõi phương tiện hay cõi đồng cư cũng đều như vậy.

Đặc biệt là cõi đồng cư, trong cõi đồng cư có lục đạo. Trong lục đạo Đức Phật đều hiện thân. Có trong cõi người, cần lấy thân gì để độ thoát thì ngài liền hiện thân đó. Cần lấy thân Phật để độ thoát ngài liền thị hiện thân Phật để độ. Cần lấy thân Bồ Tát để độ thoát ngài liền thị hiện thân Bồ Tát để độ. Cần lấy thân Tỳ kheo để độ thoát ngài liền thị hiện thân Tỳ kheo để độ. Cần lấy thân cư sĩ để độ thoát ngài liền hiện thân cư sĩ để độ. Nam nữ già trẻ, các ngành các nghề không có nơi nào mà Phật không hiện thân. Đây là sự thật.

/ 600