/ 600
397

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 192

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 11.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị đại sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 224, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Kinh này cũng như vậy, muốn khiến chúng sanh trong mười phương chín giới, cùng nhập vào nhất thừa đại thệ nguyện hải của Phật Di Đà, tất cả hàm linh đều được độ thoát. Cho nên Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai dạy rằng: Bây giờ chính đã phải lúc, ông nên nói đầy đủ, khiến chúng sanh đều hoan hỷ, cũng khiến đại chúng nghe pháp xong đều được lợi ích lớn”. Chúng ta đọc đến đây. Kinh này là bộ Kinh Vô Lượng Thọ, trong này nói cũng là như vậy, đây là ở trước dẫn chứng Kinh Pháp Hoa.

Chúng ta biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một thanh niên rất hiếu học, 19 tuổi từ bỏ vương vị ra đi cầu học, sống đời khổ hạnh tăng. Đương thời tại Ấn độ, về phương diện học thuật, Tôn giáo, có thể nói là đứng đầu trên thế giới, lịch sử này chúng ta cần phải biết. Tất cả Tôn giáo thời đó ngài đều học, tham học qua. Tất cả học phái_những học phái này, đối với ngày nay mà nói, từ phương diện triết học mà nói, là vô cùng cao thâm. Chúng ta chỉ tiếp xúc, nhưng tiếp xúc không nhiều, tiếp xúc với Bà la môn giáo, tiếp xúc với Phệ Đà, đây là một học phái của triết học. Mãi đến hôm nay, trên thế giới vẫn còn rất nổi tiếng, mấy ngàn năm không suy yếu, đặc biệt là Bà la môn.

Lịch sử của Bà la môn có hơn mười ngàn năm, chúng ta có lý do tin nó. Người Ấn độ không coi trọng lịch sử, cho nên không như lịch sử Trung quốc, niên đại ghi chép rất rõ ràng. Bà la môn không có, nó là truyền thuyết, truyền từ đời này qua đời khác. Trong Phật pháp bước đầu bước đầu tu hành Thiền định, tứ thiền bát định là của Bà la môn, đó không phải của Phật giáo, nhưng tu hành trong Phật giáo là dùng tứ thiền bát định làm nền tảng.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni học tập suốt 12 năm, chúng ta có thể tưởng tượng được, người trẻ tuổi hiếu học này. Thời gian 12 năm, ngài học hết tất cả các Tôn giáo học phái đương thời. Ngài quá tuyệt vời, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Ví dụ tứ thiền bát định của Bà la môn giáo, điều này đối với pháp thế gian mà nói, là công phu thù thắng vô cùng. Trong Thiền định không có thời gian và không gian, điều này khoa học hiện nay nói, đã đột phá tầng không gian. Trong Thiền định không có không gian, nghĩa là không có khoảng cách, không có thời gian là không có trước sau. Cho nên thời gian và không gian đều không phải thật, khoa học cận đại đã chứng minh điều này, nhưng họ không biết dùng phương pháp gì để đột phá, không có khoa học kỹ thuật này. Ấn độ cổ họ không có kỹ thuật, họ không dùng kỹ thuật, họ dùng Thiền định, dùng định công để đột phá. Sau khi đột phá tầng không gian này, họ hướng lên trên, có thể nhìn thấy 28 tầng trời. Vì trời từng tầng từng tầng, rất nhiều, không phải đơn giản như thế, họ có thể nhìn thấy 28 tầng trời. Nhìn xuống dưới có thể thấy đến ngạ quỷ, địa ngục. Trong ngạ quỷ, địa ngục cũng rất phức tạp, tất cả đều có thể nhìn thấy. Nghĩa là luân hồi lục đạo là do họ nói, không phải Phật nói, còn sớm hơn Phật mười ngàn năm. Người Ấn độ đã biết, chẳng những một vài Tôn giáo của Ấn độ biết, mà học phái, triết học của họ cũng biết. Tuy biết về nó, nhưng không biết tường tận về nó. Nghĩa là không biết rõ lục đạo từ đâu đến, vì sao có lục đạo? Ngoài lục đạo còn vũ trụ chăng? Như những vấn đề này, đương thời đều không có đáp án, không ai có thể giải đáp, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền từ bỏ. Ngài học suốt 12 năm, không còn gì để học nữa, không còn vị thầy nào giỏi hơn, ngài liền từ bỏ. Sau khi buông bỏ, ngài ngồi thiền dưới cây Tất Bát La bên bờ sông Hằng, nhập sâu vào thiền định. Công phu Thiền định của họ chỉ có tám đẳng cấp, thâm sâu hơn thì mọi vấn đề đều được giải quyết, biết rõ lục đạo từ đâu đến. Vũ trụ bên ngoài lục đạo quá lớn, tuyệt đối không nhỏ như phạm vi của lục đạo, lục đạo giống như một huyện thành, người ở đây xưa nay chưa từng rời khỏi huyện thành. Thế giới này rất lớn, họ đều không nhìn thấy, nhưng sau khi nhập sâu vào Thiền định thì Đức Phật thấy được. Cho nên những vấn đề không giải quyết được đều giải đáp hết.

/ 600