/ 600
422

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 169

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 196, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng:

“Thân Phật có năm loại khác nhau: một pháp thân, hai là báo thân, ba là ứng thân, bốn là hóa thân, năm là đẳng lưu thân”. Bên dưới nói tiếp: “Pháp thân tức tự tánh thân, gọi là Tỳ Lô Giá Na, dịch là biến khắp mọi nơi, là lý thể trung đạo, lìa tất cả tướng và các hý luận, đầy đủ vô biên thanh tịnh công đức, đây là cảnh giới giữa Phật và Phật”.

Hôm qua chúng ta học đến đây, năm danh từ của thân Phật này hàm nghĩa rất sâu sắc, đặc biệt là loại thứ nhất -pháp thân. Chúng ta cũng nghĩ, ở đây đem nhận xét của cổ đức về pháp thân, họ đều căn cứ kinh luận, có nhiều cách nói khác nhau. Từ đây chúng ta có thể nghĩ đến, đương thời lúc Đức Thế Tôn giảng kinh, trong tất cả các kinh ngài nói, nghĩa thú không tương đồng. Nguyên nhân này chúng ta có thể lãnh hội được, là do thính chúng khác nhau. Trình độ thính chúng cao ngài giảng sâu sắc, trình độ thính chúng thấp ngài nói cạn hơn. Nhưng quan sát tường tận, nói cạn hay sâu ý nghĩa đều tương đồng, nói rộng hay nói lược cũng đều không hai. Ở đây chúng ta tường tận lãnh hội được, có thể từ từ lý giải chân thật nghĩa mà Đức Phật nói. Những tài liệu này áp dụng trong Thật Dụng Phật Học Từ Điển.

“Pháp thân, là chân thân của Phật, giải thích tên này”, nghĩa là giải thích danh từ này. “Hai tông Tánh Tướng có nghĩa khác nhau”, nghĩa là cách nói của Tánh Tông và Tướng tông không giống nhau. “Tướng Tông căn cứ Duy Thức Luận”, là căn cứ Thành Duy Thức Luận. “Nói pháp thân có hai loại, là tổng tướng pháp thân và biệt tướng pháp thân. Tổng tướng pháp thân, kiêm hai pháp lý và trí, như như và như như trí trong Kinh Kim Quang Minh, ý nghĩa tương đồng với pháp thân”, nghĩa tương đồng.

Ở đây chúng ta nói sơ qua một chút, hai pháp lý và trí. Lý trong Tánh tông gọi là pháp tánh, trí là trí tuệ bát nhã vốn có trong tự tánh. Dùng danh từ của Pháp tướng tông để nói, tâm pháp mỗi loại có bốn phần. A lại da, Mạt na, Ý thức cho đến tiền ngũ thức đều có bốn phần: Tự chứng phần, chứng tự chứng phần, kiến phần và tướng phần, đều có bốn phần này. Trong bốn phần này, tự chứng phần là lý, chứng tự chứng phần là trí. Ta làm sao để tự chứng? Đương nhiên có trí, không có trí không thể chứng được. Tự chứng phần là thể, lý thể. Chứng tự chứng phần là giác, là bản giác. Biết rằng có thể, thể này chính là lý, ở đây gọi là lý. Lý thể, nó không phải hiện tượng, không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Nói cách khác, chỉ có chứng tự chứng phần có thể chứng được, chứng tự chứng phần là trí tuệ bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh. Đối với vấn đề này rõ ràng minh bạch, không phải tri thức có thể đạt được. Vì sao vậy? Vì phạm vi của tri thức là từ bát thức sanh ra.

Lý là tự tánh chân như, trong Kinh Kim Quang gọi là như như. Nhất định phải có như như trí, mới có thể chứng được như như, như như là lý thể. Khi nào mới chứng được? Trong Tướng tông nói: “Chuyển A lại da thức thành đại viên cảnh trí”. Chúng ta biết đại viên cảnh trí chính là như như trí, như vậy là chứng được. Trong Thiền tông gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Tánh là gì? Tánh ở đây gọi là lý thể, kiến tánh nghĩa là như như trí, không có như như trí làm sao có thể kiến tánh? Điều này trong tự tánh vốn có.

Cổ nhân có một ví dụ, ví lý giống như ngọn đèn, lý thể này ví như ngọn đèn; ví như như trí giống như ánh sáng ngọn đèn. Sau khi đốt đèn lên, ánh sáng ngọn đèn này chiếu soi chính mình. Dùng phương pháp này, phương pháp này cũng rất ý nghĩa. Từ đây chúng ta tỉ mỉ lãnh hội được, nó không phải ánh sáng bên ngoài, nó là ánh sáng chình mình phóng ra. Cũng chính là Lục Tổ Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, đầy đủ nghĩa là trong Kinh Hoa Nghiêm nói: tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Họ đầy đủ, đầy đủ trí tuệ. Ở đây nói về trí, đầy đủ đức, đức là năng lượng, tướng là tướng hảo. Dùng mấy chữ này tiêu biểu trong tự tánh đầy đủ tất cả pháp, vô cùng viên mãn nhưng nó không hiển lộ. Nó không có gì cả, nhưng có thể hiện ra bất kỳ điều gì. Nếu nó không đầy đủ, nó từ đâu hiện ra?

/ 600