/ 600
773

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 102

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười tám, dòng thứ năm từ dưới đếm lên, đọc từ chỗ “Hựu Chân Giải”.

  “Hựu Chân Giải cứ tùng quả hướng nhân nghĩa, thích vân: Như Lai nhất thiết công đức bảo tạng, Phật quả công đức dã. Thử chi công đức đại bảo hải, thuyết ngôn Phật pháp tạng, tức thị Phật sở đắc Nhất Thừa dã” (Lại nữa, sách Chân Giải dựa theo ý nghĩa từ quả hướng đến nhân, nên giải thích như sau: “Kho báu hết thảy công đức của Như Lai chính là công đức nơi Phật quả. Biển cả các thứ vật báu công đức ấy được gọi là Phật pháp tạng, chính là pháp Nhất Thừa do Phật đã đạt được”). Đây là đoạn văn trích từ sách Chân Giải. Người Trung Quốc nói “chư Phật Như Lai thả chiếc bè Từ”, cũng có nghĩa là các Ngài đã thành Phật rồi, vì độ chúng sanh mà lập phương tiện, chẳng dùng thân Phật, vì sao? Phật ở địa vị thầy, học trò nhất định phải tôn trọng thầy, đó là “tôn sư trọng đạo”. Nếu học trò nghiệp chướng rất nặng, tập khí rất nhiều, chẳng biết hiếu thuận cha mẹ, mà cũng chẳng biết tôn kính sư trưởng, lúc đó, Phật độ kẻ ấy như thế nào? Chắc chắn Phật chẳng dùng đến thân phận Phật, mà dùng thân phận Bồ Tát. Thân phận Bồ Tát rất nhiều, như trong phẩm Phổ Môn đã giới thiệu ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, trừ thân Phật ra, những thân khác đều là phương tiện thiện xảo. Nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy, chẳng có mảy may câu thúc nào! Đúng là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức” nên mới có thể lợi ích chúng sanh. Từ chỗ này cũng khiến cho chúng ta thấu hiểu: Chư Phật, Bồ Tát từ bi chân thật, xác thực là các Ngài chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, hoàn toàn thuận theo tâm ưa muốn của chúng sanh, tùy thuận tập khí phiền não của chúng sanh. Do vậy, Phật, Bồ Tát muốn độ súc sanh, nhất định hiện thân súc sanh, muốn độ ngạ quỷ nhất định hiện thân ngạ quỷ. Chẳng phải là thân đồng loại sẽ chẳng dễ tiếp xúc; do vậy, Ngài nhất định phải hiện thân đồng loại. Đó là “từ quả hướng tới nhân”, dùng ý nghĩa này để giải thích “Phật pháp tạng”.

  “Như Lai nhất thiết công đức bảo tạng” là nói về tự tánh. Tự tánh của chúng ta vốn trọn đủ vô lượng vô biên công đức, “bảo tạng” là tỷ dụ. Nếu người thế gian có được kho báu (bảo tạng), sẽ có nhiều của cải, chẳng hứng chịu nỗi khổ bần cùng, mang ý nghĩa này. “Bảo” (寶: của báu) có tác dụng, giúp chúng ta đạt được lợi ích thù thắng, công đức vốn trọn đủ trong tự tánh cũng mang ý nghĩa này. Công đức trong tự tánh khai phát, đó là phước huệ viên mãn. Không chỉ là trí huệ viên mãn, mà phước báo cũng viên mãn, cho nên gọi là “bảo tạng”. Câu kế tiếp là “Phật quả công đức dã” (là công đức nơi Phật quả), Bồ Tát chứng đạt quả vị rốt ráo, chứng đắc Phật quả rốt ráo viên mãn, trọn đủ công đức nơi quả địa, các công đức trong tự tánh đều khởi tác dụng viên mãn. “Thử chi công đức đại bảo hải, thuyết ngôn Phật pháp tạng” (biển cả các thứ báu công đức ấy được gọi là Phật pháp tạng), công đức nơi quả địa được gọi là Phật pháp tạng. Phật pháp, kho báu Phật pháp, “tức thị Phật sở đắc Nhất Thừa dã” (chính là Nhất Thừa do Phật đạt được), Ngài chứng đắc pháp Nhất Thừa, [đó là] Nhất Thừa viên mãn. Nhất Thừa là Phật Thừa, Đại Thừa là Bồ Tát Thừa, Tiểu Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, ở đây là nói đến pháp viên mãn rốt ráo.

  “Chân Giải chi thuyết, hiển hội trung chư Bồ Tát giai thị đại quyền thị hiện” (Thuyết của sách Chân Giải đã chỉ rõ các Bồ Tát trong hội đều là bậc đại quyền thị hiện). Tác phẩm chú giải kinh Vô Lượng Thọ của thiền sư Đạo Ẩn người Nhật có tựa đề là [Vô Lượng Thọ Kinh] Chân Giải. Qua lời giải thích trong câu này, Sư đã chỉ rõ trong hội ấy của đức Thế Tôn tại Linh Sơn thuở đó, các vị Bồ Tát tham dự pháp hội số tới một vạn hai ngàn người đều là bậc Đại Quyền Thị Hiện, đều là chư Phật, Bồ Tát hiện đến, đều là Pháp Thân đại sĩ thị hiện, [do vậy gọi] là “tùng quả hướng nhân” (từ quả hướng đến nhân). Những vị ấy “dĩ nhập Như Lai Nhất Thừa quả hải” (đã nhập biển quả Nhất Thừa của Như Lai), Như Lai là tự tánh. Tự tánh vốn tự trọn đủ trí huệ và đức tướng, ở đây gọi là “Như Lai Nhất Thừa quả hải” đều được chứng đắc rốt ráo viên mãn. “Đản bất xả nhân hạnh” (nhưng chẳng bỏ các hạnh [đã hành] trong khi tu nhân), “nhân” (因) [ở đây] là chưa chứng quả, giống như trong hiện thời chúng ta đều đang thuộc nhân địa (đang tu nhân). Nhân địa: Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi [chứng đắc] Đẳng Giác đều là nhân, Diệu Giác mới là quả vị. Chư Phật Như Lai tuy đã ở địa vị Diệu Giác vẫn chẳng bỏ nhân hạnh (hạnh trong khi tu nhân), đến giúp Thích Ca Mâu Ni Phật, đến làm một đứa học trò tu học hòng nêu gương tốt đẹp, các Ngài làm gương cho chúng ta, được gọi là Ảnh Hưởng Chúng trong đại chúng. “Cố lai hội tán trợ Thích Tôn” (nên đến pháp hội giúp đỡ đức Thích Ca), giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa hết thảy chúng sanh, đến như vậy đó! Chúng ta học “nhập Phật pháp tạng” tới đây!

/ 600