/ 600
856

 

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 71

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 06 tháng 07 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang sáu mươi mốt, hàng thứ tư.

7. Bộ Loại Sai Biệt

Đoạn cuối của mục thứ sáu nói về phân giáo. Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ, đưa ra lời dạy của chư vị tổ sư để dẫn chứng. Ý nghĩa này vô cùng thâm sâu. Khi chưa giác ngộ, chúng ta thấy có tướng sai biệt trong bình đẳng. Ai thấy như vậy? Hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, đều không ngoại lệ. Sau khi giác ngộ, trong tướng sai biệt sẽ thấy được tướng bình đẳng. Hai câu này trong kinh đức Phật có nói. Trong kinh Kim Cang nói rằng: “thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ”. Thị pháp là tất cả pháp. Tất cả pháp thật sự là bình đẳng. Là thể bình đẳng, thể tự tánh thanh tịnh viên minh, hiện ra. Tướng cũng bình đẳng, dụng cũng bình đẳng. Thấy được tướng bình đẳng  trong muôn ngàn sai biệt. Giống như những điều Bồ Tát Di Lặc nói, ngài nói về tất cả hiện tượng. Một khảy móng tay có ba mươi hai ức bá thiên niệm, niệm niệm thành hình, hình giai hữu thức.

Từ đây cho thấy, nếu quí vị nhìn mỗi niệm, nó sinh ra hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, hầu như là sinh diệt đồng thời, hầu như đều là sanh diệt đồng thời. Nói cách khác, giống như kinh Kim Cang nói: “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, cho nên thể-tướng-dụng đều bất khả đắc, bất khả đắc ở đây là bình đẳng.

Suốt 49 năm đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, trong đó có 22 năm đức Phật nói về Bát Nhã, 22 năm. Bát Nhã là gì? Là trí huệ chân thật vốn sẵn có trong tự tánh. Nói thiệt, đó là vĩnh hằng, bất sanh bất diệt mới là chân thật. Có hiện tượng sanh diệt thì không phải là chân thật. Trí huệ bát nhã và đức tướng trong tự tánh, bát nhã chính là trí huệ. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có đầy đủ, không ngoại lệ, hữu tình chúng sanh có đầy đủ, vô tình chúng sanh cũng có đầy đủ. Hoa cỏ cây cối, sơn hà đại địa, hiện tượng của đại tự nhiên, không có gì là chẳng đầy đủ. Đây là chư pháp thật tướng, nghĩa là chân tướng của các pháp. Đức Phật đã nói điều này một cách rõ ràng.

Chư vị tổ sư phân giáo,  bộ Đại Thừa Vô Lượng Thọ kinh này, trong tứ giáo tạng- thông- biệt- viên của tông Thiên Thai, chư vị tổ sư phân nó thuộc viên giáo. Trong ngũ giáo tiểu- thỉ-chung- đốn- viên của tông Hiền Thủ, cũng phân là viên giáo. Chẳng những là viên giáo mà còn là đốn giáo. Vì sao là đốn giáo? Bởi một đời thành tựu, không cần chờ đến kiếp thứ hai, trong một đời có thể chứng được cứu cánh viên mãn. Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn.

Chúng ta xem đoạn thứ bảy- bộ loại sai biệt. Đầu tiên giới thiệu sơ lược qua, vì sao có đoạn này. Lý do chính là vì thâm cứu bổn kinh. Nếu muốn nỗ lực nghiên cứu, để hiểu rõ về bộ kinh này, thì cần nên biết, đồng bộ, đồng loại kinh luận.

Tất cả kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, những bộ kinh nào đồng bộ với kinh này, những bộ kinh nào đồng loại với kinh này. Và  những điển tích đới thuyết về tịnh độ, để tiện cho việc tham cứu.

Trong đại thừa giáo thường gọi là tham cứu. Nghiên nghĩa là nghiên cứu, trên thực tế ha chứ này có thể thông dụng, nói tham cứu cũng được, nói tham nghiên cũng được, cùng một ý nghĩa thôi.

Người đời, nếu thâm nhập nghiên cứu một học thuật, một môn học, thông thường đều là nghiên cứu. Dùng phương pháp nào để nghiên cứu? Dĩ nhiên phải dụng tâm rồi. Tâm ở đây là tâm ý thức, thông thường gọi tâm này là phân biệt chấp trước. Phân biệt là thức thứ sáu, chấp trước là thức thứ bảy, gọi là tâm thức. Trong giáo pháp đại thừa nói tâm thức không phải là chân tâm, nhưng công năng của nó rất lớn, dùng tâm thức. Tâm sở của thức thứ sáu, trong Bách Pháp Minh Môn Luận nói, có 51 tâm sở, thức thứ sáu đều tương ưng hết. Hầu như không có pháp nào chẳng nằm trong phạm vi nghiên cứu của nó. Nó có năng lực hiểu rõ ràng minh bạch.

Chúng ta thấy các nhà khoa học, triết học trên thế giới hiện nay, phạm vi và kết quả nghiên cứu của họ, có thành tích tương đối khả quan. Nhưng nghiên cứu thì không thể duyên đến tự tánh. Bản thể mà triết học nói, không thể duyên đến, cho nên rốt cuộc bản thể là gì, đến nay vẫn là một vấn đề lớn.

/ 600