/ 600
1.217

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 17

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

Xin xem Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười sáu, dòng thứ tư đếm từ dưới lên.

  “Đại thánh thùy từ, đặc lưu thử kinh” (Đức đại thánh rủ lòng Từ, đặc biệt lưu lại kinh này). “Kinh vân: Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh, chỉ trụ bách tuế, kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” (Kinh dạy: “Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta do lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm, có các chúng sanh gặp được kinh này, tùy theo sở nguyện đều được độ”). Chúng ta xem đoạn này. “Kinh vân”: Phẩm bốn mươi lăm, tức phẩm Độc Lưu Thử Kinh (riêng lưu lại kinh này) trong kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn nói như vậy. “Đương lai chi thế” là nói về tương lai, trong thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài thuyết pháp đã nói tới tương lai, thời gian tương lai ấy rất xa. Sáng nay, tôi đã nhận lời mời tham dự chuyên mục phỏng vấn của đài truyền hình Phượng Hoàng, đề tài cho lần phỏng vấn này là [thảo luận về vấn đề] tai nạn. Có thể thấy là hiện thời, trong ngoài nước vấn đề này đều được phổ biến coi trọng. Trước đây, chúng tôi ở ngoại quốc rất ít bàn tới vấn đề này. Năm nay, tôi tham dự cuộc phỏng vấn năm tôn giáo tại Úc, bàn tới vấn đề này, họ hỏi chúng tôi: “Phật giáo có cách nhìn như thế nào đối với vấn đề này? Dùng phương pháp gì để đối phó?” Sáng nay, cuộc phỏng vấn của đài [truyền hình] Phượng Hoàng cũng nhằm bàn thảo chủ đề này. Người ngoại quốc nói tới Tận Thế, người Trung Quốc không nói. Quả thật mấy ngàn năm qua, Trung Quốc là đời thái bình hưng thịnh, là đất nước bình trị trên toàn cầu, được mọi người hết sức tôn trọng, kính phục. Trong Phật pháp càng chẳng có tận thế. Đức Phật nói: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận” (Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết), tức là trong pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, đến cuối cùng kinh điển nhà Phật cũng bị tiêu mất trên thế gian này. Lúc nào vậy? Kinh dạy chúng ta, Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật là một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp là một vạn năm; vì thế, pháp vận là một vạn hai ngàn năm. Nói theo cách bây giờ, sự giáo hóa của đức Thế Tôn có sức ảnh hưởng trong một thời gian dài như thế. Về không gian, nhục nhãn của chúng ta có thể thấy toàn bộ địa cầu, nhưng nhục nhãn chúng ta chẳng thấy được [sức giáo hóa của đức Phật trọn khắp] những chiều không gian khác biệt, [những chiều không gian ấy] thường được gọi là “mười pháp giới”. Vì thế, [pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật] tồn tại trong thời gian dài như thế.

  Trong chín ngàn năm của thời Mạt Pháp, Mạt Pháp đã trôi qua một ngàn năm rồi; trong chín ngàn năm ấy, pháp vận của Phật có lúc hưng, lúc suy. Trên thực tế, hưng hay suy không phải do Phật, mà cũng chẳng phải do Pháp, mà do con người có tin tưởng giáo huấn của Phật Đà hay không? Có chịu thật sự tu tập hay không? Nếu chúng ta tin sâu, chẳng nghi ngờ, sốt sắng y giáo phụng hành, [pháp vận] sẽ là thời Chánh Pháp, quý vị chắc chắn có thành tựu trong một đời này. Trong Tịnh Tông, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chứng quả, là thành tựu, lại còn là thành tựu viên mãn. Kinh này đã giảng rất rõ ràng, rất minh bạch, đấy chính Chánh Pháp. Kinh giáo diệt tận, nói thật ra, một bộ kinh này đại diện trọn vẹn hết thảy các pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, vì sao? Hết thảy các pháp đến cuối cùng đều quy vào Tịnh Độ, vậy thì Tịnh Độ há chẳng phải là hết thảy các pháp ư? Đức Phật đặc biệt từ bi, đến cuối cùng, lưu lại kinh này một trăm năm. Trong một trăm năm cuối cùng của thời Mạt Pháp, bản nào [sẽ được lưu lại]? Chắc chắn là bản đang dùng hiện tại này! Chắc chắn là kinh và chú giải, tức là bản chú giải kinh này của cụ Hoàng Niệm Tổ, sẽ được lưu lại đến cuối cùng trong thời Mạt Pháp. Sau một trăm năm ấy, kinh này cũng chẳng còn, chẳng tồn tại trên thế gian này nữa, vẫn còn có sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”, ai có thể nghe danh hiệu này, cũng có thể tin, niệm, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì vẫn có thể thành tựu. Đức Như Lai quả thật từ bi vô tận, thương xót chúng sanh trong thế giới Sa Bà. Sau khi đức Phật diệt độ, sau khi Phật pháp diệt sạch trên thế gian này, chúng ta biết đại nguyện của hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ, được vui, chẳng bỏ chúng sanh. Hiện thời, đức Phật chẳng tại thế, nhằm lúc đức Phật chẳng tại thế, Địa Tạng Vương Bồ Tát thay mặt đức Phật trong thế gian này, thay Phật hóa độ chúng sanh; đây là giai đoạn không có Phật xuất thế, giai đoạn này thời gian rất dài. Di Lặc Hạ Sanh Kinh nói phải chờ suốt năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, vị Phật tiếp theo là Di Lặc Bồ Tát mới đến thị hiện thành Phật trong thế gian này giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, dùng tám tướng thành đạo để thị hiện thành Phật, thế gian này lại có Phật thuyết pháp. Do vậy, chúng ta phải biết: Trong thế gian này, thời gian có Phật xuất thế chẳng dài! Tuy là một vạn hai ngàn năm, chúng ta thoạt nhìn [tưởng chừng] rất dài, nhưng trong không gian và thời gian vô tận thì một vạn hai ngàn năm rất ngắn!

/ 600