/ 600
12.193

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 1

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

 

Thưa chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống.

Ngày hôm nay nhằm tiết Thanh Minh Âm lịch, chúng tôi chọn ngày hôm nay để bắt đầu giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Đối với mọi người, danh xưng này dường như rất xa lạ, nhưng các vị đồng tu đã lâu trong nhà Phật biết Tịnh Độ Đại Kinh là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ hiện thời có chín phiên bản khác nhau, bản được chúng tôi chọn lựa chính là bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Sắp theo thứ tự triều đại trước sau, bản này là bản cuối cùng, là bản thứ chín. “Giải” (解) là chú giải, do đệ tử cụ Hạ là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải. Duyên khởi này cũng rất chẳng thể nghĩ bàn! Trong giáo pháp Đại Thừa, cũng như trong Phật môn, [mọi người] đều cảm thấy kinh Vô Lượng Thọ rất hy hữu. Vì sao? Vì thuở đức Thế Tôn tại thế, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm; trong bốn mươi chín năm, Ngài đã giảng khá nhiều kinh luận, [các kinh luận khác] lão nhân gia chỉ giảng một lần, chẳng hề giảng trùng lặp, chỉ riêng kinh Vô Lượng Thọ được giảng trùng lặp mấy lượt. Đối với sự phiên dịch tại Trung Quốc, từ Dịch Kinh Mục Lục, chúng ta thấy kinh này có mười hai bản dịch, được phiên dịch nhiều lần nhất. Từ triều Hán cho đến triều Tống, trong vòng tám trăm năm, dịch mười hai lần. Lẽ đương nhiên, nếu cùng một bản gốc, tuy có nhiều bản dịch, đương nhiên văn tự trong các bản dịch ấy khác nhau, nhưng nội dung chắc chắn là đại đồng tiểu dị. Như kinh Kim Cang có sáu bản dịch, từ Đại Tạng Kinh, chúng ta có thể thấy sáu bản dịch ấy có cùng một nguyên bản (bản gốc), cũng có nghĩa là đức Thế Tôn chỉ giảng [kinh Kim Cang] một lần. Kinh Vô Lượng Thọ rất lạ lùng, những bản dịch sai biệt rất lớn. Chỗ rõ ràng nhất, mà cũng là phần trọng yếu nhất trong kinh này, chính là bổn nguyện của A Di Đà Phật. Hiện tại, chỉ còn lại năm bản trong mười hai bản dịch, đã thất truyền bảy bản. Hiện thời, trong Đại Tạng Kinh có mục lục [ghi tựa đề của các bản dịch ấy], nhưng không có văn bản. Đây là chuyện rất đáng tiếc nuối!

  Trong năm bản dịch gốc còn được lưu truyền, hai bản ghi bốn mươi tám nguyện, hai mươi bốn nguyện cũng được ghi trong hai bản, còn bản dịch đời Tống chép ba mươi sáu nguyện, sai biệt quá lớn! Nếu bảo nguyên bản chỉ có một loại, chắc chắn không thể nào có sự sai biệt này. Đó là chuyện chẳng thể xảy ra được! Do vậy, từ chỗ có ba loại bổn nguyện sai biệt, cổ đại đức phán đoán: Đối với bảy bản dịch đã thất truyền, do không biết nội dung [nên chẳng dám bàn tới], từ năm bản dịch này, khẳng định đức Thế Tôn tối thiểu giảng [kinh Vô Lượng Thọ] ba lần. Ba lượt nói bổn nguyện của A Di Đà Phật, đức Thế Tôn nói các điều nguyện không giống nhau, nên mới có sai biệt. Dự đoán này rất hợp la-tập (logic), bọn chúng ta cũng đều có thể chấp nhận. Nhiều lần tuyên giảng đâu phải dễ! Nếu không phải là hết sức trọng yếu, đức Thế Tôn chẳng thể tuyên giảng nhiều lượt. Trong Đại Tạng Kinh, gần như chẳng tìm được dấu vết [những bộ kinh khác] được tuyên giảng nhiều lần. Sở dĩ, thuở còn tại thế, đức Phật đã tuyên giảng bộ kinh này nhiều lần, vì đây là một bộ kinh vô cùng trọng yếu. Nhất là chúng ta thấy Thiện Đạo đại sư đã nói hai câu, ngài Thiện Đạo là người đời Đường, theo truyền thuyết Ngài là A Di Đà Phật tái lai, lời ngài Thiện Đạo nói chính là lời A Di Đà Phật nói! Ngài dạy: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Sở dĩ đức Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ vì muốn nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà), có nghĩa là nói: Thập phương chư Phật thị hiện trong thế gian [chỉ vì nguyên nhân này]. Qua phẩm Hoa Tạng Thế Giới và phẩm Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy vũ trụ quan của nhà Phật (Triết Học hiện đại bảo [nội dung những điều được nói trong hai phẩm kinh trên đây] là vũ trụ quan nhà Phật) quá lớn! Các nhà thiên văn học hiện thời chưa đạt tới cảnh giới này. Nói theo Phật giáo, sự quan sát và lý giải của các nhà thiên văn học vẫn chưa thể thoát khỏi thế giới Sa Bà.

  Chúng tôi học kinh giáo nhiều năm như thế, thấy hầu hết các vị đại đức tiền bối đã sớm cho rằng một đơn vị thế giới nói trong kinh Phật là địa cầu. [Kinh nói] mặt trời xoay vòng quanh núi Tu Di (Sumeru), rất nhiều người hiểu lầm, nghĩ núi Hỷ Mã Lạp Nhã (Himalaya) là Tu Di Sơn. Sau này, khoa học chứng minh địa cầu hình tròn nên gọi là “địa cầu”, chẳng khác gì các ngôi sao trên trời, cũng không thể coi là quá lớn được! Địa cầu xoay quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời xoay quanh địa cầu. Họ biết có Thái Dương Hệ (Solar system), mặt trời xoay quanh hệ Ngân Hà (Galaxy), nhưng chúng ta không có cách nào xoay chuyển quan niệm này! Tu Di Sơn ở đâu? Chắc chắn Tu Di Sơn chẳng ở trên địa cầu. Phật pháp hình dung Tu Di Sơn bằng danh xưng Diệu Cao, chúng ta có thể hiểu chữ Cao, nhưng Diệu rất khó hiểu. Chúng tôi vốn nghĩ [một đơn vị thế giới trong kinh Phật] là một cõi Phật, tức là phạm vi giáo hóa của một vị Phật, giống như các khoa học gia hiện thời bảo là một “hệ Ngân Hà”. Kể từ năm 1986, tôi kết duyên, quen biết lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Thuở ấy, hai người chúng tôi vô cùng vui sướng, vì hoằng dương bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư vốn chỉ có hai người bọn tôi. Cụ giảng bộ kinh này trong nước, tôi giảng bộ kinh này tại hải ngoại. Chúng tôi gặp mặt, cụ Hoàng nêu lên vấn đề này, cho tôi biết: Một đơn vị thế giới trong kinh Phật chẳng phải là Thái Dương Hệ, mà là hệ Ngân Hà. Trung tâm của hệ Ngân Hà là “hắc động” (black hole), Tu Di Sơn phải là hắc động. Sự cao lớn của hắc động chúng ta có thể hiểu được, nhưng cho đến hiện thời, vẫn chưa có ai có thể lý giải tình trạng thật sự của hắc động, chỉ biết là nó có sức hút rất lớn, ngay cả ánh sáng cũng không có cách nào xuyên qua, đều bị nó hút mất. Nó là cốt lõi của hệ Ngân Hà, tất cả các tinh cầu đều xoay quanh cái lõi này. Cổ nhân Trung Quốc gọi nó là Hoàng Cực (Ecliptic Pole), hệ Ngân Hà mới là một đơn vị thế giới. Một ngàn đơn vị thế giới gọi là một “tiểu thiên thế giới”. Đó chính là một ngàn hệ Ngân Hà, một tiểu thiên thế giới đấy! Lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn tiểu thiên thế giới gọi là “trung thiên thế giới”, một ngàn trung thiên thế giới gọi là một “đại thiên thế giới”. Một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ Ngân Hà? Mười ức hệ Ngân Hà. Các nhà thiên văn học hiện tại chưa thể quan sát [điều này]; đây là khu vực giáo hóa của một đức Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói có vô lượng vô biên thế giới như vậy trong vũ trụ. Nói đến “thế giới Hoa Tạng” thì thế giới Hoa Tạng giống như một cao ốc có hai mươi tầng, thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc đều thuộc tầng thứ mười ba. Lại chẳng biết có bao nhiêu thế giới giống như thế giới Hoa Tạng! Đấy là thế giới quan của Phật pháp, thế giới đồ sộ, quả thật chẳng thể nghĩ bàn được!

/ 600