/ 28
367

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 4

 

Xin mở kinh bổn, xem trang hai mươi hai.

Trong phần Sao, chúng ta thấy “thất phiên cộng giải” (七番共解) của tông Thiên Thai. Đây là phương thức giảng kinh của họ. “Thất phiên” (七番) là bảy tiểu đề mục, mỗi tiểu đề mục đều rất rõ ràng: Một là tiêu chương (標章), hai là dẫn chứng (引證), ba là sanh khởi (生起), bốn là khai hợp (開合), năm là liệu giản (料簡), sáu là quán tâm (觀心), bảy là hội dị (會異)[1]. Bảy tiểu đề (đề mục nhỏ) này, thứ nhất là “tiêu chương, linh dị ức trì, khởi niệm tâm cố” (nêu tên gọi của một chương để [người đọc] dễ nghĩ nhớ, nhằm dấy lên niệm tâm vậy), mục đích ở chỗ này. “Tiêu” là tiêu thị (標示: nêu bày), “chương” là chương đề (章題: tựa đề của một chương, tức là chủ đề chánh yếu, hay còn gọi là tông chỉ của một chương). “Dẫn chứng, cứ Phật ngữ, khởi tín tâm cố” (Dẫn chứng: Nêu ra chứng cứ bằng lời Phật dạy hòng khởi tín tâm). Nêu rõ tông chỉ của một chương thì nhất định phải có chứng cứ, phải có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện; nhất định là căn cứ trên kinh điển, tín tâm của chúng ta mới có thể phát sanh. “Sanh khởi, sử bất tạp loạn, khởi định tâm cố” (Sanh khởi là khiến cho chẳng tạp loạn, định tâm được sanh ra). “Dư tam” (Ba điều còn lại), tức là các điều thứ tư, thứ năm, thứ bảy. Điều thứ tư là Khai Hợp, điều thứ năm là Liệu Giản, điều thứ bảy là Hội Dị, có mục đích là “khởi huệ tâm cố” (khiến cho huệ tâm sanh khởi). [Điều thứ sáu là] “Quán tâm, tức văn tức hành, khởi tấn tâm cố” (Quán tâm là vừa nghe liền hành, khởi tâm tinh tấn), đây là tâm tinh tấn. Trong bảy tiểu khoa ấy, có năm thứ tâm là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ. Vì thế, Ngài kết luận: “Cố ngũ tâm lập, thành ngũ căn, bài ngũ chướng, thành ngũ lực, nãi chí nhập tam giải thoát, kim sớ tùng lược, cố chú vân vân” (Do đó, năm tâm được lập để thành tựu năm căn, trừ năm chướng hòng thành tựu năm lực, cho đến nhập ba môn giải thoát. Nay lời sớ tỉnh lược, nên [trong lời Sao] phải chú giải những điều như thế). Hiện thời, từ bản Đại Sớ[2], quý vị sẽ thấy tường tận những điều ấy; ở đây, những khoa mục tỉ mỉ đều tỉnh lược, nhưng chúng ta phải hiểu: Mục đích [lập ra bảy điều như thế] của Ngài (tổ Trí Giả) là nhằm bồi dưỡng năm căn Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, hy vọng năm căn có thể tăng trưởng thành năm lực thì mới có thể tiêu nghiệp chướng. Đây là nêu lên mục tiêu của Ngài.

Chúng ta xem phần kế tiếp là phần giải thích tầng thứ nhất trong năm tầng Huyền Nghĩa. “Đệ nhất Thích Danh giả” (thứ nhất là giải thích tên kinh). Tông Thiên Thai vừa mở đầu liền giảng tựa đề kinh. “Nhất thiết chúng kinh, giai hữu thông biệt nhị danh, Thông tắc Kinh chi nhất tự, Biệt tắc hữu thất, hoặc đơn nhân, pháp, thí, hoặc phức, hoặc cụ” (Hết thảy các kinh đều có Thông Đề và Biệt Đề. Thông là một chữ Kinh, Biệt thì có bảy loại [đặt tên] hoặc là đơn nhân, đơn pháp, đơn thí dụ, hoặc phức (ghép hai loại một), hoặc có đủ cả ba loại nhân, pháp, thí). Đây là quy nạp các đề mục lại. Hết thảy các kinh không ngoài việc lấy nhân (người) để đặt tên kinh, hoặc dùng pháp để đặt tên kinh, hoặc dùng tỷ dụ để đặt tên kinh, đó gọi là “tam đơn” (ba cách đặt tên chỉ dùng một loại). “Tam phức” là trong tựa đề một kinh có hai loại, hoặc là nhân pháp, hoặc là nhân dụ, hoặc là pháp dụ. Loại thứ bảy được gọi là “cụ túc lập đề”, tức là nhân, pháp, dụ thảy đều có. Đề mục kinh Phật rất nhiều, nhưng chẳng ra ngoài bảy nguyên tắc ấy, nên gọi là “thất lệ lập đề” (bảy quy tắc đặt tên kinh), điều này cũng thuộc loại  kiến  thức  thông  thường

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28