/ 29
582

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 14

QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT

PHẨM MƯỜI MỘT: CÕI NƯỚC NGHIÊM TỊNH

Từ chỗ này trở đi, Thế Tôn giới thiệu trạng huống của thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng tức là các thứ trang nghiêm. Phẩm này là nói về quốc độ thanh tịnh, trang nghiêm, cũng tức là nguyện thứ nhất: trong nước không có ác đạo, nguyện thứ ba mươi chín: trang nghiêm vô tận. Do đây có thể biết, Thế Tôn giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, trên thực tế tức là giới thiệu cho chúng ta bổn nguyện của A-di-đà Phật một cách rộng rãi mà thôi. Bốn mươi tám nguyện đích thực là trung tâm, là tổng cương lĩnh của Tịnh tông. Xin xem phần kinh văn:

Phật cáo A-nan: “Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm. Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh.

(Đức Phật bảo Ngài A-nan: Cõi Cực Lạc kia có vô lượng công đức, đầy đủ trang nghiêm, vĩnh viễn không có các danh từ khổ, nạn, ác đạo, ma não).

Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác đạo. Ác đạo là quả. Nước đó vì sao không có ác đạo? Vì không có người tạo nghiệp tam ác đạo, không có người tạo nhân thì đương nhiên không thể có quả báo này. Từ chỗ này chúng ta có thể lĩnh hội được sự trang nghiêm chân thật của nó. Hai câu này là nói thế giới Cực Lạc có vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm, hai câu này là tổng cương lĩnh. Trang nghiêm như thế nào? Phần sau vẫn là nói sơ lược, nếu nói kỹ thì nói không hết, không những là người thường chúng ta nói không hết mà ngay cả chư Phật cũng nói không hết. Vừa mở đầu, Phật giới thiệu vài nét về thế giới Cực Lạc không có các khổ. Ở trong kinh Thế Tôn thường nói rõ thế giới này của chúng ta rất khổ, việc khổ rất nhiều nói không hết. Phật thuyết pháp thường dùng phương pháp qui nạp, đem cái khổ vô lượng của chúng ta qui nạp thành ba loại lớn, tám loại lớn: Tam khổ, bát khổ (tam khổ là nói phạm vi lớn, bát khổ là nói phạm vi nhỏ).

Tam khổ là nói tam giới: Dục Giới khổ, Sắc Giới khổ, Vô Sắc Giới khổ, ba giới cùng khổ. Trong Kinh Pháp Hoa có một tỉ dụ: Tam giới giống như một căn nhà lớn, trong căn nhà lớn này lửa đã bốc cháy, tuy vẫn chưa cháy đến, nhưng nhất định sẽ cháy đến.

Còn bát khổ thì sao? Đây là chuyên nói về Dục giới, cũng tức là nơi chúng ta hiện đang thọ nhận. Tám thứ khổ gì? Chúng ta không thể nói kỹ, chỉ có thể giới thiệu danh mục mà thôi. Đầu tiên là bốn thứ Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Chúng sanh của Dục giới, bất cứ người nào đều không có biện pháp tránh được bốn thứ khổ này. Ngoài ra còn những thứ ngoài thân, cũng tức là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta: Cầu Bất Đắc Khổ, chúng ta đều có dục vọng, có người dục vọng rất lớn, có người dục vọng rất nhỏ, bất kể dục vọng lớn nhỏ, cầu không được mãn nguyện thì rất khổ não. Loại thứ sáu gọi là Ái Biệt Ly Khổ, bạn thường không được đoàn tụ với người mà bạn ưa thích, đây là việc khổ. Bạn cũng không thể thường trú, không thể hưởng thụ nơi hoàn cảnh mà bạn ưa thích, cũng là khổ. Loại thứ bảy gọi là Oán Tắng Hội Khổ (oan gia đối đầu), không thích sống chung một nơi mà vẫn phải gặp mặt nhau, vẫn không thể xa lìa, đây là khổ. Hoàn cảnh không ưa thích mà không có biện pháp thoát ly, đều thuộc về Oán Tắng Hội Khổ. Điều sau cùng là Ngũ Ấm Sí Thịnh Khổ, điều này so ra khó hiểu hơn, nói một cách cạn cợt, tức là vọng tưởng phiền não ở trong tâm rất nhiều. Phật nói pháp đều không rời khỏi nhân quả, bảy thứ khổ phía trước là quả báo, còn điều này là nhân khổ. Tại sao chúng ta có nhiều cái khổ như vậy? Vì vọng tưởng phiền não của chúng ta rất nhiều, cho thấy gốc bệnh đều không rời khỏi vọng tưởng chấp trước. Ở thế giới Tây Phương không có các thứ khổ này, tại sao không có? Vì chúng ta sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là liên hoa hóa sanh, không phải cái thân do cha mẹ sanh, cho nên không có bát khổ. Thế giới Tây Phương là nhất chân pháp giới, không những không có lục đạo mà thập pháp giới cũng không có. Vậy thì làm sao có tam khổ? Tam khổ, bát khổ, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không những không có sự việc này mà cái tên cũng không nghe nói đến.

/ 29