/ 29
1.027

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 12

 

Đây là hai đoạn sau cùng của đại nguyện, hai đoạn này có năm nguyện, là lợi ích của sự gia trì của A-di-đà Phật đối với mười phương Bồ-tát nghe danh. Do đây có thể biết lòng từ bi của A-di-đà Phật đích thật là rộng lớn không có bờ mé. Năm nguyện này hoàn toàn tương ưng với đoạn kinh văn sau cùng trong phẩm Tam Bối Vãng Sanh. Di-đà Tịnh Độ không phải hoàn toàn hạn chế, nhất định phải niệm A-di-đà Phật, phải đọc Kinh Vô Lượng Thọ, phải trì Kinh Di-đà mới được vãng sanh. Trong Kinh nói với chúng ta, tu học bất cứ một pháp môn Đại Thừa nào, hễ đầy đủ tín nguyện, chí tâm hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì đều được sanh. Cho nên bất luận bạn niệm Kinh gì, bạn niệm chú gì, hoặc là niệm danh hiệu của vị Phật Bồ-tát nào, hễ chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ thì tất cả đều được sanh. Do đây có thể biết pháp môn Di-đà đích thật là vô cùng rộng lớn!

Đoạn thứ hai mươi ba:

❖ Nguyện thứ bốn mươi bốn: Phổ đẳng Tam-muội.

Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ đẳng Tam-muội, chư thâm tổng trì, trụ Tam-ma-địa, chí ư thành Phật.

(Khi con thành Phật, các bậc Bồ-tát trong mười phương cõi Phật, nghe danh con rồi đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, Phổ đẳng Tam-muội, các Tổng trì sâu, trụ Tam-ma-địa, cho đến thành Phật).

Trong kinh văn nói rất rõ ràng, đây là chư Bồ-tát trong mười phương cõi Phật, không phải là chúng sanh bình thường. Bồ-tát cũng phải có thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ mới có thể nghe được sáu chữ hồng danh. Trong lúc giảng chúng tôi đã nói rất nhiều lần, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Họ có thể nghe được, có thể gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, đầy đủ tín nguyện, tuy tự mình không phát tâm vãng sanh, các Bồ-tát vẫn phải ở trong tất cả các thế giới phổ độ chúng sanh, dùng phương pháp gì để độ? Khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, vậy thì được oai thần của bổn nguyện Di-đà gia trì. Bổn nguyện này tức là năm nguyện sau cùng. A-di-đà Phật muốn gia trì các Bồ-tát này, khiến cho các Bồ-tát này bất luận ở trong cảnh duyên gì, chữ “cảnh” này là nói về hoàn cảnh vật chất, lục đạo hoặc là tam đồ cũng đều là hoàn cảnh. Còn “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Trong bất kỳ hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự nào, họ đều có thể giữ được thân tâm thanh tịnh, không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm, đây là nhờ A-di-đà Phật phù hộ, gia trì cho họ, bởi vì Bồ-tát vẫn là hữu tình chúng sanh. “Giải thoát”, nghĩa là tự tại, nhất định sẽ không khởi vọng tưởng chấp trước, sẽ không sanh tham sân si mạn. “Phổ đẳng” là phổ biến, bình đẳng, tâm của họ giống như tâm Phật. “Tam-muội”, đương nhiên là chỉ cho niệm Phật Tam-muội, niệm Phật Tam-muội là vua trong Tam-muội, không có gì thù thắng hơn. Những vị Bồ-tát khác không biết, nhóm Bồ-tát này biết [niệm Phật Tam-muội là vua trong Tam-muội]. Điểm này chúng ta phải nhận thức rõ ràng, Pháp môn này thật sự mà nói là tất cả chư Phật phổ biến, hoằng dương, làm gì có Bồ-tát không biết? Chúng ta nghe được nhất định sẽ cảm thấy lạ lùng. Kỳ thật, những Bồ-tát không biết thì rất nhiều.

Pháp môn Tịnh Tông này, chúng ta cũng phổ biến, hoằng dương trên thế giới, có ai mà không biết đến A-di-đà Phật, những người không niệm Phật cũng biết A-di-đà Phật, Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo cũng biết A-di-đà Phật. Tuy họ biết nhưng họ không tin, họ không lý giải, họ cũng không có nguyện tâm, như vậy thì biết cũng như không biết. Cho nên có rất nhiều Bồ-tát giống như vậy, chúng ta nói họ không nghe, không thấy, đúng là “thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn” (nhìn mà chẳng thấy, nghe như không nghe), họ không có tín nguyện, họ không có lý giải. Đây là nói tình hình như vậy, cho nên họ thật sự hiểu rõ, tín nguyện, thật sự họ tự mình tu niệm Phật Tam-muội cũng cần phải khuyên tất cả chúng sanh cùng tu niệm Phật Tam-muội.

“Chư thâm tổng trì”, “tổng trì” là “Đà-ra-ni” của tiếng Phạn, có nghĩa là tổng hết cả pháp, trì hết thảy ý, hiện nay chúng ta gọi là “cương lĩnh”. Tổng trì nghĩa là nắm lấy cương lĩnh toàn bộ Phật pháp, ở trong hành môn có thể nói là thiện tuyệt đối không thể mất đi. Chúng ta đều biết tu thiện, tu thiện phải có thiện hạnh, phải có thiện nguyện, còn phải có cơ hội cho bạn tu. Nếu không có cơ hội, tuy muốn tu thiện mà tu vẫn không thành. Họ đều có thể nắm lấy mọi cơ hội, đều không để mất, điều này rất khó. Ác không sanh, không những việc ác và lời ác đều không có, mà niệm ác cũng không sanh, điều này ở nơi hành môn “chư thâm tổng trì” có thể nói là cương lĩnh vô cùng quan trọng. “Tam-ma-địa” là Phạn ngữ, trong Kinh Lăng-nghiêm gọi là Sa-ma-tha, Tam-ma-địa, Thiền-na, đều là danh xưng của thiền định. Vậy chỗ này tức là an trụ trong định. “Đắc thành Chánh Giác, chí ư thành Phật”, đây đều là oai thần của A-di-đà Phật gia trì, nhóm Bồ-tát này vì nghe tên mà được lợi ích vô cùng thù thắng.

/ 29