/ 80
598

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 60

 

Thứ tư, “Định căn”

Hôm nay chúng ta tiếp tục nói “Thập Thiện Nghiệp Đạo” thực tiễn trong “Định căn” của Ngũ căn. Định căn có thể “nhiếp tâm chánh trợ, tương ưng bất tán”. Hôm qua, chúng ta đã nói tu hành phải chánh trợ song tu, không chỉ là pháp môn Tịnh Độ, mà bất cứ một pháp môn nào, thậm chí các tôn giáo khác của thế gian cho đến pháp thế gian, đều có chủ tu và trợ tu (hiện tại thông thường chúng ta gọi là chọn tu, có chủ tu - có chọn tu).

Cái gì gọi là “Định”? Tâm của chúng ta định ở nơi pháp môn tu học, nhất định không dễ dàng thay đổi. Đối với Phật pháp khế nhập vào một mức độ tương đối sâu, chúng ta mới chân thật lý giải được Phật đã nói gì. Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Sau khi chúng ta chọn định một môn, chân thật có thể làm được “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì cái định này mới có gốc. Có gốc mới có thể sinh trưởng, mới có thể khai hoa, kết quả.

Từ xưa đến nay, người tu học không có thành tựu, tâm bệnh nghiêm trọng nhất chính là không có định căn; tâm của họ bao chao, dùng lời hiện tại mà nói, hứng thú của họ là nhiều phương diện, xem thấy cái này ưa thích, cái kia cũng ưa thích, mọi thứ đều ưa thích, vì thế tinh lực và thời gian của họ bị phân tán, nên gọi là “môn môn thông, môn môn túng”, chỉ là lướt qua ở ngoài da, đều không thể cắm gốc. Do đó chúng ta nhất định phải hiểu được, “học rộng nghe nhiều” không phải là ở giai đoạn hiện tại này của chúng ta. Trên kinh thường hay khuyên bảo “học rộng nghe nhiều”, đây là nói với ai vậy? Nói với pháp thân Bồ Tát, vào lúc đó phải nên “học rộng nghe nhiều”. Còn giai đoạn hiện tại này của chúng ta thì không được, chỉ có thể “một môn thâm nhập”, chỉ một môn, nương theo một pháp.

Ngày nay chúng ta chọn Tịnh Độ, nhất là pháp “trì danh niệm Phật”, pháp này cần phải sanh khởi định căn, nhưng thực tế không dễ dàng. Vì sao vậy? Vì sự quá đơn giản, người ta không dễ gì tin tưởng; lý quá sâu, rất không dễ gì lý giải thấu triệt. Thế nhưng hiệu quả của nó rất là rõ ràng, ngay đến người không biết chữ cũng chân thật có thể làm đến lão thật niệm Phật. Chúng ta thường hay nhắc đến người thợ vá nồi - đồ đệ năm xưa của lão pháp sư Đế Nhàn. Ông không có đi học nên không biết chữ, không hề biết thứ gì. Lão hòa thượng chỉ dạy ông một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, ông có thể thành thật mà niệm. Con người này rất cừ khôi, lão sư truyền thụ một câu Phật hiệu, ông liền có đầy đủ năm lực “tín-tấn-niệm-định-huệ”. Ông tin tưởng lời của lão sư, không hoài nghi. Lão sư dạy ông niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong rồi thì tiếp tục niệm. Đây là tinh tấn, chân thật là ngay trong hai đến sáu thời niệm niệm không quên Phật hiệu, niệm lực thành tựu; nhất tâm chuyên chú, không xen tạp bất cứ vọng tưởng nào, định lực thành tựu, cho nên trong ba năm ông có thể thành tựu, đứng mà vãng sanh. Có phải sau ba năm thì thọ mạng của họ vừa vặn đến rồi hay không? Tôi nghĩ chắc chắn không phải, đây là do công phu thành tựu. Rất nhiều người niệm Phật vãng sanh không phải là thọ mạng đến, mà công phu thành tựu rồi thì đi trước. Ví dụ như pháp sư Oánh Kha của triều Tống, A Di Đà Phật nói với ông, ông còn đến mười năm dương thọ, nhưng ông không cần, ông nói: “Hiện tại con muốn đi liền với Ngài”, và sau ba ngày thì A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. Đây làchính mình vẫn còn thọ mạng, nhưng không cần nữa. Thông thường công phu đạt đến trình độ này đều sẽ ra đi, tuyệt đối sẽ không lưu lại thế gian này. Người lưu lại thế gian này chỉ có một điều kiện, họ còn có duyên phận độ hóa chúng sanh. Nếu như có cơ duyên hóa độ chúng sanh thì không được đi, không có cơ duyên này thì lập tức ra đi.

Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian, thời gian trụ thế dài hay ngắn không chút liên quan gì với các Ngài, chỉ xem cơ duyên giáo hóa chúng sanh; còn duyên thì ở, không duyên thì đi; đến đi tự do, không có chút chướng ngại nào. Chúng ta, chính mình tu thành rồi cũng là như vậy. Cho nên “định” là vô cùng quan trọng. Chúng ta chọn lấy pháp môn này, sau khi chọn thì phải “định”, chắc chắn không hoài nghi, nhất định phải chuyên chú.

Gần đây có không ít các đồng tu cùng hỏi tôi một vấn đề: “Chúng ta chuyên niệm một câu Phật hiệu, chuyên thọ trì một bộ kinh Vô Lượng Thọ thì có thể vãng sanh không?”. Dường như họ hoài nghi cho rằng không đủ, quá ít. Có một số pháp sư nói như vậy không đủ, phải nên thọ trì nhiều kinh luận. Đây chính là ngay tín căn cũng không có, làm sao có thể thành tựu? Then chốt ngay chỗ này. Chúng ta đọc được từ trên kinh A Di Đà, sau khi vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn phải tu “ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ Đề phần, bát chánh đạo phần”, bạn mới biết được khóa mục này quan trọng. Trên kinh A Di Đà mở ra khóa mục, ba khóa phía trước là “Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc” không có nhắc đến. Do đây có thể biết, ba khóa phía trước là ở ngay trong giai đoạn hiện tại này, chúng ta nhất định phải hoàn thành. Không có ba khóa mục phía trước thì không có căn. Phải biết “tín-tấn-niệm-định-huệ”, năm loại căn này là từ trên nền tảng của ba khóa mục trước mà sanh căn. Ngay trong lúc giảng giải, chúng ta thường nêu ra để khuyến khích các đồng tu. Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc không thể không xem trọng, vì nếu bạn không xem trọng thì bạn không có căn. Chúng ta bình lặng mà quán sát, có rất nhiều người, không chỉ là đồng tu tại gia, mà cả đồng tu xuất gia, thậm chí đã xuất gia mấy mươi năm rồi, nghe được những thứ bên ngoài tâm vẫn còn dao động, còn do dự, không quyết. Đây là không có tín căn.

/ 80