/ 28
320

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 07

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Khánh Hiếu

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Mời mở Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ năm, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

 “Thứ thích bổn nguyện chi pháp, bổn tức bổn tích, nguyện hi tu nhạo dục chi ý, chí cầu mãn túc chi xưng”. Trong phần giải thích tên đề này, trước tiên là tách ra để giảng.

Phần trước đã giới thiệu qua Bồ Tát Địa Tạng. Đây là đoạn bổn nguyện thứ ba. Pháp sư Thanh Liên chú giải rất hay, bổn nghĩa là bổn tích, cũng chính là trong đời quá khứ đã từng phát nguyện này. Cách giảng này là theo sự tướng mà nói, chúng ta cũng rất dễ hiểu. Ngoài ra còn có một cách nói khác, ở đây ngài cũng nói ra, bổn chính là bản tánh. Ở đây nói: “do Bồ Tát thác căn tánh địa dĩ long kì nguyện bổn”. Cách nói này so với nghĩa trước sâu sắc hơn. Kì thật bổn là căn bản, căn bản chính là tánh đức vốn đầy đủ trong tự tánh. Do đây có thể biết, tất cả chúng sanh, người người đều có, chẳng ai không có, chỉ là bị vô minh phiền não che lấp mà thôi! Tuy có mà không thể hiện tiền. Chúng ta thử nghĩ xem, ai mà không yêu thương bản thân mình? Trên thân thể này của ta, một sợi tóc, một cọng lông, chúng ta đều rất yêu quí, nghĩa là chỉ động đến một sợi tóc là liên quan đến toàn thân. Làm sao có lí không yêu quí được? Sự yêu quí này gọi là bổn nguyện, nó không phải là điều từ bên ngoài đến, mà là tự nhiên. Nhà Phật thường nói “pháp nhĩ như thị”. Đó mới là căn bản.

Chúng sanh mê muội đánh mất chính mình, cho nên đối với việc quan trọng của bản thân mình, trở nên phản ứng chậm chạp, thường là làm ngược lại, làm hại chính mình. Đó gọi là tội lỗi. Bồ Tát giác ngộ rõ ràng, vốn dĩ tận hư không biến pháp giới là chính mình, nên các ngài đối với sâm la vạn tượng, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, sâm la vạn tượng và tất cả chúng sanh là một nghĩa, không thể không yêu quí. Nhưng chỉ khi giác ngộ rõ ràng thì tâm hộ niệm, lòng yêu quí mới hiển bày. Chúng ta nói đó là phát nguyện. Nguyện này phát khởi, kì thật nguyện này là bổn nguyện, trước đây bị phiền não vô minh che lấp, trước đây không hiện tiền, nay vô minh phiền não chướng ngại này đã trừ sạch, cho nên nguyện lực ấy hiện tiền. Đây gọi là bổn nguyện, đây mới là bổn nguyện chân chánh, bổn nguyện chân thật.

Cuối cùng có một đoạn cũng nói đến nghĩa này, câu cuối cùng hàng thứ hai từ dưới đếm lên: “Hựu tức bản tánh chi lực dụng, Đại Sĩ xứng bổn lập nguyện”.  Bổn là tự tánh. “Nãi tự tâm khởi tín, hoàn tín tự tâm”. Cách nói này rất gần gũi. Quí vị hãy suy nghĩ thật kĩ, cẩn thận tỉ mỉ để thể hội. “Xứng bổn lập nguyện”, lập nghĩa là khởi, nghĩa là hiện, là hiện khởi. Nếu “lập” xem như pháp thân để nói thì nghĩa đó đã sai. Lúc đó bổn nguyện của quí vị hiện tiền. Chỗ này chú giải rất nhiều, chú giải cũng rất hay, chúng ta đọc qua một lượt, từ trang thứ năm hàng cuối cùng, chúng ta đọc từ đây. Sau đây, họ đưa ra thí dụ: “Thí thụ chi nhân địa phát căn, căn thâm bổn đại, tắc chi diệp y chi nhi phu vinh, hoa quả do chi nhi mậu thực, cuồng phong tuy đại, bất năng động dao”. Đoạn này là thí dụ, rất là dễ hiểu.

Sau đây là chánh thuyết: “Nguyện bất y đế danh vi cuồng nguyện, đế bất tùng tâm mục vi tà đế”. Hai câu này rất quan trọng. Đế là gì? Dùng cách nói hiện nay gọi là chân lí. Nguyện phải dựa vào chân, phải dựa vào lí, đó mới gọi là nguyện. Nếu nguyện không dựa vào chân, không dựa vào lí thì nguyện đó là giả, nguyện đó sẽ dao động, sẽ thoái chuyển, sẽ đổi thay. Tùy theo cảnh giới bên ngoài mà tâm ấy của họ sẽ thay đổi. Nguyện này không đáng tin cậy.

Do đây có thể biết, phàm phu chưa kiến tánh, những lời họ nói ra rất khó tin. Người hiện nay thường nói không giữ chữ tín, không đáng tin cậy. Đó chính là nguyện không dựa vào đế. Người xưa, không cần nói cách đây rất lâu, mà nửa thế kỉ trước vẫn còn có người thủ tín. Điều này là sao vậy? Tuy họ không dựa vào đế nhưng họ dựa vào lời dạy của các bậc thánh hiền. Đây đúng là “giáo học vi tiên” mà trong Học Kí đã nói. Họ tiếp nhận sự giáo dục này, họ biết được sự đối đãi giữa người với người cần phải thủ tín, nên họ có thể vâng theo. Nhưng khi gặp sóng to gió lớn, vì muốn bảo toàn bản thân, bảo toàn sanh mạng mình, bảo toàn lợi ích của mình, họ cũng bỏ đi sự thủ tín. Gặp phải thay đổi lớn lao phát sanh, thì sẽ có hiện tượng này. Gặp tai nạn lớn, dù phải hi sinh sanh mạng và tài sản, cũng không thể dao động, đó là dựa vào đế. Vì vậy, như Bồ Tát, dù quí vị hủy nhục họ, quí vị hãm hại họ, hay quí vị dùng phương pháp cực kì tàn khốc để đối đãi với họ, thì đối với tâm thương yêu chúng sanh của họ cũng không một mảy may thay đổi. Đó là dựa vào đế. Vì sao họ có thể làm được? Đức Phật ở trong kinh, đưa ra cho chúng ta câu chuyện vua Ca Lợi bị cắt xẻo thân thể, vì sao vua không có một mảy may tâm báo thù oán hận? Đó là dựa vào đế. Đế là gì? Là từ trong tự tánh chân tâm hiển hiện ra, là đức năng vốn đầy đủ trong tự tánh chân tâm, cho nên đó gọi là bổn nguyện.

/ 28