/ 28
700

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 3

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Mời mở kinh ra, luận quán trang thứ nhất, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Kim thả trí ngộ, chỉ luận kỳ mê, kỳ thiên nhân tu la, tuần thiện phẩm nhi khinh thăng. Địa ngục quỷ súc, do ác nghiệp nhi trầm trụy, kỳ trụy chi quỷ súc, hữu khinh trọng chi phân, nhi trầm hồ địa ngục, vô đại tiểu chi biệt. Tổng do vô minh chi điên đảo, trí hữu ngục hộ chi chánh biên. Cố tri phàm phu do muội tâm nguyên, nhi tùy vọng niệm, vọng tạo ác nghiệp, vọng thọ khổ báo. Bất bằng chí thánh chi đại bi, hạt giải đảo huyền chi cực khổ”, đến đây là một đoạn.

Đoạn này nói về nguồn gốc của luân hồi lục đạo, quả thật có lục đạo, nó từ đâu mà có? Căn nguyên ở đâu? Chúng ta phải biết.

Ngày xưa Tôn giáo Ấn độ rất phát triển, tu học cũng có thành tựu. Lúc Thế Tôn xuất thế có rất nhiều ngoại đạo, nhà Phật gọi ngoại đạo là từ sự lý kiến lập nên danh từ này, tuyệt đối không có ý xem khinh. Ngoại đạo là chỉ cầu pháp ngoài tâm, phàm là cầu pháp ngoài tâm đều gọi là ngoại đạo. Nếu chúng ta học Phật không biết cầu trong tự tánh, cũng cầu bên ngoài tâm, đó cũng là ngoại đạo. Chúng ta cần phải hiểu đạo lý này, phải thấu triệt hàm nghĩa của danh từ thuật ngữ.

Những người này tu định, cũng có định công tương đối, nhà Phật gọi là thiền định thế gian, tứ thiền bát định họ đều đạt được. Người tu hành của rất nhiều Tôn giáo, họ có khả năng sanh vào trời tứ thiền, có năng lực sanh vào trời tứ không. Trong cảnh giới định lực thậm thâm, họ thấy rõ ràng tình hình của lục đạo. Họ thấy tình hình trong lục đạo, không phải suy tưởng, cũng không phải dùng toán học để suy tính.  Cảnh giới trong định là cảnh giới hiện lượng, thấy tận mắt, nghe tận tai. Nhưng lục đạo từ đâu mà có? Vì sao hình thành? Họ không biết. Như hiện tại chúng ta sống ở thế gian này, xã hội này, địa cầu này, mọi sự vật chúng ta đều thấy một cách rõ ràng, đều nghe một cách minh bạch, đều rất thấu triệt, nhưng địa cầu từ đâu mà có? Những sanh mạng trên địa cầu từ đâu mà có? Chúng ta đều không biết. Những người ngoại đạo tu hành đó, đối với tình hình trong lục đạo giống như chúng ta hiện nay vậy, biết có nó nhưng không biết tại sao có nó. Nguyên do tại sao, mọi người đều muốn biết. Giống như người trên địa cầu này vậy, có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà triết học, họ quan sát rồi giải thích cho chúng ta, địa cầu khởi nguồn ra sao? Sanh mạng từ đâu mà có? Họ có rất nhiều cách nói, nhưng những cách nói này đều là suy đoán, suy tưởng trong quan sát, không phải sự thật. Mong cầu, dục vọng này trong Phật pháp gọi là cảm của chúng sanh. Họ muốn biết, muốn minh bạch. Muốn này chính là cảm, Phật Bồ Tát liền ứng. Nếu không muốn, dù Phật Bồ Tát đến nói với quý vị, quý vị cũng không nghe. Còn như rất muốn biết, Phật Bồ Tát liền đến. Vì sao Phật Bồ Tát đến thế gian này? Là để nói cho chúng sanh biết rõ ràng minh bạch nguyên do đạo lý này mà thôi, chân tướng của nhân sinh vũ trụ, đây là dạy học của Phật pháp.

Vừa mở đầu quán luận, trước tiên nói với chúng ta về căn nguyên của pháp tánh, sau đó mới nói về duyên khởi của pháp giới, pháp giới là như thế nào.

Đoạn thứ ba càng nói càng mật thiết với cuộc sống hiện tại của chúng ta, nguồn gốc của lục đạo. Câu đầu tiên nói: “kim thả trí ngộ”. Cảnh giới ngộ là cảnh giới Phật Bồ Tát, là nhất chân pháp giới. Bây giờ để qua một bên không nói đến, chỉ chuyên nói về lục đạo. “Chỉ luận kỳ mê”, hiện nay chỉ nói sự mê muội của chúng sanh, mê mất nhất niệm tâm tánh. Chúng ta mê mất nhất niệm, mới có nhiều niệm. Mê mất tự tánh, tự tánh biến thành gì? Tự tánh biến thành a lại da. Chúng ta không gọi nó là tự tánh, mà gọi là a lại da, a lại da là danh từ khi mê mất tự tánh. Thật ra tự tánh có mê ngộ chăng? Không có, mê ngộ do con người. Những kinh văn này, chúng ta phải lãnh hội tường tận ý nghĩa của nó.

Lục đạo là trời, người, a tu la, chúng ta gọi nó là ba đường lành. “Tuần thiện phẩm nhi khinh thăng”. Khinh trọng là trong Phật pháp dùng làm hình dung từ, họ tu thiện chiêu cảm quả báo của ba đường lành. Người được coi là đường lành, tu la là đường lành. Nhưng tu la nói ở đây, là nói về a tu la ở nhân gian và cõi trời, mà tu la trong lục đạo không được coi là nhân gian, gọi là tu la cõi trời.

/ 28