38Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 99

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 11/07/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 40 câu hỏi, trong đó có một số câu hỏi trước đây đã từng trả lời rồi. Đương nhiên có một số người chưa gặp qua, nên những thắc mắc này vẫn tồn tại phổ biến. Nói chung chúng tôi hy vọng những vấn đáp trong gần hai năm qua, đã tích lũy được cũng không ít, có đĩa DVD, cũng có cả văn bản, hy vọng các đồng tu có thời gian thì có thể xem nhiều, có thể giúp chính mình đoạn nghi sanh tín, cũng có thể giúp giải đáp cho một số đồng tu đang có nghi hoặc. Hôm nay chúng ta hãy xem câu hỏi đầu tiên.

Hỏi: Thế gian tai họa dồn dập, trong khi mọi người đang dùng đủ loại phương thức để tận lực cứu tai nạn thì Nhất Quán Đạo đã có một thời kỳ ẩn nấp, nay lại xuất hiện, đang cổ xúy việc ngài Di-lặc hóa thân ở một nơi nào đó của tỉnh Hà Nam sẽ dang tay cứu thế, tam kỳ mạt kiếp đã đến rồi, không gia nhập thì không có hy vọng. Một số người cầu pháp ngoài tâm, bao chao bất an đã gia nhập nườm nượp. Xin lão pháp sư khai thị.

Đáp: Phật pháp thường nói “các pháp nhân duyên sanh”, nhân duyên nhất định là nói đến nhân quả ba đời. Những cảnh ngộ trong cuộc đời của mỗi người đều không rời khỏi nghiệp tập, nghiệp lực, tập khí trong đời quá khứ, ở trong đời này có thể gặp được chánh pháp hay không cũng là duyên phận. Gặp được chánh pháp rồi, có thể tin tưởng hay không? Tin tưởng rồi thì có thể lý giải hay không? Sau khi lý giải thì có thể y giáo phụng hành hay không? Y giáo phụng hành rồi thì có thể kiên trì không thoái chuyển, không biến chất hay không? Sau khi đào thải từng tầng từng tầng như vậy rồi, nói cho các vị biết, còn sót lại không có mấy người. Tin tưởng Nhất Quán Đạo, đó là trong đời quá khứ đã có duyên với Nhất Quán Đạo. Là thật hay là giả thì chúng ta không cần phải đi biện luận, vì sao vậy? Nhân quả của người nào thì người đó gánh. Việc cổ xúy, khuyên người ta tin tưởng, họ phải chịu trách nhiệm nhân quả, chính mình đồng ý tiếp nhận, sẵn lòng gia nhập thì cũng phải chịu trách nhiệm nhân quả, đây là đạo lý tất nhiên. Phật không có cách nói này, điều này các vị đồng học nhất định phải biết, Phật dạy chúng ta “y pháp bất y nhân”, pháp là gì? Pháp là kinh điển. Không được nghi ngờ việc phiên dịch kinh điển, đúng là ở Trung Quốc thời xưa, những cao tăng đại đức dịch kinh đó, xác thực phần nhiều đều là chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát, A-la-hán, tôn giả hóa thân mà đến, cho nên kinh điển Trung Quốc mới có thể phiên dịch được nhiều như vậy, phiên dịch được chính xác như vậy.

Năm xưa tôi từng thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ, khi mới học Phật nói chung có rất nhiều nghi hoặc, cũng giống như hiện nay, văn tự nước ngoài dịch thành tiếng Trung, có thể đáng tin 100% hay không? Tôi tin là mỗi người chúng ta đều sẽ nghi ngờ. Có thể dịch được 50, 60% thì cũng không tệ rồi; dịch được 70, 80% thì đó là tác phẩm cao cấp; phiên dịch viên mãn, chúng ta đều biết, là việc không thể được. Phạn văn của Ấn Độ đến Trung Quốc có đáng tin không? Cũng có vấn đề giống như vậy. Thế nhưng thầy của tôi trả lời cho tôi, chính là tiên sinh Phương Đông Mỹ đã nói, thầy trả lời cho tôi vấn đề này. Thầy nói, người Trung Quốc thời xưa không giống với người Trung Quốc hiện nay, người Trung Quốc thời xưa có trí tuệ, Phật pháp, kinh Phật là tác phẩm trí tuệ, chỉ có người đã khai trí tuệ rồi thì không có vấn đề, lại huống chi vào thời đó, cao tăng đại đức trong ngoài nước chân thật tu hành. Những tác phẩm mà các ngài dịch ra, bởi vì tôi từng thỉnh giáo thầy, vì sao kinh điển nguyên gốc Phạn văn từ Ấn Độ truyền qua nhiều như vậy mà chúng ta đều bị tán mất, không bảo tồn chúng cho tốt? Điều này đáng tiếc biết bao! Thầy cười rồi nói với tôi, cao tăng đại đức, người tham gia dịch kinh trong và ngoài nước thời đó, họ có tín tâm, phiên dịch thành chữ Hán không sai ý nghĩa chút nào, hơn nữa văn tự còn hoa mỹ hơn nguyên văn, ý nói chính là đã vượt qua cả nguyên văn, học Phật pháp dùng kinh điển chữ Hán là đủ rồi, không cần phải đi xem Phạn văn nữa. Hào khí như vậy, tự tin như vậy, thầy nói người Trung Quốc hiện nay đâu có!

Hiện nay chúng tôi ở trong giáo lý Đại thừa đã học được nửa thế kỷ rồi, nghi vấn này không có nữa, hoàn toàn không có nữa. Vì sao vậy? Chúng tôi thấu tỏ, Phật pháp là từ tâm tánh lưu lộ ra, chỉ cần bạn kiến tánh, tâm tánh lưu lộ của chính bạn so với Thích-ca Mâu-ni Phật chắc chắn là giống nhau, so với mười phương ba đời hết thảy chư Phật không có mảy may sai khác, Phật Phật đạo đồng. Chúng tôi khẳng định được sự việc này, cho nên không còn nghi hoặc nữa. Vì sao có thể đoạn nghi sanh tín? Vì có lý luận để nương vào. Cho nên nỗ lực của chúng ta, đây là trong kinh giáo thường dạy chúng ta, phải buông xuống, buông xuống chấp trước, buông xuống phân biệt, buông xuống vọng tưởng, bạn buông xuống được càng nhiều thì bạn càng gần với tri kiến của chư Phật Như Lai. Không được nghi hoặc, nghi hoặc thì thế nào? Nghi hoặc thì càng ngày sẽ càng xa rời trí tuệ của tự tánh. Tham sân si mạn nghi, đó là phiền não, đó là tập khí, đó là chướng ngại, nhất định phải trừ bỏ.