36Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

 KỲ 92

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 11/04/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi. Hôm nay, có bốn mươi mấy câu hỏi, chúng ta y theo thứ tự để trả lời. Trước hết có ba câu hỏi, là do đồng học nội bộ của chúng ta đưa ra, câu đầu tiên là câu hỏi liên quan đến việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, họ đưa ra ba câu hỏi.

Hỏi: Câu thứ nhất, sư phụ thường nói, pháp sư học tập hoằng pháp đang tu học, khi chưa có được định tuệ thì không thể một mình ra ngoài hoằng pháp, tiếp xúc với đại chúng, dễ bị danh văn lợi dưỡng dụ hoặc. Nhưng đại chúng trong xã hội lại khao khát tiếp nhận giáo dục thánh hiền, đặc biệt là giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả, có thể cứu vãn được tai nạn cấp bách. Làm thế nào có thể giải quyết được vừa có thể không bị tiêm nhiễm danh văn lợi dưỡng, lại vừa có thể giúp đỡ xã hội, kiêm thiện thiên hạ?

Đáp: Đây là vấn đề lớn, vấn đề này bên nào cũng kẹt, nếu không tiếc việc hy sinh bản thân, tức là bản thân có thể đọa địa ngục, có thể biến thành ngạ quỷ, súc sanh, đi làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, không cưỡng lại nổi những dụ hoặc của bên ngoài. Khi làm như vậy thì trước mắt đại chúng có được một chút lợi ích, bạn đọa ngạ quỷ hay là đọa súc sanh thì bạn đều có phước báo, vì sao vậy? Hoằng pháp lợi sanh là phước. Ví dụ trong cõi súc sanh, như thú cưng được nuôi trong nhà người giàu có hiện nay, đó chính là loại người này. Trong cõi ngạ quỷ, bạn làm sơn thần, làm thành hoàng, làm thổ địa, đây là quỷ phước đức, làm quỷ vương, có rất nhiều người cúng dường bạn, rơi vào trong cõi này. Ví dụ này rất nhiều, bạn xem pháp sư Đế Nhàn có một đồ đệ tu thiền, công phu tu thiền cũng không tệ, ông ấy làm đến hòa thượng thủ tọa của chùa Kim Sơn ở Giang Tô, sau đó bị oan gia trái chủ quấy nhiễu phải nhảy xuống nước tự sát. Nói thật ra không phải là ông ta muốn, mà là oan gia trái chủ kéo ông xuống nước, sau khi chết rồi đi làm thần thổ địa, chính là làm thần thổ địa ở trong miếu thổ địa trước chùa. Pháp sư Đàm Hư thường đưa ra ví dụ này để cảnh tỉnh chúng ta, chỉ cần nhiễm vào danh văn lợi dưỡng thì không có chuyện không đọa lạc. Đạo nghiệp không thể thành tựu nhưng phước báo sẽ không tiêu mất, phước bạn đã tu nhất định có phước, cho dù làm quỷ thì họ cũng làm thần thủ hộ ở trong đền chùa, làm thổ địa.

Cho nên đại đức xưa, giáo huấn của tổ sư đại đức, các ngài là có đạo lý, nhưng ngày nay không làm được những giáo huấn này, vì sao vậy? Dân chủ tự do cởi mở, tôn trọng nhân quyền, hiện nay không thể dạy được. Hiện nay, cha mẹ không thể dạy con cái, vì sao vậy? Xâm phạm nhân quyền. Thầy cô cũng không thể dạy học sinh, học sinh có nhân quyền của chúng, chúng có tự do của chúng, bạn không thể can thiệp chúng. Ở trong tình hình này, hay nói cách khác, người thân của bạn, thầy cô của bạn không giúp được bạn, chỉ có dựa vào chính bạn tự cầu đa phước. Làm sao để không bị dụ hoặc là việc của chính bạn, bị dụ hoặc cũng là việc của chính bạn, chính bạn ở trong một đời thành Phật, xác thực là việc của chính mình, chính bạn đọa địa ngục A-tỳ, cũng là tự mình đọa. Nhất định phải hiểu, bên ngoài không có người nào làm chủ bạn, cũng không có ai can thiệp bạn, hiện nay là thời đại như vậy. Thời đại này chính là thời đại dân chủ tự do cởi mở, thời đại tôn sùng tự do, chúng ta không thể không biết.

Trong thời đại này, điều duy nhất chính là không được bỏ đi kinh giáo. Thời xưa Trung Quốc, người đọc sách thường nói: “Ba ngày không đọc sách thánh hiền, mặt mũi liền đáng ghét”. Ba ngày không thân cận thánh hiền thì hoàn toàn bị cảnh giới bên ngoài thay đổi rồi. Sức dụ hoặc bên ngoài hiện nay lớn hơn gấp chục lần, trăm lần so với trước đây, đây là thật! Vào nửa đầu thế kỷ trước, khi chúng tôi mới mười mấy hai mươi tuổi, mặc dù xã hội có dụ hoặc, nhưng không mạnh như vậy, không phổ biến như vậy. Từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy học sinh tiểu học nào tự sát, trẻ nhỏ tự sát, chưa từng nghe thấy. Hiện nay bạn thử nghĩ xem, thỉnh thoảng có nghe thấy học sinh tiểu học tự sát; người già tự sát, người già trong viện dưỡng lão, đây đều là vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Từ nhỏ họ đã bị ô nhiễm, ô nhiễm cả đời, làm sao họ có thể quay đầu được?

Ngày nay, chúng ta có thể gặp được Phật pháp, có thể xuất gia, điều này thật không dễ, là phước đức nhân duyên hiếm có. Bạn có thể giữ được phước đức nhân duyên này hay không, bạn có thể dựa vào nhân duyên này để thành tựu ở ngay trong đời này hay không, hoàn toàn dựa vào chính mình. Phải tu như thế nào? Tôi nhắc nhở đồng tu không chỉ ngàn lần, nhất định phải cắm gốc. Hay nói cách khác, tuyệt đối đừng xem thường Đệ Tử Quy, không có Đệ Tử Quy thì không có Thập Thiện Nghiệp. Có thể nói việc thực hiện Thập Thiện Nghiệp ở trong đời sống chính là Đệ Tử Quy, bạn không có Đệ Tử Quy thì Thập Thiện Nghiệp ở đâu ra? Không có Thập Thiện Nghiệp thì những gì bạn tu, bất luận xuất gia hay tại gia, những gì bạn tu là phước báo, những gì bạn tu không phải là công đức, mà là phước đức. Phước đức thì không thể liễu sanh tử, không thể thoát khỏi luân hồi, nhưng có phước, bất luận bạn ở cõi nào, bạn có phước báo. Đây là thật, không phải giả. Cho nên phước đức dễ tu, còn công đức chẳng dễ tu. Nhà Phật có câu ngạn ngữ nói: “Lửa thiêu rừng công đức”, lại nói cho bạn được rõ rằng: “Một niệm tâm sân giận khởi lên thì muôn vàn cửa chướng ngại mở ra”. Sở dĩ nhà Phật chúng ta không tu được công đức, là vì vừa nổi giận thì những công đức bạn tu được liền bị thiêu đốt sạch sẽ. Bạn muốn nói bạn đã tích lũy được bao nhiêu công đức, bạn hãy nghĩ từ khi nào bạn không nổi giận đến hiện tại. Những công đức bạn tu được trong khoảng thời gian này vẫn còn; bạn nổi giận thì khoảng này xong rồi, không còn nữa. Nếu khi mạng chung mà nổi giận một trận thì toàn bộ công đức cả đời đều mất hết, bạn không có chút công đức nào nữa. Phải hiểu đạo lý này, Phật nói lời này là lời thật, không phải là lời giả.