29Thứ Sáu, 19/04/2024, 10:25

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

KỲ 89

Chủ giảng: pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/02/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 43 câu hỏi, chúng ta cứ y theo thứ tự để trả lời.

Hỏi: Trước hết là câu hỏi của đồng tu trên mạng. Câu hỏi thứ nhất, đệ tử tu học Mật tông, phát hiện có rất nhiều đồng tu học tập Tịnh tông có sự bài xích rất mạnh mẽ đối với Mật tông, thậm chí nói lời bất kính. Xin hỏi Mật tông không phải cũng là pháp môn mà Phật truyền xuống sao? Tịnh tông nói niệm Phật vãng sanh, mà Mật tông cũng nói niệm Lục Tự Đại Minh Chú có thể vãng sanh. Vì sao mọi người có tâm phân biệt lớn như vậy?

Đáp: Câu hỏi này hỏi rất hay. Phàm là có phân biệt chấp trước thì đều không thể vãng sanh, vì sao vậy? Điều kiện vãng sanh, Phật đã nói trong kinh rất rõ ràng, tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh. Chúng ta niệm câu Phật hiệu A-di-đà Phật này, mục đích chính là phải niệm cho ra tâm thanh tịnh, niệm cho mất phiền não tập khí. Hôm qua chúng tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, giảng đến phương pháp làm sạch tâm địa dơ bẩn của người Hawaii cổ xưa, đó là dùng “tôi yêu bạn, cảm ơn bạn”, vĩnh viễn không ngừng dùng loại tâm thái này với hết thảy người việc vật, thì sẽ dần dần tẩy trừ sạch sẽ phiền não tập khí. Trong Phật pháp, câu A-di-đà Phật còn hữu dụng hơn và có hiệu quả hơn so với câu này. Cho nên pháp môn đều là do Phật truyền, trong kinh Kim Cang nói được rất hay: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng ta chỉ có thể chọn một loại để học tập. Tiêu chuẩn lựa chọn nhất định phải xem căn tánh của chính mình, người căn tánh lanh lợi thì có thể tu học hết thảy pháp môn Đại thừa, người căn tánh thông thường tốt nhất là học pháp môn niệm Phật, vô cùng đáng tin. Cho nên đối với các pháp môn khác nhau thì phải tôn kính, không được bài xích, không được hủy báng, hủy báng thì chính là báng Phật, bài xích chính là bài xích chánh pháp, điều này vô cùng quan trọng.

Thầy hướng dẫn của tôi là đại sư Chương Gia, đây là đại đức Mật tông, tôi theo thầy 3 năm, thầy không truyền Mật pháp cho tôi, thầy cho rằng điều kiện của tôi không đủ, đây là thật không phải giả, cho nên đây là đại đức Mật tông chân thật. Trình độ của họ là tiểu học, nếu bạn truyền khóa trình của lớp tiến sĩ cho họ thì làm sao họ tiếp nhận được? Họ không tiếp nhận nổi. Cho nên đại sư Chương Gia dạy tôi, thứ nhất là nhận thức Thích-ca Mâu-ni Phật, thứ hai là y theo giới luật để xây dựng nền tảng tu học, đây đều là rất như pháp, sau này tôi xem kinh Đại thừa thấy là cách nói như vậy. Mật giáo là xây dựng trên nền tảng của Hiển giáo, không có nền tảng của Hiển giáo thì không thể học Mật. Cho nên Mật pháp tạng truyền, hiện nay tôi không hiểu, trước đây đại sư Chương Gia nói với tôi, trước tiên học Hiển giáo, kỳ hạn là 10 năm, còn phải trải qua thi cử, thi cử đạt tiêu chuẩn thì có học vị gọi là Geshe, sau khi lấy được học vị Geshe thì có thể tiếp nhận truyền thừa Mật pháp, có thể thấy đó là như pháp. Nếu Hiển giáo của chúng ta chưa có nền tảng thì Mật giáo thật sự là khó khăn. Nói tóm lại, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là nương vào giác chánh tịnh để vào cửa, không có ngoại lệ, đi đến sau cùng chính là ba cánh cửa này.

Chúng ta biết Thiền tông, Tánh tông đi cửa giác, giác mà không mê, đây là người thế nào? Là người thượng thượng căn, đây không phải là người thông thường. Loại thứ hai chiếm đại đa số, đây là người bậc trung, học Giáo thì đại khai viên giải, là cửa chánh, chánh tri chánh kiến, từ cửa này mà thành Phật. Thứ ba chính là tu tịnh; hay nói cách khác, bạn không phải là người thượng thượng căn thì học Giáo cũng có khó khăn, kinh điển của Giáo quá nhiều, giống như đi học vậy, bạn học từ tiểu học, trung học, đại học đến nghiên cứu sinh, thời gian rất dài. Loại thứ ba là tu tâm thanh tịnh, cửa này gọi là độ khắp ba căn, lợi độn đều thâu. Hai tông phái chuyên tu tâm thanh tịnh là Mật tông và Tịnh độ tông, hai tông này đều là tu tâm thanh tịnh. Nhưng Mật cao hơn Tịnh. Tịnh là gì? Tịnh là lìa hết thảy ô nhiễm, tránh xa để được tâm thanh tịnh, là dùng phương pháp này. Mật thì không cần, không cần phải tránh xa, ở trong môi trường không thanh tịnh để tu tâm thanh tịnh, pháp này cao! Cho nên đây cũng không phải người thông thường có thể làm được, trong Mật có cạn sâu khác nhau, đó là Mật pháp thậm thâm. Cho nên trong Mật tông có “tu song thân”, trong dâm dục mà đoạn dâm dục, bạn có bản lĩnh này không? Không có bản lĩnh này thì sẽ đọa địa ngục, có bản lĩnh này thì sẽ thành Phật đạo.