31Chủ Nhật, 07/04/2024, 22:33

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 5

Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi

của đồng tu tại Hồng Kông

Thời gian: 06/05/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị đồng tu, A-di-đà Phật! Hôm nay là lần hỏi đáp thứ năm, chúng ta thấy trên bục giảng có không ít câu hỏi, chúng ta sẽ giải đáp theo thứ tự.

Hỏi: Câu đầu tiên của của cư sĩ Hách đến từ Thâm Quyến. Ông ấy nói Thâm Quyến có một số cư sĩ một lòng tu pháp môn Tịnh độ, thường học tập kinh sách và đĩa giảng của sư phụ, chúng con đã quy y Tịnh độ nhiều năm, bây giờ lại rất muốn thọ ngũ giới. Bởi vì đều là cư sĩ tại gia, rất dễ phạm khẩu nghiệp, nếu chúng con đã thọ ngũ giới, trong lúc vô ý phạm khẩu nghiệp, sau khi phát giác lập tức sám hối, như vậy vẫn có thể tới thế giới Tây Phương Cực Lạc không?

Đáp: Câu hỏi này bạn hỏi rất hay, tới thế giới Cực Lạc không phải chuyện đơn giản như bạn tưởng. Trước đây lúc tôi mới học Phật, thầy của tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy mở Phật Giáo Liên Xã Đài Trung ở Đài Trung. Lúc tôi theo thầy học tập, thầy đã mở ở đó được 10 năm, lúc đó liên hữu ở Đài Trung có 200.000 người. Tôi theo thầy học 10 năm, sau khi rời đi mãi cho đến khi thầy vãng sanh, theo ước tính sơ bộ của tôi, liên hữu ở Đài Trung ít nhất phải có 500.000 người trở lên. Thầy thường nói, người thật sự vãng sanh, trong 10.000 người chỉ có hai ba người, bạn liền biết không dễ dàng! Trong 10.000 người cho dù có ba người thì 500.000 người cũng tương đối khả quan, đây là nói thành tựu thật sự. Không thể vãng sanh có thành tựu hay không? Cũng coi là có thành tựu, là thành tựu gì? Trong cửa Phật thường nói “một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, bạn kết duyên với A-di-đà Phật, với Tịnh độ, hạt giống kim cang này vĩnh viễn không hư hoại, đây là lợi ích thù thắng không gì sánh bằng. Nhưng tới lúc nào mới có thể vãng sanh? Vậy thì không chắc chắn nữa. Có thể là đời sau, kiếp sau cũng có thể là mấy chục kiếp sau, mấy trăm kiếp sau đều có khả năng. Đây là câu “ba bậc chín phẩm đều ở gặp duyên khác nhau” mà đại sư Thiện Đạo thường nói, tức là bạn có thể gặp được duyên phận vãng sanh này hay không?

Duyên phận là gì? Trong kinh Di-đà nói: “Không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi kia”, bạn phải đầy đủ ba điều kiện này, trong một đời này, thiện căn của tôi đầy đủ, phước đức đầy đủ, nhân duyên đầy đủ, vậy thì bạn chắc chắn vãng sanh. Nhưng chúng ta nghĩ thử xem, ba điều kiện này đầy đủ trong một đời thật sự không dễ dàng, đây là trong kinh nói. Trên thực tế, chúng ta nói duyên phận, thứ nhất là có thầy tốt, thứ hai là môi trường học tập tốt, thứ ba là có đồng tham đạo hữu tốt, đây là tăng thượng duyên hiện tiền của chúng ta. Bạn không có người thầy tốt chỉ điểm, vậy thì thật sự là tu mù luyện đui. Chúng ta dựa vào kinh điển, cũng có rất nhiều người hiểu sai ý nghĩa của kinh điển, giải thích sai, hiểu sai, bản thân cho vậy là đúng đắn. Đây là không gặp được thiện tri thức thật sự, tạo thành chướng ngại đối với vãng sanh.

Thứ hai, không tìm thấy được đạo tràng tu hành thật sự. Từ xưa đến này người tu hành thường nói dựa chúng nương chúng, một người tu mù luyện đui là vô cùng khó khăn, luôn hi vọng mọi người cộng tu cùng nhau. Cộng tu, người xưa nói người nhiều thị phi nhiều, vọng niệm nhiều. Vậy thì phải làm sao? Một người tu hành không được, nhiều người tu hành lại có chướng ngại, cho nên trên thực tế rất không dễ dàng. Xã hội trước mắt ngày nay, đạo tràng tu hành thật sự hiếm có khó gặp. Đạo tràng này của chúng ta có được coi là đạo tràng tu hành thật sự không? Cũng có được chút dáng vẻ, chưa được coi là đạo tràng tu hành thật sự. Tại sao lại không có đạo tràng tu hành thật sự? Tôi giảng kinh cũng thường nhắc tới, chúng ta không học từ căn bản. Căn bản là gì? Căn bản là giáo dục gia đình, bạn xem Tịnh tông chúng ta tu học căn cứ vào Tịnh Nghiệp Tam Phước, câu đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, chúng ta đã học qua chưa? Sau đó là “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Điều đầu tiên của tam phước chúng ta chưa làm được thì phía sau đều không có. Tịnh Nghiệp Tam Phước giống như tòa nhà ba tầng, không có tầng đầu tiên thì làm sao bạn có tầng thứ hai, tầng thứ ba? Vấn đề chính là ở chỗ này.