52Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 12

Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi của đồng tu tại Hồng Kông

Thời gian: 05/08/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, hôm nay là buổi trả lời câu hỏi tại chỗ lần thứ 12.

Hỏi: Trước tiên, Bắc Kinh có vài vị đồng tu đưa ra câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên, học tập Đệ Tử Quy có nói đến vấn đề giữ chữ tín, có người nói, chuyện lớn ắt phải giữ chữ tín, chuyện nhỏ có thể tùy ý thì có như pháp không? Đối với tu hành của chúng ta có tổn hại gì không?

Đáp: Vấn đề này, đây là thành thật, thành khẩn, thành thật là tánh đức của chúng ta, chúng ta đang bồi dưỡng tánh đức của chúng ta, không nói dối, không nói ly gián, không nói thêu dệt, không nói thô ác, nhất định phải học tập. Chư Phật Bồ-tát đời đời kiếp kiếp không nói dối, vậy chúng ta tại sao phải lừa gạt người khác? Trong này đừng nên phân biệt tín lớn hay tín nhỏ, chuyện nhỏ hơn đi chăng nữa đều phải giữ chữ tín. Nhưng trong đó có một điểm nhất định phải hiểu được, giữ chữ tín phải hiểu được lợi ích chúng sanh, trong kinh đức Phật có nêu ví dụ. Người thợ săn đuổi theo con mồi, đi tới ngã ba đường, không thấy con mồi đâu, nhìn thấy đối diện có một người đi tới, thợ săn liền hỏi người đó: “Tôi vừa đuổi theo một con vật nhỏ qua đây, anh có nhìn thấy không?” “Có nhìn thấy”, “nó đi theo hướng nào?” Đi theo hướng này, người đó chỉ hướng kia, người đó nói nó đi theo hướng kia rồi. Đây chính là lừa thợ săn, lừa thợ săn là chuyện tốt, bạn xem cứu được mạng con vật đó, cũng giúp thợ săn không phải sát sanh, cho nên điều này phải có trí tuệ. Lúc này bạn nói rất thành thật, nó chạy theo hướng này, thợ săn đương nhiên đuổi theo, vậy thì con mồi nhất định sẽ bị thợ săn giết chết.

Cho nên, không phải là tín lớn hay tín nhỏ, phải lợi ích chúng sanh, điều này rất quan trọng. Nếu như nói đối với đại chúng bất lợi, nói dối cũng không sao, lời nói dối này cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn. Hiểu được nguyên tắc này thì bạn sẽ biết được, cho nên từng điều giới luật đều có khai, già, trì, phạm, đây gọi là khai duyên, khai giới, không gọi là phá giới. Cho nên, học phải cố gắng học, mỗi điều giới luật đều có khai, già, trì, phạm, trong tình huống nào nên có cách làm thế nào, là linh hoạt chứ không phải đã hình thành thì không thay đổi.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, rất nhiều cư sĩ phát nguyện hoằng dương Phật pháp, đồng thời tích cực hộ trì Phật pháp. Bởi vì sinh sống ở khu vực khác nhau, hoàn cảnh sinh sống khác nhau, trong lúc cùng nhau hợp tác hộ trì Phật pháp, nếu hợp tác không tốt sẽ sanh ra ảnh hưởng gì đối với chúng sanh? Đối với tu hành của bản thân có ảnh hưởng gì không?

Đáp: Ảnh hưởng rất lớn, phàm là hoằng pháp, hộ pháp thì nhất định phải hằng ngày nghe kinh, hằng ngày niệm Phật; niệm Phật bạn mới có được sự gia trì của Phật, nghe kinh bạn mới hiểu rõ đạo lý, biết được làm như thế nào, phối hợp thế nào mới tốt. Quan trọng nhất là đạo tràng lục hòa, chúng tôi giảng rất nhiều, gần đây [trong lúc] giảng phẩm Bồ-tát Vấn Minh cũng nói rất nhiều, quan trọng nhất là hòa kính. Chúng ta chung sống hòa thuận với người khác, điều kiện đầu tiên để chung sống hòa thuận là phải hạ thấp thân phận của chính mình, tư thế của chúng ta rất cao, bạn làm sao có thể chung sống hòa thuận với người khác được? Thánh hiền Trung Quốc xưa giảng về lễ, tinh thần của lễ là hạ mình mà tôn người, bản thân mình phải khiêm tốn hạ thấp, tôn trọng người khác, đây là tinh thần của lễ, không làm được điểm này thì bạn rất khó học lễ. Đây không những là thánh hiền Trung Quốc xưa dạy, nhà Phật cũng dạy, bạn xem trong Phổ Hiền hạnh nguyện của nhà Phật dạy chúng ta “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, nếu bạn không khiêm tốn, không hạ thấp thì bạn làm sao có thể tùy hỷ? Cho nên phải hiểu được tôn trọng người khác.

Mấy ngày trước có một vị tín đồ đạo Thiên Chúa tới thăm tôi, ông ấy cũng từng nghe tôi giảng kinh Mân Côi, kinh Mân Côi là khóa tụng sớm tối của đạo Thiên Chúa, vô cùng quan trọng, kinh tổng cộng có 15 điều, điều đầu tiên là dạy bạn học theo sự khiêm hạ của bà Maria, đều là bắt đầu học từ chỗ này. Khiêm hạ là đối trị ngạo mạn, tập khí ngạo mạn con người đều có, thật sự là ai ai cũng đều có, là phiền não sanh ra đã có. Dùng phương pháp gì đối trị? Lễ kính, đối với người lễ kính, đối với người khiêm hạ, dần dần đoạn trừ phiền não ngạo mạn, tập khí ngạo mạn của chính mình, tánh đức của bản thân chúng ta mới có thể hiển lộ ra được. Con người trên thế gian, mỗi người đều có thể làm tốt công việc trên cương vị của mình, ví dụ như trong cửa Phật, chúng ta hộ pháp thì làm tốt công việc hộ pháp, hoằng pháp thì làm tốt công việc hoằng pháp; bản thân làm tốt, lại có thể phối hợp với người khác, đoàn thể này sẽ hưng vượng. Gia đình cũng như vậy, xã hội, đất nước cũng như vậy, chỉ cần bản thân làm tốt công việc của mình, phối hợp với mọi người.