31Chủ Nhật, 07/04/2024, 22:33

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 10

Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi

của đồng tu tại Hồng Kông

Thời gian: 22/07/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu. Tiếp theo chúng ta giải đáp một số câu hỏi của các đồng tu.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, sư phụ thường khuyên chúng con phải bố thí sạch sẽ, ví dụ đem chi phí chữa bệnh và thuốc thang mà bản thân chuẩn bị mang ra bố thí cho người bệnh, đem tiền định dùng để dưỡng già cũng mang ra bố thí cho người gặp khó khăn, nhưng đối với cư sĩ tại gia đơn thân mà nói, có thể đem toàn bộ số tiền về hưu mà bản thân chuẩn bị cho tương lai bố thí hết không? Đến lúc tuổi tác lớn rồi, lúc không có thu nhập và tích lũy thì phải làm như thế nào?

Đáp: Vấn đề này rất nghiêm túc, nếu thực sự muốn học theo Bồ-tát bố thí, đối với lý luận của Phật pháp nhất định phải nghiên cứu hiểu rõ thật sâu sắc thì bạn mới có thể làm được. Tuyệt đối không phải nói, Bồ-tát làm như vậy, tôi cũng làm theo như vậy, nếu bạn làm theo như vậy thì phiền phức của bạn sẽ tới, tại sao vậy? Nghiệp chướng của bạn chưa tiêu trừ, bạn chưa đoạn trừ phiền não tập khí, bạn làm sao có thể học theo Bồ-tát? Thực sự hiểu được đạo lý, bạn không có nghi hoặc, bạn chắc chắn không hối hận, bạn sẽ rất hoan hỷ. Toàn bộ đều bố thí hết, Thích-ca Mâu-ni Phật bố thí hết, các bạn thử nghĩ xem, cho nên bạn phải đọc truyện ký Thích-ca Mâu-ni Phật, truyện ký tốt nhất đọc Thích-ca Phổ, Thích-ca Phương Chí trong Đại tạng kinh, ngài bố thí sạch sẽ, lúc về già có rất nhiều người hầu hạ ngài, chăm sóc ngài, những gì cần trong cuộc sống thì ngài không thiếu thứ nào. Bố thí càng nhiều thì người chăm sóc bạn càng nhiều, bạn giúp đỡ người khác rất nhiều, bạn sẽ có được rất nhiều người giúp đỡ, nếu bạn không thấu triệt rõ ràng lý luận nhân quả báo ứng này, vừa bố thí vừa hoài nghi thì phiền phức của bạn sẽ tới.

Cho nên trong tình huống này, mọi người bố thí, bố thí sạch sẽ là nói tâm, trong tâm không chút chấp trước nào. Trên thực tế, bạn vẫn muốn tích lũy tiền dưỡng già, tiền chữa bệnh, bạn học theo cách bố thí mà các tôn giáo khác nói, phải bố thí bao nhiêu? Một phần mười tài phú của tôi, tôi có mười ngàn đồng, tôi bố thí một ngàn, bạn tuân thủ theo phương pháp này là được. Thực sự nhập cảnh giới Phật, vậy thì có thể hoàn toàn buông xả, bởi vì thế nào? Bản thân bạn có nắm chắc khi buông xả thì vĩnh viễn không bị bệnh, buông xả tiền tài một cách sạch sẽ, lúc cần dùng đến thì chắc chắn sẽ có. Nhưng mà không dễ gì xây dựng tín tâm này, bạn nhất định phải hiểu thấu triệt thì bạn mới có thể làm được. Có tín tâm đối với kinh điển, có tín tâm đối với người thầy, bố thí của tôi là đại sư Chương Gia dạy tôi, tôi có tín tâm đối với thầy, cho nên tôi làm rất sạch sẽ. Chi phí chữa bệnh tôi đều đem đi bố thí hết, tôi không thể bị bệnh, bị bệnh không có tiền chữa trị, tôi có thể chết nhưng không thể bị bệnh; một đời này đích thực là như vậy, tôi không sợ chết, tại sao vậy? Chết rồi có chỗ tốt để đi, tốt hơn nơi này quá nhiều, cho nên đối với sống chết không hề sợ hãi chút nào, mà rất hoan hỷ. Đây không phải là người bình thường có thể làm được, bạn chưa thấu triệt lý luận và chân tướng sự thực này, bạn vẫn có hoài nghi, có hoài nghi thì nghiệp chướng của bạn chưa đoạn trừ, bạn vẫn có phiền phức, nhất định phải hiểu được điều này.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, ông ấy nói sư phụ nói bố thí chi phí chữa bệnh cho người bệnh, bản thân sẽ không bị bệnh, nhưng điều con không hiểu là rất nhiều cao tăng đại đức, như pháp sư Ấn Thuận, Hàn quán trưởng v.v… vẫn bị bệnh. Họ bị bệnh sẽ có tín chúng, có con cái cúng dường, người học Phật tại gia đơn thân không thể nào có người cúng dường, lỡ như bị bệnh thì phải làm sao?

Đáp: Khi nãy đã nói với bạn rồi, sẽ không bị bệnh, bạn không tin tưởng! Pháp sư Ấn Thuận, Hàn quán trưởng là họ chưa bố thí sạch sẽ, họ bố thí sạch sẽ thì sẽ không như vậy đâu. Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu người niệm Phật vãng sanh, biết trước thời gian, nói đi là đi ngay, đi rất gọn gàng dứt khoát. Vậy tôi thường nhắc tới câu chuyện mà lão pháp sư Đàm Hư kể, đó là [câu chuyện] pháp sư Tu Vô của chùa Cực Lạc – Cáp Nhĩ Tân, bạn nói xem tự tại biết bao. Ông ấy tới giới đàn giúp đỡ, không được bao nhiêu ngày đã tới xin lão hòa thượng nghỉ, lão hòa thượng Đàm Hư là trụ trì, lão hòa thường Định Tây là đương gia, [hai vị này] đều vãng sanh ở Hồng Kông, mọi người đều rất thân thiết, đây là thật, không phải là giả. Pháp sư Tu Vô tới xin nghỉ, nói ông ấy phải rời đi, phải đi rồi; Đàm Lão có tu dưỡng, không nói gì cả, pháp sư Định Tây không nhịn được liền trách ông ấy: “Nếu ông đã phát tâm tới giúp đỡ đạo tràng, đạo tràng chỉ có hai tháng thời gian, tại sao lại không kiên nhẫn như vậy đã muốn bỏ đi?” Ông ấy nói tôi không đi tới nơi khác, tôi tới thế giới Cực Lạc. Hai vị lão hòa thượng nghe xong liền ngây người, đây không phải chuyện bình thường.