44Chủ Nhật, 31/12/2023, 20:03

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 30/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 27: SIÊU ĐỘ

Chúng ta đều đã nhiều lần đưa tiễn người thân của mình, làm thế nào có thể siêu độ giúp người thân chúng ta? Khi chúng ta học 1200 chuyên đề, Hòa Thượng đã dạy chúng ta về mọi phương diện trong đời sống và tu hành để chúng ta biết cách hành trì. Hoà Thượng nhắc chúng ta, người học Phật phải phát tâm bồ đề, nếu chúng ta không thể phát tâm vì người thì chúng ta sẽ trở thành người “tự tư tự lợi”.

Hôm qua, nhân ngày lễ vía Phật A Di Đà, chúng ta đã tổ chức chuyến đi về nguồn, lễ Phật 500 lạy, buổi lễ đã diễn ra rất trang nghiêm, trật tự, mọi người đều rất hoan hỷ. Sau khi buổi lễ kết thúc, Hòa Thượng trụ trì đã đích thân mời chúng ta năm tới tiếp tục về chùa tổ chức chương trình, Phật tử xung quanh chùa rất tán thán việc làm của chúng ta. Khi kết thúc buổi lễ, chúng ta trả lại cho chùa một hoàn cảnh sạch đẹp, yên tĩnh. Chúng ta đã vừa làm lợi ích cho người, vừa phát dương quang đại pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta tổ chức nhiều sự kiện nhưng chúng ta không vướng bận trong tâm, tâm chúng ta thanh tịnh thì ở trong hoàn cảnh nào tâm chúng ta cũng thanh tịnh. Hòa Thượng từng nói: “Bồ Tát ở chợ thì chợ là đạo tràng, Bồ Tát ở vũ trường thì vũ trường là đạo tràng”. Nếu chúng ta dụng được tâm của Bồ Tát thì chúng ta không bị hoàn cảnh quấy nhiễu. Chúng ta dụng tâm của phàm phu thì chúng ta bị hoàn cảnh lôi kéo, hoàn cảnh chuyển.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn siêu độ cho người đã mất thì chúng ta phải có những việc làm tích cực, cụ thể. Nếu chúng ta chỉ làm trên hình thức thì việc siêu độ không thể có kết quả. Khi chúng ta làm những việc liên quan đến việc siêu độ, chúng ta phải “Thận chung truy viễn”. “Truy” là truy đến nguồn cội. “Thận chung truy viễn” là thận trọng khi làm việc siêu độ cho người đã mất. Chúng ta giúp người đã mất được siêu độ bằng cách chúng ta làm những việc có công đức, phước báu và hồi hướng công đức, phước báu này cho người đã mất. Chúng ta giúp người đã mất được siêu độ là chúng ta đã đề cao tinh thần hiếu đạo, làm ra tấm gương hiếu thảo cho mọi người. Khi con người biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” thì người đó sẽ trở nên thuần hậu, chất phác. Người không nhớ đến công ơn của người trước thì ở trong gia đình, họ sẽ là kẻ “phá gia chi tử”, ở ngoài xã hội, họ sẽ là kẻ cơ hội.

Hòa Thượng nói: “Dân tộc của chúng ta chú trọng hiếu đạo, đặc biệt là chú trọng đến việc thờ cúng. Người xưa rất thận trọng trong việc thờ cúng, việc thờ cúng có nhiều lễ tiết phức tạp, những lễ tiết này có dụng ý rất sâu”. Chúng ta không thể xem thường, qua loa với việc thờ cúng tổ tiên. Chúng ta xem thường qua loa trong việc thờ cúng thì những thế hệ sau sẽ dần mất gốc.

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, Thế Tôn nói rõ, cụ thể siêu độ chân thật có hiệu quả. Người thân của nữ Bà La Môn và Quang Mục sinh tiền tạo tác ác nghiệp cực trọng, sau khi chết những người này bị đọa vào Địa ngục, Bà La Môn nữ và Quang Mục đã siêu độ giúp người thân ra khỏi Địa ngục, đây là do Bà La Môn nữ và Quang Mục có tâm hiếu. Bà La Môn nữ và Quang Mục có thể làm được thì chúng ta cũng có thể làm được”.

Hòa Thượng nói: “Phật nói: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp từ tâm chúng ta sinh ra. Tâm chúng ta chân thật, từ bi, y theo phương pháp, lý luận mà Phật đã dạy để tu học thì chúng ta liền có được kết quả. Nếu chúng ta chỉ siêu độ trên hình thức, không có sự chuyển biến thực chất thì chúng ta không thể có kết quả như mong muốn”. Người ngày nay chỉ chú trọng hình thức, nhiều gia đình mời các Thầy đến tụng Kinh nhưng chủ nhà thì ăn nhậu hoặc đánh bài. Người lớn trong nhà cũng không có sự nghiêm túc yêu cầu những người trẻ, đây là do bản thân của người lớn cũng lơi là, qua loa đối với việc siêu độ.

Hòa Thượng nhắc chúng ta bốn chữ: “Thận chung truy viễn”. Chúng ta phải hết sức thận trọng khi làm việc siêu độ cho người đã mất. Trong “Kinh Địa Tạng” nói: “Nếu chúng ta làm được bảy phần công đức thì người mất chỉ nhận được một phần công đức”. Nếu chúng ta làm được một, hai phần công đức thì người đã mất sẽ nhận được rất ít. Nếu chúng ta không làm được phần công đức nào thì người mất còn phải vương mang nợ do người thân của họ đã vì họ mà tạo tác tội nghiệp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook