83Thứ Hai, 13/11/2023, 19:19
220 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 25

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 13/11/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 25)

Hòa Thượng nói: “Giáo học của Khổng Phu Tử dạy chúng ta thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là chánh sự, sau cùng mới là văn học. Chánh sự” là những việc thường thức, thông thường. Chúng ta phải có những kiến thức thông thường, có đầy đủ bản lĩnh để chúng ta phục vụ xã hội, phục vụ quốc gia. Nếu chúng ta không biết làm việc gì thì chúng ta là người bất tài, vô dụng.

Hòa Thượng từng nhắc, chúng ta phải cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong xã hội hiện đại, nếu chúng ta không biết những điều này thì chúng ta không thể làm được việc. Khi tôi đi chia sẻ Phật pháp, tôi chủ động bật Zoom để mọi người được cùng học tập. Khi chúng ta tham gia sự kiện như đám cưới, sinh nhật thì chúng ta có thể dùng nhiều điện thoại mở Zoom ở những vị trí khác nhau để những người ở nơi xa có thể xem toàn cảnh sự kiện. Chúng ta không biết làm vì chúng ta không chịu học. Ngày trước, khi tôi đi chia sẻ, tôi tự mang máy quay phim đi, trước khi giảng tôi bấm máy quay, sau khi giảng xong, tôi tự dựng phim.

Buổi lễ tri ân 20-11 hôm qua, tôi mang bánh Tét, bánh Ú để tặng Thầy Kỳ Anh và những người dàn dựng chương trình, mọi người đều rất hoan hỷ. Chúng ta làm việc bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ khiến tâm mọi người rung động. Hôm qua, Thầy Kỳ Anh rất vui, Thầy dành cho chúng ta một tình cảm đặc biệt. Chúng ta muốn thu phục, cảm hoá, nhiếp hoá người thì chúng ta chỉ cần làm những việc bình thường trong đời sống. Thí dụ, chúng ta quét rác, dọn vệ sinh môi trường bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ thu phục được tâm của những người trong làng xóm đó.

Một lần, khi tôi đến giảng ở Thái Bình, tôi giảng về việc tu tạo phước báo, tôi nói với mọi người, trên đường vào đây tôi thấy hai bên đường có rất nhiều đống phước. Mọi người rất ngạc nhiên. Sau đó tôi nói, tôi thấy từ đầu đường vào đây có rất nhiều đống phân chó nhưng không có ai thu dọn. Bình thường, tôi sẽ đi làm những việc này nhưng nếu hôm đó tôi làm thì mọi người sẽ nói là tôi làm cho dễ coi, làm màu!

Ngày trước, khi tôi đi giảng ở Hải Dương, trước khi giảng tôi đi vào nhà vệ sinh, tôi nhìn thấy giấy vệ sinh tràn ra ngoài, tôi nhặt giấy vào thùng, xịt nước, quét dọn sạch sẽ, sau đó tôi đi vào giảng đường. Khi mọi người làm lễ rước giảng sư lên giảng thì gấu quần tôi vẫn đang ướt vì tôi vừa lau dọn nhà vệ sinh. Nếu chúng ta chỉ nghe mà không làm thì chúng ta sẽ không có được lợi ích. Những kiến thức thường thức ở thế gian, chúng ta chỉ cần để tâm một chút thì chúng ta sẽ làm được.

Hòa Thượng nói: “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”. Sau khi chúng ta làm những việc thường thức, nếu chúng ta có dư sức thì chúng ta mới học văn. Chúng ta học văn là để nâng cao sự hưởng thụ của đời sống tinh thần nên việc học văn xếp thứ sau cùng. Giáo học của nhà Phật cũng không ngoại lệ, người học Phật trước tiên phải giới hạnh. Từ giới hạnh chúng ta mới bồi dưỡng được đức hạnh của chính mình. Chúng ta muốn bồi dưỡng đức hạnh thì chúng ta nhất định phải thực tiễn giáo huấn, lý luận trên Kinh điển vào trong đời sống, trong công việc, trong đối nhân xử thế. Trong cuộc sống thường ngày, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh thì lời nói, việc làm của chúng ra nhất định không được trái giáo huấn của Phật. Chúng ta làm được điều này thì ngay trong đời này chúng ta mới được độ”. “Chúng ta được độ” không phải là Phật Bồ Tát độ chúng ta mà là chính chúng ta tự có được thành tựu.

Hôm qua, Thầy Kỳ Anh hỏi tôi, vì sao tôi có một đội ngũ tốt đến như vậy! Tôi nói, tôi không có tài năng gì, tôi chỉ làm mọi việc bằng tâm chân thành, không vụ lợi. Khi làm mọi việc, tôi không nghĩ đến tâm được mất, hơn thua. Đây chính là tâm cảm tâm. Giáo dục của Thánh Hiền dạy chúng ta, trước tiên chúng ta phải chú trọng đến việc bồi dưỡng đức hạnh. Chúng ta tu học Phật pháp thì chúng ta càng phải chú ý đến việc rèn luyện đức hạnh. Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài A-nan hỏi Phật: “Khi Phật còn tại thế chúng con nương vào Ngài, bây giờ Ngài nhập Niết Bàn thì chúng con nương vào ai?”. Phật nói với Ngài A-nan và các hàng đệ tử phải: “Lấy khổ làm Thầy, lấy giới làm Thầy”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook