55Thứ Hai, 30/10/2023, 08:14
205 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 29/10/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 10)

Đoạn ác tu thiện” là điều thứ nhất trong mục đích giáo học của Phật pháp. Không làm được điều này thì không đạt được điều thứ hai là “Phá mê khai ngộ”. Không làm được điều thứ hai thì cũng không đạt được điều thứ ba là “Chuyển phàm thành thánh”.

Trên thực tế đã có nhiều người làm được. Đó là bà cư sĩ Hứa Triết, lão cư sĩ Lý Mộc Nguyên và hàng xuất gia có Hòa Thượng Hải Hiền, Hòa Thượng Tịnh Không.

Có người hỏi tôi Hòa Thượng Tịnh Không là vị Phật nào thị hiện ở thế gian? Tôi trả lời rằng ngài là một phàm phu nhưng đã bước lên hàng phàm phu tiêu chuẩn. Ngài đã chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Tấm gương của Ngài khẳng định rằng mỗi chúng ta đều làm được, bắt đầu từ cương mục “Đoạn ác tu thiện".

Tuy nhiên, chúng ta chưa làm tốt cương mục này. Việc thiện mà chúng ta làm chỉ ở trên hình tướng chứ chưa thật tâm, gọi là tướng thiện. Còn việc ác hay những sai phạm của chúng ta lại khởi nguồn từ tập khí sâu nặng trong tâm khảm chúng ta, nên gọi là tánh ác.

Giống như câu chuyện “Du Tịnh Ý Gặp Táo Thần”. Đây là tự truyện của một người họ Du ở tỉnh Giang Tây, tên húy là Đô, tên tự là Lương Thần, kiến thức uyên bác lại có nhiều tài năng. Khi chưa gặp được Táo Thần, ông thường khuyên người kính tiếc giấy có chữ viết, nhưng bản thân ông lại dùng giấy làm giẻ lau, gói đồ, dán cửa sổ và bỏ giấy vô tội vạ; khuyên người ngừa tham dâm, giết hại, nói dối nhưng bản thân ông lại háo sắc, nấu nướng chúng sinh và dùng hoa ngôn xảo ngữ biện bạch điều sai trái của mình; thấy người làm thiện như phóng sinh cứu vật thì ông bắt chước làm theo qua loa, chứ chưa từng chủ tâm làm thiện. Cứ mỗi năm vào cuối tháng chạp, ông đều dâng sớ lên Táo Quân nhờ tấu trình lên Ngọc Hoàng Thượng Đế nhưng không có kết quả. Gia cảnh của ông ngày càng nghèo túng. Ông sinh được năm con trai thì chết bốn và một đứa con bị lạc. Ông sinh được bốn con gái thì chết ba và một đứa con bị ngơ ngẩn. Vợ ông khóc thương con nên mù cả hai mắt.

Thấm thía từ câu chuyện này, chúng ta hãy làm việc thiện từ tâm chân thành của mình chứ không nên bắt chước làm theo để tô điểm bề ngoài hoặc để được khen. Vật phẩm hay đồng tiền cúng dường phải thanh tịnh, tức chúng phải được làm ra bằng sự tạo tác lương thiện của mình chứ không phải sự bất thiện, gây đau khổ cho người khác.

Càng phân tích, chúng ta càng thấy mình chưa làm tốt việc “Đoạn ác tu thiện”. Tuy nhiên, mình không nên bỏ cuộc mà phải làm cho bằng được thì mới có thể vượt thoát sinh tử. Nếu bỏ cuộc thì chúng ta vẫn phải luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp.

Đời này, chúng ta đã có được thân người trọn vẹn và được gặp Phật pháp. Đặc biệt là được gặp chánh pháp từ Hòa Thượng Tịnh Không. Trang web Tịnh Không Pháp Ngữ mà tôi dành hơn 30.000 giờ phiên dịch sang tiếng Việt đã truyền đạt những lời dạy hết lòng hết dạ của Hòa Thượng. Trong đó, “Chuyên đề Khai thị 1200 Đề tài” là những tổng kết từ nhiều bộ kinh lớn mà Ngài đã giảng giải một cách tỉ mỉ, ân cần trong rất nhiều năm. Hiện tại, chúng ta đang học đến “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”. Lời dạy của Hòa Thượng thấu tình đạt lý, có lý sự viên dung, có pháp giải và pháp hành trên nền tảng lý luận và phương pháp thực tiễn rõ ràng. Chúng ta nghe, học và làm theo Hòa Thượng chính là chúng ta học Phật một cách quang minh chính đại, không mơ hồ.

Được học như thế, vậy tại sao chúng ta vẫn chưa đoạn được ác, tu được thiện? Nguyên nhân vì ngày ngày từ sáng đến tối, chúng ta vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi tập khí “danh vọng lợi dưỡng”, “ngũ dục lục trần”, “tự tư tự lợi”, “tham sân si mạn” và chìm đắm trong “cái ta” và “cái của ta.”

Nếu chìm đắm như thế thì chúng ta đi ngược với chân tướng sự thật mà Phật pháp nói tới. Đó là tất cả đều phải “vì chúng sinh mà lo nghĩ”. Thậm chí, thân mạng này cũng là để phục vụ chúng sinh. Ăn cơm là để nuôi sinh mạng, vậy thì, ăn cơm cũng là vì chúng sinh. Ở điểm này, Hòa Thượng nói: “Phật pháp đối với chân tướng sự thật nói được rất là thấu triệt”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook